Vì sao SIGMA 9814 Việt Nam không được trang bị tên lửa Aster?

Bạch Dương |

Nếu Việt Nam có nhu cầu, liệu tên lửa phòng không Aster-15/30 có thể thay thế VL MICA trên chiến hạm SIGMA 9814?

Sau khi mô hình chiến hạm SIGMA 9814 của Việt Nam lộ diện tại triển lãm Vietship 2014 với hệ thống tên lửa phòng không phóng thẳng đứng bố trí phía trước mũi tàu, nhiều người đã hy vọng rằng chiếc khinh hạm này sẽ được trang bị tên lửa Aster-15/30.

Do đó, đã có một chút tiếc nuối khi thông tin chính thức cho biết SIGMA 9814 sẽ chỉ có tên lửa phòng không tầm ngắn VL MICA với tầm bắn tối đa 20 km.

Tên lửa Aster nhờ tầm bắn xa hơn (tầm xa trên 30 km, trần bay 13 km với Aster-15 và lên tới 120 km, trần bay 20 km với Aster-30), đi kèm tốc độ lớn (Mach 3,5 với Aster-15 và Mach 4,5 với Aster-30) sẽ cung cấp một chiếc ô phòng không hạm đội tin cậy hơn hẳn.

Vậy câu hỏi được đặt ra là nếu có yêu cầu từ phía Việt Nam, liệu SIGMA 9814 có thể thay thế tên lửa MICA bằng Aster? Điều này gần như là chắc chắn không thể xảy ra.

Bệ phóng Sylver A50 của tên lửa phòng không Aster (phía sau pháo chính) trên khinh hạm Formidable

Nguyên nhân đầu tiên chính là kích thước của tên lửa Aster-15/30 lớn hơn VL MICA khá nhiều.

Với chiều dài 4,9 m của Aster-30 và 4,2 m của Aster-15 so với 3,1 m của VL MICA sẽ buộc bệ phóng Sylver 50 phải nhô cao hẳn lên khỏi sàn tàu, gần bằng với cabin chỉ huy, gây mất cân đối và kém ổn định cho tàu.

Tiếp theo, mặc dù đường kính thân của Aster-15/30 chỉ lớn hơn MICA một chút (180 mm so với 160 mm), nhưng tên lửa Aster lại được gắn thêm bộ phận khởi tốc có kích thước lớn và sải cánh rộng.

Vì vậy nếu trang bị tên lửa Aster, SIGMA 9814 có lẽ chỉ mang được tối đa 6 đạn, bố trí trong 2 hàng 3 ống phóng thẳng đứng, số lượng tên lửa như vậy là quá ít, không thể đảm bảo yêu cầu tác chiến.

Kích thước của tên lửa Aster tỏ ra quá khổ đối với chiến hạm 2.100 tấn như SIGMA 9814

Thêm vào đó, đơn giá của tên lửa Aster cũng rất cao, lên tới trên 2,5 triệu USD/quả đối với Aster-30 so với 1,2 triệu USD/quả của VL MICA, đây thực sự là một gánh nặng không hề nhỏ.

Với một số nguyên nhân trên, có lẽ phải sau khi trang bị đủ số lượng tàu hộ vệ tên lửa có lượng giãn nước 2.000 tấn và tiến tới sở hữu khinh hạm có lượng giãn nước trên 3.000 tấn thì Việt Nam mới có chiến hạm với khả năng phòng không tầm trung - xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại