Cách Mỹ biến Ấn Độ thành cường quốc tàu sân bay châu Á

Nhật Minh |

Theo nhà phân tích Harry J. Kazianis, dường như Mỹ đang có kế hoạch biến Ấn Độ thành một cường quốc tàu sân bay.

Mỹ sẵn sàng chia sẻ tinh hoa công nghệ cho Ấn Độ

Trong bài viết trên tạp chí National Interest đăng ngày 4/2, nhà phân tích Harry J. Kazianis cho biết, mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đã ấm lên đáng kể. Đây là quốc gia đang chia sẻ thách thức chung với Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy.

Mặc dù chưa hẳn là đồng minh của Mỹ nhưng mối quan hệ giữa 2 nước đã phát triển tới mức độ mà các quan chức quốc phòng Mỹ có vẻ sẵn sàng chia sẻ những công nghệ quân sự tinh túy nhất của mình cho New Delhi.

Thậm chí, có vẻ Washington sẵn sàng chia sẻ cả công nghệ tàu sân bay – biểu tượng cho khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ.

Bản tin của hãng thông tấn Reuters cho biết, Washington và New Delhi đang thảo luận khả năng hợp tác phát triển một mẫu tàu sân bay cho Ấn Độ.

Trong chuyến thăm gần đây tới Ấn Độ, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh phụ trách các hoạt động hải quân Mỹ đã nói:

“Chúng tôi đang tiến triển rất tốt. Cho tới hiện tại, tôi rất hài lòng với những tiến triển đạt được và tin rằng chúng tôi có thể làm được nhiều hơn nữa trong tương lai”.


Kết cấu máy phóng điện từ trên tàu sân bay Mỹ

Kết cấu máy phóng điện từ trên tàu sân bay Mỹ

Theo Reuters, ông Richardson đã tiết lộ rằng một trong những viên ngọc quý của công nghệ tàu sân bay Mỹ - công nghệ máy phóng điện từ mà nhiều nước thèm muốn – đã được đưa vào thảo luận.

"Quay cuồng" vì công nghệ Nga

Trước đó, Ấn Độ phải phụ thuộc vào công nghệ tàu sân bay Nga, mặc dù không như kỳ vọng.

Đầu những năm 2000, Ấn Độ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Theo kế hoạch, INS Viraat, chiếc tàu sân bay duy nhất của Hải quân Ấn Độ, sẽ nghỉ hưu vào năm 2007. New Delhi không có nhiều lựa chọn.

Những quốc gia duy nhất chế tạo tàu sân bay vào thời điểm đó, gồm Mỹ, Pháp và Ý - lại đóng những chiếc tàu vượt quá khả năng tài chính của Ấn Độ.

Năm 2004, Ấn Độ và Nga ký kết một thỏa thuận, trong đó New Delhi sẽ tiếp nhận tàu Admiral Gorshkov. Con tàu này được “cho không”, tuy nhiên, Ấn Độ sẽ phải trả 974 triệu USD cho Nga để nâng cấp tàu.

Đây là một dự án tham vọng. Với lượng giãn nước 44.500 tấn, Admiral Gorshkov là con tàu khổng lồ.

Tàu Admiral Gorshkov đã có khoảng 10 năm hoạt động trước khi bị loại biên và bỏ xó suốt 8 năm. Nó trở nên xơ xác vì sự khắc nghiệt của mùa đông nước Nga và do không được quan tâm bảo dưỡng.

Năm 2007, một năm trước thời hạn chuyển giao, nhà máy đóng tàu Sevmash của Nga cho biết họ không thể hoàn thiện con tàu trước thời hạn dự kiến.

Tệ hơn cả là nhà máy này còn đòi hơn gấp đôi số tiền chi phí ban đầu – tức 2,9 tỷ USD – để hoàn tất công việc.

Chỉ riêng chi phí cho các cuộc thử nghiệm trên biển, ban đầu là 27 triệu USD, sau đó tăng lên tới mức “khó tin” là 550 triệu USD.

Một năm sau, khi dự án vẫn còn khá hỗn độn, Sevmash ước tính chiếc tàu sân bay mới chỉ hoàn thiện 49%.

Một giám đốc điều hành của Sevmash thậm chí còn gợi ý rằng, Ấn Độ nên trả thêm 2 tỷ USD nữa, lấy cớ “giá thị trường” của một chiếc tàu sân bay đóng mới rơi vào khoảng 3-4 tỷ USD.


Tàu sân bay INS Vikramaditya.

Tàu sân bay INS Vikramaditya.

Vấn đề chưa dừng lại tại đó. Nồi hơi trên tàu Vikramaditya (Ấn Độ đã tiến hành lễ đặt tên mới cho tàu Admiral Gorshkov) trở thành mối lo ngại lâu dài. Tất cả 8 nồi hơi đều mới nhưng người ta đã phát hiện ra chúng có vấn đề.

Trong chuyến hành trình từ Nga về Ấn Độ, nồi hơi trên tàu sân bay Vikramaditya đã bị hỏng. Phía Sevmash cho rằng gạch chịu lửa Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới sự cố nhưng Bắc Kinh đã phủ nhận điều đó.

Theo giới chuyên gia, mối quan hệ đối tác mới với Mỹ sẽ mang lại cho Ấn Độ lợi ích đáng kể, tránh gặp phải những vấn đề như với tàu sân bay Nga.

Reuters cho biết thêm rằng, một nhóm làm việc chung dự kiến sẽ được thiếp lập và có mặt tại New Delhi trong vài tuần tới để góp phần tạo dựng quan hệ hợp tác mạnh mẽ trong việc thiết kế, phát triển và chế tạo tàu sân bay Ấn Độ.

Một câu hỏi khác được đặt ra là: Liệu Mỹ có sẵn lòng bán cho đối tác Nam Á này phiên bản tiêm kích hạm của F-35?

Xét tới những đồn đoán vài năm trước liên quan đến khả năng New Delhi mua F-35 thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đặt ra câu hỏi này.

Ngoài ra, một vấn đề cần quan tâm khác là nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục bành trướng ra khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, liệu mối quan hệ đối tác này sẽ tiến xa đến đâu?

***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Harry J. Kazianis.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top