“Kho vũ khí bay” giúp Không quân Mỹ đè bẹp Trung Quốc

Hải Vy |

Theo David Axe, tiêm kích tàng hình của Không quân Mỹ mang được quá ít tên lửa không-đối-không. Ngay cả khi có lực lượng máy bay tàng hình lớn hơn, họ vẫn có thể bị TQ đánh bại.

"Kho vũ khí bay"

Trong bài viết trên trang mạng War is Boring, nhà báo quốc phòng David Axe cho biết, quân đội Mỹ đang cân nhắc khả năng phát triển một “kho vũ khí bay” để hộ tống các máy bay chiến đấu tàng hình tác chiến.

“Kho vũ khí bay” này thực chất là một chiếc máy bay vận chuyển theo lượng lớn đạn dược để tăng cường hỏa lực đáng kể cho các máy bay tàng hình.

Ý tưởng “kho vũ khí bay” do Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đưa ra hôm 2/2 khi trình bày qua các đề xuất ngân sách của Lầu Năm Góc trong năm 2017.

Nó có thể giúp quân đội Mỹ giải quyết một trong những vấn đề nan giải nhất – “thiếu hỏa lực”, khi so sánh với các lực lượng ngày càng đông đảo hơn của Trung Quốc trong các viễn cảnh chiến tranh ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ông Carter không nói rõ về các loại vũ khí mà chiếc máy bay có thể mang theo, liệu chúng có bao gồm các loại đạn không-đối-không – được cho là lỗ hổng hỏa lực lớn nhất của Mỹ hiện nay.

Theo ông Carter, “kho vũ khí bay”, do Văn phòng Khả năng Chiến lược mới của Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển, “sẽ tận dụng một khung máy bay cũ nhất và biến nó trở thành phương tiện bay mang theo tất cả các loại đạn dược thông thường”.

“Trên thực tế, chiếc máy bay sẽ hoạt động như một kho đạn dược khổng lồ trên không, kết nối với máy bay chiến đấu thế hệ 5”, ông Carter nói, “Về cơ bản là kết hợp các hệ thống đã có để tạo ra những khả năng hoàn toàn mới”.


Máy bay ném bom B-1 hoặc (và) máy bay ném bom B-52 có thể được cải tiến để trở thành kho vũ khí bay.

Máy bay ném bom B-1 hoặc (và) máy bay ném bom B-52 có thể được cải tiến để trở thành "kho vũ khí bay".

Một quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ với tạp chí Aviation Week rằng, Văn phòng Khả năng Chiến lược đang xem xét khả năng cải tiến các máy bay ném bom B-1 hoặc B-52, hoặc thậm chí là cả 2 máy bay này, để chúng đảm nhiệm vai trò “kho vũ khí”.

Trong thời đại của máy bay phản lực, đã có nhiều đề nghị vũ trang cho máy bay ném bom các vũ khí không-đối-không.

Lợi ích chiến lược

Lợi ích của ý tưởng này rất rõ ràng. Hiện nay, quân đội Mỹ triển khai chưa đầy 200 máy bay chiến đấu tàng hình, trong đó có khoảng 100 chiếc F-22 của Không quân và chỉ 10 chiếc F-35B của Thủy quân Lục chiến.

Vẫn còn nhiều máy bay F-35 đang trong quá trình sản xuất và Không quân Mỹ đang xúc tiến theo đúng kế hoạch để F-35A đạt được khả năng sẵn sàng tác chiến vào tháng 8/2016.

Nhưng ngay cả khi có lực lượng máy bay tàng hình lớn hơn, Mỹ vẫn có thể bị đánh bại nếu không chiến với Trung Quốc tại Đài Loan hoặc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV), nơi Trung Quốc có các hoạt động xây dựng và tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Đó là bởi F-22 chỉ có thể mang 8 tên lửa không-đối-không khi ở cấu hình tàng hình và F-35 thậm chí chỉ có thể mang 2 tên lửa.

Trong khi đó, các biến thể Su-27 của Trung Quốc có thể mang 10 tên lửa không-đối-không trở lên.


Với cấu hình tàng hình, F-22 và F-35 mang được quá ít tên lửa không-đối-không.

Với cấu hình tàng hình, F-22 và F-35 mang được quá ít tên lửa không-đối-không.

Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra không chiến ở Thái Bình Dương, do có nhiều căn cứ gần với các khu vực dễ xảy ra giao chiến nên Bắc Kinh có thể duy trì nhiều máy bay chiến đấu trên không hơn so với Mỹ - có thể là hàng trăm chiếc, hoặc nhiều hơn nữa.

Cuối cùng, Trung Quốc sẽ giành được ưu thế khổng lồ về hỏa lực.

Trong một nghiên cứu năm 2008, tổ chức tư vấn RAND tại Mỹ đã đưa ra đánh giá lạc quan rằng tiêm kích F-22 sẽ “không bao giờ trượt” khi bắn tên lửa không-đối-không AIM-120 vào máy bay chiến đấu Trung Quốc.

Ngược lại, chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ “không bao giờ bắn trúng” F-22 bằng các tên lửa mà nó mang theo.

Trên thực tế, F-22 và F-35 sẽ nhanh chóng cạn kiệt tên lửa và nhiên liệu, còn các máy bay Trung Quốc sống sót đã xuyên thủng mạng lưới phòng không của Mỹ và bắn hạ các máy bay tiếp dầu, máy bay cảnh báo sớm trên không, cùng máy bay tuần thám biển.

Theo cách này, chúng vô hiệu hóa hiệu quả lực lượng Mỹ bằng cách “chặt đứt” mạng lưới cảm biến và cơ sở tiếp dầu.

Có vẻ “chột dạ” trước những phát hiện này mà Lầu Năm Góc đã có bước tiến mới nhằm cải thiện sức mạnh hỏa lực của các máy bay chiến đấu tàng hình.

Tập đoàn Lockheed Martin được cho là đang phát triển một mẫu tên lửa không-đối-không với kích cỡ nhỏ hơn để F-22 và F-35 có thể mang theo với số lượng lớn hơn.

Trong năm 2011, RAND công bố một bản báo cáo khuyến khích Lầu Năm Góc cân nhắc khả năng bổ sung 20 tên lửa không-đối-không cỡ lớn cho các máy bay ném bom B-1.

4 năm sau, John Stillion, cựu chuyên gia phân tích của RAND đã viết một bức thư tới Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược (trụ sở ở Washington D.C), đề nghị rằng máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Lầu Năm Góc cần có kích cỡ như máy bay ném bom.

Ngoài ra, nó cần mang được 24 tên lửa không-đối-không và có thể điều khiển các máy bay không người lái trang bị tên lửa riêng.

Báo cáo của RAND và đề nghị của ông Stillion đều là những gợi ý cho thấy ý tưởng về “kho vũ khí bay” đang giành được sự đồng tình của giới quân sự.

Tuy nhiên, “kho vũ khí bay” đầu tiên có thể sẽ là máy bay chiến đấu, thay vì máy bay ném bom.

Trong năm 2015, Boeing đã tiết lộ một cấu hình mới dành cho các tiêm kích F-15C, trong đó tăng gấp đôi khả năng mang tên lửa không-đối-không của chiếc F-15 tiêu chuẩn, từ 8 lên 16 tên lửa.


F-15 có thể được tăng cường gấp đôi khả năng mang tên lửa để hỗ trợ hỏa lực cho F-22 và F-35.

F-15 có thể được tăng cường gấp đôi khả năng mang tên lửa để hỗ trợ hỏa lực cho F-22 và F-35.

Không quân Mỹ có vẻ muốn tiến hành nâng cấp của Boeing và đồng thời phát triển một loại pod liên kết dữ liệu mới cho F-15, cho phép mẫu máy bay chiến đấu thế hệ cũ này tiếp nhận dữ liệu mục tiêu từ tiêm kích hiện đại hơn như F-22.

Về lý thuyết, F-15 (không có khả năng tàng hình) có thể bay sau F-22 và F-35 trong quá trình giao chiến, bắn tên lửa vào các mục tiêu mà 2 loại tiêm kích kia phát hiện trong lúc chúng dùng khả năng tàng hình để che giấu bản thân trước đối phương.

Ý tưởng “kho vũ khí bay” của ông Carter phù hợp với mục tiêu nghiên cứu và phát triển công nghệ nhiều năm qua, đó là hướng tới một lực lượng tác chiến 2 bậc trên không trong tương lai gần.

Trong đó, tiêm kích tàng hình đóng vai trò phát hiện, chỉ điểm mục tiêu còn tiêm kích không tàng hình, như F-15 và máy bay ném bom, sẽ mang theo nhiều vũ khí hơn.

Có vẻ không ngẫu nhiên mà phi đoàn máy bay ném bom B-52 và B-1 lại đang được nâng cấp mở rộng, trong đó có bổ sung thiết bị liên kết dữ liệu mới.

Cần lưu ý rằng, cả ông Carter hay nguồn tin của Aviation Week đều không đề cập cụ thể về khả năng “kho vũ khí bay” sẽ mang theo các tên lửa không-đối-không.

Có khả năng Lầu Năm Góc sẽ muốn tăng cường các loại đạn không-đối-đất cho lực lượng tấn công tàng hình.

Tuy nhiên, về mặt công nghệ mà nói, không có lý do gì mà “kho vũ khí bay” lại không thể hỗ trợ thêm hỏa lực trên không cho các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ.

Ngay lúc này, “kho vũ khí bay” vẫn chỉ là ý tưởng, chưa phải một chương trình chính thức được phân bổ ngân sách. Song, nhu cầu của Không quân Mỹ là tất yếu và khí tài thì đã có sẵn.

Nếu được chính thức thông qua và đầu tư ngân sách, trong vài năm nữa, các tiêm kích F-22 và F-35 có thể tác chiến không-đối-không với sự hỗ trợ của các máy bay ném bom hạng nặng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại