F-22: Từ đống sắt 400 triệu USD tới "người hùng" ở Syria

Hải Vy |

Được thiết kế để đối phó với một kẻ thù... không hề tồn tại, cỗ máy chiến tranh 400 triệu USD của Mỹ chẳng khác nào đống sắt vô dụng nếu nó không được triển khai đến Iraq và Syria.

Đối phó với kẻ thù... không tồn tại

Trong nhiều năm, mặc dù là chiến đấu cơ vô cùng tiên tiến nhưng F-22 lại chưa từng thực chiến. Các nhà phê bình chỉ trích rằng đây là loại máy bay được chính phủ Mỹ chế tạo từ hơn 80 tỷ USD tiền thuế của người dân để đối phó với một kẻ thù không hề tồn tại.

Nhưng giờ đây, đã hơn 1 thập kỷ trôi qua kể từ sau khi những chiếc F-22 đầu tiên đi vào hoạt động, tiêm kích tàng hình thế hệ mới này vẫn… tiếp tục tìm kiếm kẻ thù vô hình đó và trong thời gian chờ đợi, nó đảm nhận nhiệm vụ ném bom tiêu diệt phiến quân ở Syria và Iraq.

Những chiến đấu cơ được mệnh danh là một trong những loại máy bay chiến đấu tàng hình tinh vi và đắt đỏ nhất trên thế giới đã không “đứng ngoài cuộc” trong các chiến dịch không kích mới nhất của Mỹ tại Iraq và Syria như tại Afghanistan, Libya và cả Iraq trước đây.

F-22 tấn công Trung tâm chỉ huy và kiểm soát của IS ở Syria tháng 9/2014

Theo Không quân Mỹ, kể từ nhiệm vụ đầu tiên vào tháng 9/2014, F-22 đã “hoạt động thường xuyên” trong chiến dịch chống IS, với hơn 150 phi vụ, ném hơn 200 quả bom nhằm vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố.

Chúng tôi thường được giao nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt các trại huấn luyện, cơ sở lưu trữ và sản xuất các thiết bị nổ tự chế, các khu vực chiến đấu, cơ sở phân phối dầu và các đại bản doanh của IS” – Đại úy Không quân Mỹ Joseph Simms nói với hãng tin ABC News.

F-22 là phương tiện tiêu diệt rất nhiều mục tiêu giá trị cao” – ông Simms cho biết.

F-22 được thiết kế để đối phó với một kẻ thù... không hề tồn tại.
F-22 được thiết kế để đối phó với một kẻ thù... không hề tồn tại.

Tuy nhiên, những nhiệm vụ này không đúng như mục tiêu thiết kế ban đầu của “chuyên gia tác chiến không-đối-không” F-22 và Không quân Mỹ cũng thừa nhận rằng họ không nhất thiết phải dùng tới những chiếc máy bay đắt đỏ này để thực hiện các nhiệm vụ đó.

“F-22 không hẳn cần thiết”, người phát ngôn của Không quân Mỹ - Thiếu tá Tim Smith nói với ABC News, “nhưng nó là một công cụ tuyệt vời để mang tới các cuộc không kích với độ chính xác cao trong cuộc chiến này”.

F-22 được thiết kế và phát triển vào cuối những năm 1980 và 1990 nhằm đối phó với những đội quân có trang bị tinh vi của Nga và Trung Quốc, chứ không phải là các đối thủ được đào tạo kém, trang bị nghèo nàn nhưng dai dẳng như al Qaeda, Taliban và giờ là IS.

Chính phủ Mỹ ban đầu có kế hoạch trang bị hơn 600 chiếc Raptor nhưng nguồn kinh phí cho các máy bay mới đã bị cắt bỏ vào năm 2009, khiến chỉ có chưa đầy 200 chiếc máy bay được chuyển giao.

Điều này làm cho giá của mỗi chiếc máy bay tăng vọt đến hơn 400 triệu USD, bao gồm cả chi phí nghiên cứu và phát triển.

Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, đã lý giải như sau:

F-22 rõ ràng là năng lực mà chúng ta cần đến – một giải pháp hoàn hảo và thần diệu để đối phó với 1 hoặc 2 viễn cảnh có thể xảy ra, đặc biệt là để đánh bại các phi đoàn máy bay chiến đấu tiên tiến của đối phương.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, F-22 không có tác dụng ở đâu khác khi giao tranh”.

Năm 2011, Thượng nghị sĩ JohnMcCain, còn thẳng thắn hơn khi nhận xét rằng: "F-22 chưa từng thực hiện nhiệm vụ tác chiến nào… Tôi không cho rằng F-22 có thể tham gia cuộc chiến mà nó được thiết kế để đối phó, bởi mối đe dọa đó không còn tồn tại”.

