Tàu hộ vệ tên lửa Sigma tiếp tục được trưng bày
Được tận mắt chứng kiến các thành viên trong nhóm chuyên gia của Tập đoàn Damen (Hà Lan) trực tiếp chuẩn bị tỉ mỉ từng li từng tí để hoàn thiện gian trưng bày, ta mới thấy họ chuyên nghiệp đến chừng nào.
Mặc dù có hẳn một đội ngũ giúp việc Việt Nam, nhưng những "ông Tây, bà đầm" vẫn trực tiếp tham gia vào hầu hết mọi việc để sẵn sàng cho buổi triển lãm được khai mạc vào sáng mai (24/02/2016) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
Thú vị nhất là khi thấy những "ông Tây" trực tiếp cầm máy hút bụi vệ sinh mọi ngõ ngách trong gian trưng bày, rồi lấy giẻ lau từng khung kính để chúng trở nên trong trẻo, làm cho các mô hình vụt sáng bừng lên, thu hút mọi ánh nhìn.
Hai trong số các mô hình có lẽ sẽ được nhiều khách tham quan để tâm nhất chính là mẫu tàu hộ vệ tên lửa Sigma và tàu Cảnh sát biển DN-2000 số hiệu 8002, bởi chúng đã và sẽ làm nên sức mạnh của Hải quân Việt Nam và những lực lượng chấp pháp trên biển.
Trong đó, Sigma-9814 được đặt ở vị trí trang trọng nhất, ngay ở lối đi và là điểm tiếp cận đầu tiên của mọi khách thăm quan.
Như vậy, một lần nữa tàu hộ vệ tên Sigma-9814 mang cờ Việt Nam lại được trưng bày và được chăm chút kỹ lưỡng bởi chuyên gia Hà Lan. Điều đó có nói lên chỉ dấu nào để thấy rằng mẫu Sigma này là của Việt Nam và vì Việt Nam hay chăng?
Rõ ràng, cả Tập đoàn Damen và những thành viên tới từ Hà Lan tham gia Triển lãm này kỳ vọng rất nhiều vào một triển vọng tươi sáng và mong muốn không chỉ 2 mà có thể là nhiều hơn nhưng tàu hộ vệ tên lửa Sigma đứng trong đội hình của Hải quân Việt Nam.
Toàn cảnh gian trưng bày của Tập đoàn Damen tại Vietship 2016. Ảnh: Bình Nguyên.
Cấu hình cuối cùng đã được chọn?
Khác với lần Triển lãm trước (Vietship 2014), Damen trưng bày cùng lúc 2 mô hình tàu hộ vệ tên lửa Sigma-9814, trong đó có 1 mẫu với nhà chứa trực thăng và mẫu còn lại không có, lần này Damen chỉ trưng bày duy nhất 1 mẫu tàu có nhà chứa trực thăng.
Liệu đây có phải là mẫu cuối cùng đã được lựa chọn? Khó có thể khẳng định ngay được điều này khi cả hai bên Việt Nam và Hà Lan vẫn chưa có tuyên bố chính thức.
Dẫu vậy, ta có thể hài lòng với cấu hình tàu hộ vệ tên lửa hiện đại có nhà chứa trực thăng này. Bởi lẽ, nó sẽ cung cấp đầy đủ điều kiện hoạt động cho chiếc trực thăng cơ hữu đi theo tàu tuần tra, tác chiến dài ngày trên biển.
Tàu Sigma-9814 có nhà chứa đi kèm mô hình trực thăng săn ngầm Ka-28. Ảnh: Bình Nguyên.
Có nhà chứa sẽ giúp hạn chế phần nào những tác động của thời tiết, của hơi mặn từ biển, vốn ảnh hưởng vô cùng lớn đến tuổi thọ và độ tin cậy của trực thăng, có vậy mới tiết kiệm được công sức của đội ngũ đảm bảo kỹ thuật hàng không.
So với mẫu tàu Sigma-9814 đã trưng bày trước công chúng Việt Nam cách đây 2 năm, về cơ bản mọi thứ không có gì thay đổi nhiều, vẫn là:
- Tàu được thiết kế theo kiểu module nhằm rút ngắn tối đa quá trình thi công đóng mới. Khả năng tàng hình vẫn là điểm mạnh của tàu với thượng tầng thấp, được tính toán để giảm diện tích phản xạ radar.
- Tàu có kích thước (dài x rộng x mớn nước): 99,91 x 14,02 x 3,75m, lượng choán nước 2.150 tấn, kíp thủy thủ 103 người.
- Hỏa lực của Sigma 9814 gồm có 8 tên lửa diệt hạm cận âm Exocet MM40 Block III (tầm bắn 180km) trên 2 bệ phóng, bố trí ở giữa tàu; pháo chính Oto Melara 76,2mm; tổ hợp tên lửa phóng thẳng đứng VL-Mica-M tiên tiến nhất, cùng 2 pháo MARLIN-WS.
Đây là những vũ khí tiên tiến nhất của phương Tây mà đối tác cung cấp chính là Pháp và Italia, phía Hà Lan (đại diện là Damen) chỉ là tổng thầu, có trách nhiệm tích hợp và lắp đặt chúng lên các tàu Sigma.
Trái tim của Sigma 9814 nằm ở hệ thống chỉ huy trung tâm TACTICOS do hãng Thales (Pháp) phát triển.
Thượng tầng của tàu được bố trí hợp lý và hài hòa. Ảnh: Bình Nguyên.
Hệ thống có thể đồng bộ tín hiệu, chỉ huy hỏa lực toàn tàu, từ radar nhìn vòng SMART-S Mk2 (tầm trinh sát 250 km, theo dõi được 500 mục tiêu cùng lúc) cho tới các hệ thống tên lửa diệt hạm, phòng không, ngư lôi, các loại pháo cũng như mồi bẫy và gây nhiễu điện tử.
Ngoài ra, Sigma Việt Nam có thể được trang bị bệ phóng B515 để bắn các loại ngư lôi diệt hạm hiện đại EuroTorp 3A 244S Mode II/MU 90.
Hiện chưa rõ tàu có được lắp đặt tổ hợp khí tài định vị tàu ngầm chủ động/thụ động Thales UMS 4132 Kingklip gắn trên thân hay không nhưng theo mô hình trưng bày tại Vietship 2016, Sigma 9814 hoàn toàn có thể được trang bị những tổ hợp vũ khí, khí tài hiện đại nhất.
Bố trí vũ khí trang bị của Sigma từ giữa thân tới mũi tàu. Ảnh: Bình Nguyên.
Trong một diễn biến khác, theo Dữ liệu Chuyển giao vũ khí thế giới năm 2015 của SIPRI (Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm) vừa cập nhật hôm 21/02 vừa qua, các tàu Sigma-9814 có trong danh sách Việt Nam đã đặt mua từ Hà Lan ký năm 2013.
Tuy nhiên, hãy chờ xem vì dù sao Sigma-9814 dù giá có nhỉnh hơn so với một số mẫu tàu khác, nhưng rõ ràng "tiền nào, của nấy".