Vietship 2016: AS565 Panther sẽ thay thế Ka-28 trên SIGMA 9814?

Bạch Dương |

Việc mô hình trực thăng AS565 Panther xuất hiện bên cạnh tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 tại khu trưng bày của Damen có thể được xem như một điểm nhấn tại Triển lãm Vietship 2016.

Bất ngờ: Việt Nam sẽ sớm đóng tàu hộ vệ tên lửa Sigma?

Như tin đã đưa, tại Triển lãm quốc tế lần thứ 8 về Công nghệ đóng tàu, Hàng hải và Công trình biển - Vietship 2016, Tập đoàn Damen - Hà Lan vẫn trưng bày mô hình quen thuộc của tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814.

Nhưng khác với Vietship 2014, bên cạnh nó đã có sự hiện diện của trực thăng AS565 Panther, hành động trên của Damen liệu có phải chứa đựng một ẩn ý bên trong?


Mô hình trực thăng AS565 Panther bên cạnh tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 trưng bày tại Triển lãm Vietship 2016. Ảnh: Bình Nguyên.

Mô hình trực thăng AS565 Panther bên cạnh tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 trưng bày tại Triển lãm Vietship 2016. Ảnh: Bình Nguyên.

Theo những nhận định trước kia, Việt Nam đưa ra yêu cầu mở rộng chiều ngang thêm 1 m so với phiên bản tiêu chuẩn SIGMA 9813 chính là để tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận trực thăng săn ngầm Ka-28.

Thực tế cũng đã diễn ra theo đúng suy đoán trên, khi mô hình Ka-28 luôn xuất hiện trên sàn đáp máy bay của tàu qua cả hai kỳ triển lãm.

Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng SIGMA là một chiến hạm được phương Tây sản xuất, các phương tiện tác chiến điện tử cũng như vũ khí, khí tài đều tuân theo tiêu chuẩn châu Âu.

Vì vậy nếu như chúng ta quyết định đưa Ka-28 của Nga lên tàu sẽ không được hợp lý lắm, để đồng bộ thì vẫn nên lựa chọn một loại trực thăng phương Tây.

Có thể do nhận thấy tiềm năng bán AS565 Panther là hiện hữu và các cuộc đàm phán vẫn đang tiến hành, nên mô hình của nó mới "song hành" cùng SIGMA 9814 tại Vietship 2016.


Trực thăng AS565 Panther của Saudi Arabia mang 4 tên lửa chống hạm AS-15TT

Trực thăng AS565 Panther của Saudi Arabia mang 4 tên lửa chống hạm AS-15TT

AS565 Panther là phiên bản quân sự của trực thăng đa dụng hạng trung Eurocopter AS365 Dauphin, vật liệu được sử dụng chủ yếu cho máy bay là composite nhằm giảm trọng lượng cũng như mức độ bộc lộ radar.

Chiếc trực thăng này do 2 phi công điều khiển, có chiều dài 13,68 m; chiều cao 3,97 m; trọng lượng cất cánh tối đa 4.300 kg; 2 động cơ Turbomeca Arriel 2C công suất 852 mã lực cho tốc độ tối đa 306 km/h, trần bay 5.865 m, tầm hoạt động 820 km.

AS565 có 2 phiên bản chính là biến thể vận tải - cứu hộ AS565 MA/MB không trang bị vũ khí mà chỉ có các khí tài tìm kiếm cứu nạn như radar tuần thám, FLIR, tời cứu hộ...

Nhưng quan sát mô hình tại Vietship 2016, do không thấy vị trí lắp tời cứu hộ cũng như để phù hợp cho việc hoạt động trên chiến hạm, rất có thể Eurocopter đang chào bán cho Việt Nam phiên bản vũ trang AS565 SA/SB.

Biến thể này được đánh giá có sức mạnh vượt trội Ka-28, khi ngoài chức năng săn ngầm nó còn đảm nhiệm tốt cả vai trò chống hạm nhờ 4 tên lửa AS-15TT tầm bắn 15 km, mang theo đầu đạn nặng 30 kg, rất thích hợp để tiêu diệt tàu xuồng tấn công nhanh cỡ nhỏ.


Mô hình tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 trưng bày tại Triển lãm Vietship 2016. Ảnh: Bình Nguyên.

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 trưng bày tại Triển lãm Vietship 2016. Ảnh: Bình Nguyên.

Đánh giá chung thì Ka-28 hay AS565 đều có những ưu nhược điểm riêng, ở AS565 là sự đồng bộ về khí tài với SIGMA 9814, đi kèm năng lực tác chiến đa dạng hơn.

Trong khi đó lợi thế của Ka-28 nằm ở sự quen thuộc, do các phi công Việt Nam đã khai thác sử dụng từ hơn 20 năm nay, tận dụng được dây chuyền bảo dưỡng cũng như các loại vũ khí trang bị.

Việc lựa chọn Ka-28 hay AS565 sẽ phải được cân nhắc kỹ, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới một viễn cảnh đó là Việt Nam sẽ mua thêm cả hai loại trực thăng vũ trang này để phối hợp, bổ sung cho nhau nhằm đạt hiệu quả tác chiến tối ưu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại