Kế hoạch tham vọng
Theo tờ The Daily Beast (Mỹ), Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội bằng cách chế tạo một chiếc “tàu sân bay” đa nhiệm có khả năng “xuyên lục địa”.
Con tàu dài 225m mang tên Anadolu (hay Anatolia) sẽ gia nhập Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2021.
(Trên thực tế, đây là tàu đổ bộ nhưng với những khả năng mà nó mang lại, Anadolu được ví von như một chiếc tàu sân bay).
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tàu được thiết kế để mang theo máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, xe tăng, binh sĩ và tàu/xuồng đổ bộ tới các khu vực xung quanh Địa Trung Hải hoặc xa xôi hơn như Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần chiếc “tàu sân bay” như vậy nhưng một số khác lại coi đây là dự án phù phiếm và đắt đỏ, vượt quá khả năng của đất nước.
Động thái này là dấu hiệu cho thấy thái độ quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO đang muốn trở thành thế lực dẫn đầu ở Trung Đông và xa hơn nữa.
Hình ảnh minh họa thiết kế của "tàu sân bay" Anadolu. Ảnh: Hurriyet Daily News
Trong khu vực đang bất ổn bởi cuộc chiến tại Syria, cuộc tranh cãi gay gắt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và cường quốc hải quân Nga xung quanh vụ chiếc Su-24 bị bắn hạ, cũng như sự hiện diện hải quân ngày càng gia tăng của Iran ở phía đông nam càng khiến cho căng thẳng dâng cao.
Behlul Ozkan, chuyên gia về chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Marmara (Istanbul) cho biết, chương trình đóng “tàu sân bay” Anadolu nằm trong kế hoạch của Thủ tướng Ahmet Davutoglu để nâng cao vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trên thế giới.
“Ông ấy thực sự nghĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một cường quốc đại dương” – Ông Ozkan chia sẻ với tờ The Daily Beast và nhận định thêm rằng kỳ vọng của ông Davutoglu có thể “vượt quá khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Chẳng hạn như, chính phủ nước này đặt mục tiêu đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành 1 trong 10 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2023, song nhiều người cho rằng đó là suy nghĩ quá lạc quan.
Kế hoạch phát triển hải quân của Ankara có thể trở thành vấn đề lớn đối với các quốc gia láng giềng mà nước này không mấy hữu hảo như Syria, Iraq, Iran và Ai Cập.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn đang vướng vào cuộc xung đột tại Síp và tranh chấp lãnh hải tại vùng biển Aegean với người hàng xóm và cũng là đồng minh NATO – Hy Lạp.
Trong khi đó, Ankara hiện đã có quân đội rất hiện đại, với hơn 600.000 binh sĩ, trở thành lực lượng lớn thứ 2 trong khối NATO, chỉ sau Mỹ.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lớn thứ 2 trong khối NATO.
"Con dao Thụy Sĩ"
Phát biểu trên tờ Nhật báo Milliyet trong tuần này, ông Orkun Kalkavan, Giám đốc nhà máy Sedef Wharf ở Istanbul, nơi tàu Anadolu được chế tạo cho biết:
Với vai trò là kỳ hạm của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, “tàu sân bay” Anadolu, với lượng giãn nước 28.000 tấn, có thể chở theo 1.400 thủy thủ và lính chiến đấu, sẽ tượng trưng cho sức mạnh mà ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt tới.
Hợp đồng đóng tàu Anadolu đã được ký kết vào năm ngoái, cùng với đối tác kỹ thuật là công ty Navantia của Tây Ban Nha.
Ông Kalkavan cho biết tàu Anadolu dự kiến có mức chi phí trên 1 tỷ USD và sẽ được trang bị để thực hiện “các nhiệm vụ xuyên lục địa”.
Theo các nhà phân tích, con tàu này sẽ đóng vai trò như một tàu đổ bộ (LPD), vận chuyển binh sĩ tới khu vực tác chiến, đưa họ vào bờ bằng các tàu/xuồng đổ bộ mà nó mang theo, hoặc sẽ đóng vai trò như tàu đổ bộ chở trực thăng (LHD).
Anadolu sẽ được trang bị các máy bay chiến đấu F-35 cùng trực thăng, một bệnh viện trên tàu với ít nhất 30 giường nằm và nhà chứa cho tàu/xuồng đổ bộ, các loại xuồng cỡ nhỏ khác, cũng như 13 chiếc xe tăng chiến đấu.
Tàu Anadolu sẽ được trang bị tiêm kích thế hệ năm F-35.
Devrim Yaylali, một chuyên gia về hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này đã lên kế hoạch cho chiếc tàu mới từ năm 2006.
Trong email trả lời câu hỏi phỏng vấn của The Daily Beast, ông Yaylali cho biết:
“Các tàu đổ bộ cỡ lớn là những tàu chiến đa nhiệm đúng nghĩa duy nhất mà bất cứ lực lượng hải quân nào cũng có thể sở hữu, được xem như “những con dao Thụy Sĩ” của hải quân”.
Theo ông Yaylali, có thể dùng các tàu chiến như Anadolu để triển khai lực lượng. Con tàu có thể làm “tàu mẹ” để triển khai các tàu nhỏ và trực thăng.
Với trang bị mới này, sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, Anadolu còn có thể thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp khủng hoảng hoặc sau thảm họa, có thể dùng để di tản binh sĩ hoặc dân thường.
Ông Yaylali cho rằng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ “thực sự cần những khả năng này”.
Đề cập lại sự việc năm 2011, ông Yaylali cho biết khi đó, để sơ tán hơn 23.000 người dân ở Libya, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải huy động rất nhiều máy bay thương mại.
Với một con tàu như Anadolu, nhiệm vụ này sẽ trở nên dễ dàng hơn và được thực hiện nhanh chóng hơn.
Khả năng ứng dụng cả trong quân sự và dân sự của chiếc tàu như thế này sẽ mang lại cho Ankara nhiều lợi ích trong tương lai.
Metin Gurcan, chuyên gia phân tích an ninh độc lập nhận định:
“Những khả năng mà LPD mang lại sẽ biến nó trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại, làm nổi bật “sức mạnh mềm” của Thổ Nhĩ Kỳ, bên cạnh sức mạnh quân sự”.
Theo chuyên gia Ozkan, Anadolu còn có thể tham gia vào các đợt triển khai tới các điểm nóng xung quanh Trung Đông, nơi các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu và Mỹ ngại can thiệp vào do lo ngại thái độ bài phương Tây của các quốc gia Hồi giáo.
“Con tàu có thể được trưng dụng vào các hoạt động của NATO tại đó, bởi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là một đất nước Hồi giáo, sẽ dễ được chấp nhận hơn” – ông Ozkan nói.
Xét tới tình hình bất ổn quanh khu vực, ông Ozkan hy vọng Mỹ sẽ ủng hộ dự án này của Thổ Nhĩ Kỳ: “Thế giới Hồi giáo đang hỗn loạn, bạn không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra”.