Tỏa sáng ở Iraq, Syria


Hiện nay, F-22 không chỉ thực hiện nhiệm vụ ở Iraq, Syria mà còn đảm nhận sứ mệnh răn đe.

Hiện nay, F-22 không chỉ thực hiện nhiệm vụ ở Iraq, Syria mà còn đảm nhận sứ mệnh "răn đe".

Hiện nay, do đang phải tác chiến tại Syria, Iraq và vẫn chưa có “phi đoàn máy bay tiên tiến” nào phải đối phó nên Không quân Mỹ có vẻ muốn mở rộng khả năng hoạt động của F-22.

Họ giao phó cho chúng những nhiệm vụ vốn dĩ phù hợp với các máy bay chiến đấu không-đối-đất “giá mềm” hơn như F-16 hay thậm chí là F-35, người anh em “lắm tật” của F-22.

Mặc dù không thật sự cần thiết nhưng các quan chức Không quân Mỹ đã tán dương những gì mà F-22 mang đến cho chiến dịch Inherent Resolve.

Tháng 7/2015, trong thông cáo báo chí của Không quân Mỹ, một chỉ huy giấu tên cho biết, F-22 có thể dùng khả năng tàng hình của nó để “tiếp cận gần hơn với các hệ thống tên lửa đất-đối-không và máy bay chiến đấu không thuộc liên quân mà ít có nguy cơ bị phát hiện”.

Vị trung tá giấu tên cho biết, các loại vũ khí trên F-22 “vô cùng chính xác khi bắn từ khoảng cách rất xa và gây ra mức tổn thất ngoài dự kiến thấp nhất so với bất kỳ loại nào khác trong kho vũ khí của Mỹ”.

Thiếu tá Smith nhận định, F-22 đã chứng minh giá trị của mình khi giữ vị trí như “tiền vệ trên không” trong môi trường tác chiến phức tạp ở Iraq và Syria:

“Mặc dù Syria, Nga và các bên khác không chống đối hoạt động trên không của chúng tôi tại khu vực này, nơi có rất nhiều hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu từ nhiều quốc gia nhưng chúng tôi vẫn cần khả năng của một “tiền vệ trên không” mà mà F-22 mang lại”.

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề tác chiến trên không của Hiệp hội Không quân Mỹ tháng Hai năm ngoái, Tướng Hawk Carlisle cũng đề cập tới vai trò “tiền vệ” của F-22 và nhận định, F-22 có thể “thâm nhập vào những khu vực mà các máy bay khác không thể làm được”.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nó có thể chuyển đổi từ vai trò hộ tống sang “sử dụng các cảm biến và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến để hỗ trợ kiểm soát các máy bay khác và thay đổi mục tiêu”.

Thậm chí, những gì F-22 thể hiện có vẻ đã giành được thiện cảm của Thượng nghị sĩ John McCain:

Khả năng của F-22 trong việc tạo ra mối đe dọa đối với máy bay chiến đấu của Nga, các hệ thống tên lửa đất-đối-không của Assad và các mục tiêu khác trên mặt đất, đồng thời tấn công các mục tiêu IS là một minh chứng cho thấy sự linh hoạt không thể phủ nhận của nó”.


Các chiến đấu cơ F-22 bay trên bầu trời Hàn Quốc ngày 17-2.

Các chiến đấu cơ F-22 bay trên bầu trời Hàn Quốc ngày 17-2.

Những người ủng hộ F-22 (từ năm 2009 hoặc gần đây hơn) cho rằng mẫu máy bay này thật sự xứng đáng với mức giá đắt đỏ của nó nếu Mỹ xảy ra xung đột với Nga hoặc Trung Quốc, bởi cả 2 quốc gia đó đều đang phát triển chiến đấu cơ tàng hình để cạnh tranh với Raptor.

Trong khi đó, Không quân Mỹ đang tìm kiếm thêm những cách khác để tận dụng các máy bay chiến đấu tiên tiến, không chỉ trong các nhiệm vụ ném bom ở Iraq, Syria mà còn trong các sứ mệnh “răn đe” ở các khu vực khác trên thế giới.

Trong nhiệm vụ "răn đe", Washington hy vọng Raptor có thể khiến các đối thủ của Mỹ khiếp sợ.

Tuần trước, 4 chiếc F-22 đã cùng với các máy bay chiến đấu Hàn Quốc bay theo đội hình trên bán đảo Triều Tiên nhằm “thể hiện sức mạnh liên minh” giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên khiến cộng động thế giới lo ngại vì phóng tên lửa tầm xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại