Cơ động để bảo toàn, đánh thắng: Nghệ thuật phòng không Việt Nam

Đại tá Trần Danh Bảng |

Bài học cơ động để đánh thắng cho đến nay, lực lượng phòng không nhiều quốc gia phải thừa nhận, đó là một nỗ lực rất cao, rất nhiều sáng tạo của Bộ đội Tên lửa Việt Nam.

Ra đời vừa mới 7 năm, trải qua hàng trăm trận đánh, bộ đội tên lửa (BĐTL) Việt Nam đã chủ động giáng trả đích đáng cuộc tập kích đường không ồ ạt của “pháo đài” bay B-52 vào Hà Nội tháng 12-1972.

Về chiến dịch “12 ngày đêm”, báo chí suốt hơn 40 năm đã nói rất chi tiêt những kinh nghiệm qúy giá, sự hy sinh quả cảm của tác chiến chiến chống tập kích đường không.

Trong đó bài học cơ động để đánh thắng cho đến nay, lực lượng phòng không nhiều quốc gia phải thừa nhận, đó là một nỗ lực rất cao, rất nhiều sáng tạo của BĐTL Việt Nam.


Tên lửa SAM-2 (S-75 Dvina) của Bộ đội tên lửa Việt Nam.

Tên lửa SAM-2 (S-75 Dvina) của Bộ đội tên lửa Việt Nam.

Cơ động nghi binh “gài bẫy”

Mỹ và NATO gọi là SAM-2, nhưng người Nga đặt tên từ lúc khai sinh cho dòng tên lửa này là S-75 Dvina. Trái đạn mang tên một dòng sông nước Nga đã sáng danh nền công nghiệp quân sự Liên Xô, tại đất nước có sông Hồng Hà, Cửu Long.

Ngày 24/07/1965, tên lửa S-75 Dvina tham gia giành chiến thắng trận đầu đã diệt một máy bay F-4C hiện đại của không quân Mỹ ở độ cao 7000m.

Ngay sau trận đánh lịch sử này, chiến thuật cơ động đã được áp dụng, vừa để bảo toàn, vừa giăng bẫy đón đánh không quân Mỹ.

Nhờ tính năng cơ động tốt, các tiểu đoàn tên lửa của Việt Nam ngay trong đêm 24 đã bí mật cơ động rời trận địa.

Các chiến sĩ tên lửa thông minh đã nhanh chóng thu hồi bộ vũ khí rất cồng kềnh, với hàng chục xe đại xa, mỗi xe nặng hàng chục tấn, rút khỏi trận địa lặng lẽ như hôm họ lặng lẽ tới đây. Theo lý thuyết, khoảng hơn 2 giờ sau, xe cuối cùng rời khỏi công sự.

Ngày hôm sau 25 tháng 7, thêm 3 máy bay của Mỹ tiếp tục phải đền tội, khi họ định thực hiện đòn trả đũa tên lửa Việt Nam, ngay chính trên trận địa còn khét lẹt mùi thuốc phóng Dvina.

Rất khôi hài là những “trái đạn trên bệ” ngày hôm sau làm toàn bằng cót tre, đã nhử hàng đàn máy bay vào làm mồi cho đạn pháo tầm thấp. Trong đó có 1 trận địa của học viên Trường sĩ quan Phòng không, kịp kéo pháo trong đêm đến triển khai đánh trả.

Trong suốt 7 năm chiến đấu với không quân chiến thuật, chiến lược Mỹ, tên lửa Việt Nam đã thực hiện hàng trăm lần cơ động.

Gần thì cơ động chục cây số, xa thì ngót ngàn cây số, từ miền Bắc vào tận Cồn Tiên, Dốc Miếu, chiến trường Quảng Trị, để lại những bài học quý giá về cơ động đánh địch. “Khúc ruột miền Trung” không chỉ dài, mà cứ 20 cây số lại có một con sông.

Cơ động khí tài nặng nề trong chiến tranh, dưới bom đạn tuyến lửa qua sông, qua phà không hề dễ dàng. Mùa mưa ở Quảng Trị đã gây rất nhiều khó khăn cho các trung đoàn “vào tuyến lửa”, không chỉ cơ động khó, mà khí tài điện tử bị ẩm ướt, hỏng hóc nhiều.

Có bộ khí tài phải dồn linh kiện, phụ tùng của nhiều tiểu đoàn, để bảo đảm kỹ thuật phóng được đạn, đánh thắng.

Cơ động “tìm diệt” trong tuyến lửa

Sĩ quan điều khiển Võ Trí Trư, một người đã tham gia đánh AC-130 ở Quảng Trị, trong đội hình Trung đoàn 238, anh nhiều lần nói với chiến sĩ trẻ, khí tài tên lửa S-75 lúc đó ở chiến trường thuộc dòng “công tử”, hiện đại, rất “khó chiều”.


AC-130 đã bị bộ đội tên lửa Việt Nam bắn hạ. Ảnh minh họa.

AC-130 đã bị bộ đội tên lửa Việt Nam bắn hạ. Ảnh minh họa.

Mỗi khi hành quân, việc thu hồi rất tốn công sức, thời gian. Phải dùng xe cẩu từng mô-đun ăng-ten, hạ xuống êm nhẹ, rồi quay tời, kích bệ, tháo lắp hàng trăm đầu cáp nguồn, cáp tín hiệu.

Tới trận địa mới, lại cẩu, lại kích, lại định hướng ăng-ten… phải hiệu chỉnh hàng loạt các thông số cơ khí, định vị, mã-cốt… cấp nguồn, kiểm tra đồng bộ đài - bệ - đạn… Nhưng nhiều trận chỉ triển khai được 1 bệ phóng!

Khí tài khi hành quân dễ bị rung, xóc do cơ động, hay bị ẩm ướt do khí hậu nhiệt đới gây chập cháy, sai lệch tham số… Đưa được một bộ khí tài vào trận địa tuyến lửa phải mất hàng tháng trời, đã có nhiều hy sinh, tổn thất.

Có đơn vị thuộc Trung đoàn 236, trên cung đường 100km phải hành quân nhích từng cây số, mất hai tháng trời.

Tiểu đoàn này bị địch chặn đánh 21 lần, trong đó một lần bị B-52 rải thảm làm hỏng xe khí tài, hệ thống dẫn sóng, thiệt hại 4 xe chở đạn tên lửa, cả xe chở dầu, nhiều xe kéo. Không ít chiến sĩ thương vong.

Nhờ tổ chức cơ động tốt, dẫu bệ đạn, xe khí tài rất nặng nề, dọc đường qua phà, qua ngầm, có lúc tên lửa phải rọi đèn “rùa” đưa từng xe đạn vào trận địa lúp xúp cây dại vùng giới tuyến quân sự…

Nhưng sau khi vượt qua bom đạn cày đạn xới, theo vệt xích bệ phóng, chiến sĩ tên lửa đã triển khai khí tài hiện đại, tìm diệt, bắn rơi B-52 ở chiến trường, rút ra bài học quý bắn máy bay B-52 trong nhiễu.


Uy danh của pháo đài bay B-52 đã bị bộ đội tên lửa Việt Nam hạ nhục.

Uy danh của pháo đài bay B-52 đã bị bộ đội tên lửa Việt Nam hạ nhục.

Ngày 29/03/1972, Tiểu đoàn 67, Trung đoàn 275, đã cơ động sang phía Tây Trường Sơn, tại “trận địa máy húc 1”, do phải hành quân xa, nên chỉ cơ động được một bệ một đạn. Radar P12 phát hiện AC-130 từ hướng đường 9 bay lên.

Dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn phó Nguyễn Lành, chính trị viên Nguyễn Lập, sỹ quan điều khiển pháo Hồ Viết Bá, các trắc thủ Nguyễn Đăng Dương, Ngô Văn Chàng, Ngô Văn Bắc đã thực hiện đánh nhanh có chuẩn bị.

Tiểu đoàn phát sóng bắt được mục tiêu và phóng tên lửa bằng phương pháp điều khiển ba điểm (lúc này tốc độ máy bay đang nhỏ hơn 100m/s). Chiếc AC-130 trúng đạn, bốc cháy rơi xuống bản NoBa cách trận địa 6 ki-lô-mét.

Từ đây loại máy bay chuyên bắn chặn xe cơ giới AC-130 đã bị các bệ phóng tên lửa cuộn xích, cơ động tìm trận địa lợi thế phục kích đánh trả. Liên tiếp trong hai tháng, BĐTL bắn rơi 3 chiếc AC-130, khiến địch không dám bén mảng dò tìm, đánh phá giao thông.

Xe của đoàn 559 lại vượt cung, băng tuyến, chạy suốt ngày đêm chở hàng vào tiền tuyến.

Cơ động đánh trả B-52

Lực lượng không quân nhà nghề Mỹ biết rõ tính năng lợi hại của tên lửa S-75 Dvina.

Trong chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, tập kích vào Hà Nội, tháng 12-1972, chưa nói đến hệ thống máy bay gây nhiễu, chỉ nói đến đội hộ tống của không quân chiến lược B-52, lực lượng này rất chú tâm xăm xoi trận địa Dvina để đánh phá từ ngày đầu.

Qua hai đêm đầu oanh tạc, không quân Mỹ nhận thấy đối thủ đe dọa lớn nhất đối với B-52 là tên lửa.

Bộ chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương ra lệnh cho không quân chiến thuật tập trung các loại máy bay cường kích F4, F105, F111 săn lùng gắt gao các trận địa tên lửa để chế áp, “dọn sạch đường bay” cho B-52 đột nhập không phận Hà Nội.

Dịch sử dụng phổ biến tên lửa diệt radar cao tốc Sơ-rai (Shrike), chuyên bắn phá khí tài vô tuyến điện tử. Năm 1967, Tập đoàn không quân số 7 của Mỹ đã “tiêu tốn” 1.322 quả Shrikes ở Bắc Việt Nam.

Đầu năm 1968, tên lửa tìm diệt radar loại mới AGM-78 được đưa tới. Nó bay nhanh hơn và xa hơn Shrike, đắt gấp 10 lần, hai trăm nghìn USD/quả. Đây là những vũ khí diệt Dvina khá nguy hiểm.

“Gần 150 bệ phóng Dvina, quây tụ thành những nhóm tối đa 6 bệ tại khoảng 30 trận địa, nhưng tên lửa Bắc Việt đã di chuyển bệ phóng một cách thường xuyên, khi máy bay Mỹ tấn công một trận địa tên lửa có thể chỉ gặp phải súng phòng không hạng nặng”

(Tài liệu của Không quân Mỹ)

Đại tá, Tiến sĩ Alexcander Malgin Giáo sư Viện Hàn lâm quân sự, giảng viên Viện khoa học phòng thủ hàng không vũ trụ Nga; Đại tá, Tiến sĩ Mikhain Malgin Chuyên viên Viện nghiên cứu khoa học quân sự BQP Nga đã tổng hợp như sau:

“Đợt tấn công thứ 1 chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, không quân chiến thuật Mỹ đã tập kích 12 đòn tấn công vào trận địa tên lửa gây tổn thất cho 7 phân đội (trung bình hai bệ phóng chịu một tên lửa Shrike). Các tiểu đoàn đã phải di chuyển 6 lần để đánh trả.

Đợt 2 tần suất cơ động của các đơn vị tên lửa tăng cao, 12 lần cơ động sang vị trí mới (tương đương khoảng 4 lần cơ động trong một tháng).

Đợt 3 Mỹ đã tấn công vào các trận địa tên lửa 55 lần, 20 phân đội bị tổn thất, trong đó có 8 khẩu đội bị trúng tên lửa Shrike. Trong đợt này, các đơn vị tên lửa đã 20 lần cơ động trận địa, khiến hiệu quả đánh trúng hạ xuống rất thấp”.

Nếu tính cả năm 1972 đầy thử thách, năm mà Ních-Xơn chủ trương đánh phá ồ ạt, sử dụng cả bom la-de, tên lửa cao tốc cải tiến loại mới Standard AGM-78 có đầu dẫn dải rộng, nhớ tọa độ mục tiêu, tấn công các trận địa tên lửa 200 lần.

Nhưng các đơn vị tên lửa Việt Nam đã rất nỗ lực, cơ động rút khỏi trận địa 98 lần. Nhờ cơ động tốt, bảo toàn khí tài và con người, hậu quả đánh phá của không quân Mỹ giảm xuống rất thấp.

Nếu chỉ tính trong khoảng thời gian 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1972, không quân Mỹ tấn công vào các trận địa tên lửa 166 lần. Tính chung tên lửa di chuyển trận địa, trung bình 4 đến 5 lần trong một tháng.

Đó là tần suất cơ động rất cao với khí tài nặng nề, cồng kềnh, mà vẫn bảo đảm tham số để chiến đấu. Công lao này thuộc về đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm, và các trắc thủ, pháo thủ của Việt Nam cùng các chuyên gia Liên-Xô.

Một hành động quả cảm, không thể quên, đó là giữa năm 1972, tại trận địa Kép Hạ, Lục Ngạn, Hà Bắc, Thượng úy Kharitonop, một chuyên gia kỹ thuật người Nga, đang sửa khí tài cho Tiểu đoàn 72, thì bị máy bay Mỹ bắn vào trận địa, Kharitonop bị thương.

Chính trị viên phó tiểu đoàn Nguyễn Long Hiếu đã cùng đơn vị động viên bộ đội đến bệnh viện tiếp máu cho Kharitonop.

Nhưng vết thương quá nặng, Thượng úy Kharitonop đã anh dũng hy sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 72 đoàn tên lửa Nam Triệu.

Trong 12 ngày đêm xáp mặt với B-52, Sư đoàn 361 đã chỉ đạo các đơn vị tên lửa vùng Hà Nội thường xuyên cơ động, đánh trả địch tại các trận địa, đến nỗi không còn khái niệm trận địa cơ bản, trận địa dự bị. Bởi tại trận địa dự bị, tên lửa cũng lập công xuất sắc.

Vũ khí Liên Xô, điều binh tác chiến kiểu Việt Nam, trong khoảng 7 năm, tên lửa Dvina tại Việt Nam đã cơ động hàng trăm lần, tham gia đánh 3.452 trận, phóng 5.885 quả đạn, bắn rơi 788 máy bay các loại của không quân Mỹ, trong đó có 366 chiếc rơi tại chỗ.

Tháng 12 năm 1972, có 29 chiếc máy bay B-52 bị tên lửa ta bắn rơi. Xác suất trúng rất cao, một đạn tên lửa trung bình hạ 0,34 máy bay.

Rõ ràng, bên cạnh các giải pháp đánh trả, cơ động trận địa đã góp phần quan trọng để tên lửa Việt Nam bảo toàn lực lượng để làm nên kỳ tích.


Bộ đội tên lửa S-300 thực hành cơ động.

Bộ đội tên lửa S-300 thực hành cơ động.

Cơ động tên lửa thời hiện đại

Từ những kinh nghiệm cơ động đánh địch thắng lợi, lý luận quân sự Việt Nam đã khẳng định cơ động lực lượng là một nội dung quan trọng trong hoạt động tác chiến chiến dịch.

Thật ý nghĩa, khi từ trận đầu tiên, bộ đội tên lửa Việt Nam ra quân, đã thực hiện tốt hành động tác chiến đầy hiệu quả này. Cơ động để đánh địch tập kích đường không, những giá trị phổ biến của nghệ thuật quân sự đã trở thành lý luận chung cho nhiều quốc gia.

Vấn đề còn lại là ý chí quyết thắng và sự sáng tạo không ngừng của người sử dụng vũ khí đó. Điều này, những chiến binh tên lửa Việt Nam đã tự tin cơ động, nghênh chiến đánh thắng ngay từ những tháng năm vừa mới ra đời.

Ngày nay, nước Nga và nhiều quốc gia vẫn sản xuất ra nhiều dòng khí tài phòng không tính năng cao. Các loại khí tài tầm trung, tầm xa, Nga cũng rất chú ý đến tính năng cơ động.

Bằng chứng là Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung, cao, PAC của Mỹ, tên lửa tầm trung SAMP/T của Pháp, tên lửa Akash của Ấn Độ, tên lửa HQ-9 của Trung Quốc… đều có tính năng cơ động cao.

Còn tên lửa S-300, S-400 và cả dòng tên lửa S-500 của Nga vẫn được đặt trên các xe cơ động tốt. Bao gồm các xe bệ phóng, xe chỉ huy tác chiến, xe trinh sát radar.

Điều đặc biệt là, với công nghệ thủy lực, kết hợp điện khí tiên tiến, các khí tài phòng không Nga giờ đây rút ngắn rất đáng kể thời gian triển khai, thu hồi 1 bộ khí tài.

Ngay dòng tên lửa S-125, đã có tuổi đời vài chục năm, giờ đây đã rút ngắn năng lực triển khai, trước đây cần 3 con số (trên trăm phút) nay chỉ còn 2 con số ( trên chục phút).


Phút thư giãn của bộ đội tên lửa Trung đoàn 276. Ảnh: QĐND.

Phút thư giãn của bộ đội tên lửa Trung đoàn 276. Ảnh: QĐND.

Các khí tài phòng không tầm ngắn, Nga và các nước rất coi trọng tính cơ động, vì loại khí tài này thường tác chiến trong đội hình liên quân chủng, đi kèm trợ chiến cùng bộ binh.

Nhiều loại cấu trúc khối chiến đấu, khối radar, khối bệ phóng được bố trí dạng mo-đun, công-te-nơ, để có thể vận chuyển dễ dàng bằng nhiều loại phương tiện vận tải.

Các hệ thống khí tài của Mỹ thường lấy độ rộng, tải trọng của máy bay vận tải C-130 làm tiêu thức để mo-đun hóa tiện trong vận chuyển, tác chiến viễn chinh.

Cơ động chiến đấu đã trở thành khái niệm phổ biến, không chỉ cho bộ binh, mà cho các lực lượng phòng không, bảo vệ vùng trời trong chiến tranh hiện đại.

Không phải ngẫu nhiên mà Tạp chí Phòng thủ không gian Nga (VKO) đã có hẳn một bài viết, phân tích về thủ pháp cơ động trận địa của bộ độ tên lửa Việt Nam.

Họ kết luận, trong chiến tranh chống trả không lực Mỹ, bộ đội tên lửa Việt Nam đã tuân thủ “Cơ động như một phương thức tồn tại” để đánh thắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại