Đến 2017: Hải quân Việt Nam sẽ có 17 tàu tên lửa hiện đại

Bình Nguyên |

Được xác định tiến thẳng lên hiện đại và ưu tiên đầu tư mạnh mẽ, đến năm 2017, Quân chủng Hải quân sẽ có trong biên chế 17 tàu tên lửa tiên tiến.

4 tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9

Tiếp sau cặp Gepard đầu tiên gồm tàu 011 - Đinh Tiên Hoàng và 012 - Lý Thái Tổ, cặp tàu hộ vệ tên lửa thứ 2 (chiếc số 3 & 4) đang được Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (Nga) gấp rút hoàn thiện để bàn giao cho Hải quân Việt Nam trong năm 2017.

Tiến độ có hơi chậm hơn so với ban đầu vì một số lý do, trong đó có việc trục trặc khi Ukraine không bàn giao động cơ để phía Nga lắp lên tàu Gepard. Tuy nhiên, sau đó, cả Việt Nam và Nga chung tay giải quyết vấn đề này một cách ổn thỏa.

Tuy không công bố chi tiết, nhưng rất có thể các tàu Gepard tiếp theo sẽ được lắp động cơ MTU có xuất xứ Đức. Trước đó, Đức là đối tác cung cấp ít nhất 2 động cơ diesel MTU-8000 cho các tàu BPS-500 đầu tiên đóng trong nước của Việt Nam.

Được biết, cặp tàu thứ 2 này được bổ sung thêm khả năng săn ngầm, chính thức biến chúng thành những tàu hộ vệ tên lửa đa năng hoàn hảo đúng nghĩa, vừa diệt hạm, vừa săn ngầm, vừa làm tàu chỉ huy biên đội hoặc nhóm tác chiến hải quân sẵn sàng đánh địch.

Truyền thông Nga cũng đưa tin, rất có thể trong thời gian tới Hải quân Việt Nam sẽ đặt đóng cặp tàu Gepard thứ 3 (chiếc số 5 & 6), tuy nhiên có lẽ các bên vẫn đang trong quá trình thảo luận v hoàn thiện thiết kế nên hợp đồng vẫn chưa được ký chính thức.

Có thông tin cho rằng cặp tàu tiếp theo, ngoài khả năng diệt hạm, săn ngầm, chúng sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không phóng thẳng đứng, tầm bắn xa hơn, tạo thành ô phòng không tương đối mạnh che đầu cho các tàu Hải quân Việt Nam hoạt động trên biển.


2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard.

2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard.

8 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya

Tính đến đầu năm 2016, đã có tất cả 6 tàu Molniya được bàn giao cho Hải quân Việt Nam. Trong đó có 2 chiếc đóng tại Nga và 4 chiếc đóng tại Việt Nam do Tổng công ty Ba Son thi công theo giấy phép và chuyển giao công nghệ, giám sát của phía Nga.

Cặp tàu Molniya thứ 3 (chiếc số 5 & 6) cũng đang được các cán bộ, kỹ sư và công nhân lành nghề của Ba Son gấp rút hoàn thiện để tiến hành chạy thử, nghiệm thu và bàn giao cho các đơn vị Hải quân sử dụng ngay trong năm 2016 này.

Dự kiến, sau giai đoạn 1 đóng 6 chiếc tàu loại này, Tổng công ty Ba Son sẽ triển khai giai đoạn 2 với loạt 4-6 tàu Molniya tiếp theo với cấu hình tiên tiến và vũ khí uy lực hơn.


Toàn cảnh lực lượng tàu mặt nước và tàu ngầm của Hải quân Việt Nam.

Toàn cảnh lực lượng tàu mặt nước và tàu ngầm của Hải quân Việt Nam.

4 tàu tên lửa tấn công nhanh Tarantul

Trong giai đoạn cuối những năm 1990 và đầu năm 2000, hải quân Việt Nam đã tiếp nhận 4 tàu tên lửa tấn công nhanh Tarantul, tiền thân của các tàu Molniya ngày nay.

Đây là các tàu tên lửa đã được phía Nga triển khai nhưng chưa hoàn thiện bởi nhiều lý do khác nhau. Việt Nam đã mua lại thành công các tàu này, bước đầu làm quen với những tàu tên lửa hiện đại, làm nền móng cho việc tiếp nhận và làm chủ những con tàu hiện đại hơn.

Rất có thể, trong ít năm nữa, với việc nghiên cứu thành công tên lửa diệt hạm KCT-15, các tàu Taratul này có thể sẽ được nâng cấp để nâng cao sức mạnh hỏa lực, tiếp tục phục vụ trong biên chế Hải quân Việt Nam thêm vài chục năm nữa.


Tàu tên lửa tấn công nhanh Tarantul

Tàu tên lửa tấn công nhanh Tarantul

1 tàu tên lửa tấn công nhanh BPS-500

Dự án đóng tàu tên lửa tấn công nhanh BPS-500 đã bị tạm hoãn bởi những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, sau khi mới chỉ hoàn thiện được 1 chiếc duy nhất.

Dự án này, đã giúp rút ra nhiều kinh nghiệm quý trong việc lựa chọn loại tàu, vũ khí trang bị đi kèm, là tiền đề cho Dự án đóng tàu M, tức các tàu Molniya hiện đại ngày nay.

Dự kiến trong tương lai gần, chiếc tàu này sẽ được nâng cấp để phát huy tối đa tốc độ, uy lực của tên lửa diệt hạm, đáp ứng được yêu cầu của tác chiến trên biển trong tình hình mới.


Tàu tên lửa BPS-500.

Tàu tên lửa BPS-500.

Ngoài các tàu tên lửa hiện đại kể trên, hiện nay, trong biên chế của Hải quân Việt Nam còn có một số tàu tên lửa lớp OSA-II được đưa vào sử dụng từ khá lâu.

Trong tương lai, khi số lượng tàu tên lửa của Việt Nam được bổ sung nhiều hơn, có thể chúng sẽ được niêm cất, đưa về làm lực lượng dự bị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại