Kỳ lạ Philippines: Đổi tên lửa bờ lấy mũ bảo hiểm và áo giáp!

Hoàng Minh |

Hợp đồng mua bán tổ hợp tên lửa bờ SBMS của nước này đã bị hủy bỏ để nhường chỗ cho lô trang thiết bị cá nhân của bộ binh gồm mũ bảo hiểm, áo giáp và một số trang bị khác.

Các chương trình hiện đại hóa tiềm lực quốc phòng của Philippines đều rất tham vọng, nhưng thường được thực hiện nửa vời hoặc trở thành trò cười cho láng giềng.

Nổi bật trong đó là hàng loạt dự án thất bại như mua hai tàu tuần tra bị lột sạch vũ khí hay máy bay chiến đấu không có đạn. Một vết đen khác của quân đội Philippines đã trở thành đề tài để bàn tán và "ném gạch đá" cho các chuyên gia quân sự.

Đó là việc dẹp bỏ hợp đồng mua tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ để mua sắm mũ bảo hiểm và áo chống đạn cho bộ binh.

Theo các thông tin từ Phillipines, hồi đầu năm 2015, nước này và Israel đã đi đến thỏa thuận mua bán tổ hợp tên lửa bờ (Shore-Based Missile System).

Mặc dù không nêu tên cụ thể, nhưng tổ hợp SBMS bao gồm UAV Orbiter do Aeronautics sản xuất, radar được chế tạo bởi IAI Elta, trung tâm chỉ huy, một bệ phóng, cùng với đó là hệ thống liên lạc, chỉ huy và điều khiển tên lửa trong quá trình bay do Elbit Systems cung cấp.


Cấu hình của tổ hợp do Israel cung cấp rất linh hoạt, có thể dùng nhiều loại đạn khác nhau.

Cấu hình của tổ hợp do Israel cung cấp rất linh hoạt, có thể dùng nhiều loại đạn khác nhau.

Rất có thể hệ thống phòng thủ bờ biển mà Philippines đặt mua của Israel chính là tổ hợp pháo phản lực Lynx có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau. Tuy nhiên, thông tin này cần được kiểm chứng thêm.

Trị giá của hợp đồng này lên tới 6,5 tỷ Peso, tương đương 136 triệu USD, nằm trong Chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Philippines (RAFPMP).

Nó sẽ giúp quân đội Philippines sở hữu năng lực chống hạm vượt trội hoàn toàn so với trước đó và bảo vệ các vùng lãnh hải tốt hơn nhiều.

Tuy nhiên, tới giữa năm 2015, quân đội nước này đã quyết định hủy bỏ hợp đồng với Israel và dành khoản tiền này để mua trang bị cho lính bộ binh.

Trong đó bao gồm gần 40.000 bộ áo giáp với tổng trị giá 27,3 triệu USD, hơn 81 nghìn mũ bảo hiểm trị giá 25 triệu USD, 11.000 kính nhìn đêm với mức giá 56 triệu USD và hàng loạt trang bị khác.

Quyết định này được đưa ra giữa lúc căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines được đẩy lên cao, càng khiến chuyên gia và các trang mạng quân sự nước này "phát sốt".

Nguyên nhân được đưa ra là Quân đội Philippines đang đối mặt với nguy cơ lớn hơn từ các nhóm phiến quân và khủng bố như Abu Sayyaf, cụ thể là chất nổ tự chế (IED).

Do đó, bộ binh Philippines cần được cung cấp các trang bị bảo vệ như áo chống đạn và mũ bảo hiểm. Tranh chấp chủ quyền lãnh hải bị gạt sang một bên và xếp hàng ưu tiên thấp, dù đây là đề tài đang rất nóng bỏng với Philippines vào thời điểm đó.

Đáp lại sự giận dữ từ các trang mạng quân sự, đại diện quân đội Philippines cho rằng hợp đồng mua hệ thống SBMS đặt chính phủ nước này vào thế rất bất lợi, do công nghệ đã cũ và khả năng phòng thủ rất giới hạn.

Điều đó càng đổ thêm dầu vào lửa, nhất là khi Philippines hoàn toàn chưa hề có một hệ thống vũ khí phòng thủ bờ biển nào thực sự hiệu quả, và tên lửa chống hạm thì càng không.

Nhiều người đã tỏ ra hài hước khi hy vọng những chiếc mũ và áo chống đạn sẽ bảo vệ người lính trước tên lửa dẫn đường và bom thông minh từ máy bay tiêm kích đa năng hiện đại và tàu chiến của đối phương.

Sau phi vụ này, tổ hợp SBMS đã bị xếp sang chương trình hiện đại hóa giai đoạn 2018-2023. Hiện tại, nước này được cho là đã nhận thành phần UAV trong tổ hợp SBMS.

Tức là cho tới lúc đó, Philippines vẫn không có một tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ thực sự nào trong biên chế, và càng không có khả năng đối phó hiệu quả với những xung đột trên biển nếu chúng thực sự nổ ra.

Nó lại tiếp tục truyền thống mua sắm vũ khí vô tội vạ mà không hiệu quả của đất nước này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại