Việt Nam xuất khẩu vũ khí: Cờ đã đến tay - Phất!

Bình Nguyên |

Năm 2015 đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Từ chỗ tự chủ, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa Quân đội, nay đã đến lúc tính tới xuất khẩu vũ khí.

Từ niềm tin vào vũ khí Made in Việt Nam...

Quân đội Nhân dân Việt Nam có truyền thống đánh giặc giữ nước, với những chiến công oanh liệt, tinh thần quyết đánh, quyết thắng, khiến nhiều quốc gia hết sức khâm phục và học hỏi ít nhiều kinh nghiệm.

Trước đây, do những điều kiện chủ quan và khách quan, nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam còn nhỏ bé, chưa sản xuất được nhiều loại vũ khí nên phần lớn trang bị phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc được các nước bạn viện trợ.

Tuy nhiên, hầu hết các loại vũ khí đều được bộ đội ta sử dụng vượt tính năng thiết kế, sáng tạo cải tiến, vận dụng phù hợp với cách đánh của Việt Nam.

Nay với sự ưu tiên lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội, ngành công nghiệp quốc phòng đã được đầu tư nhiều công nghệ hiện đại, chế tạo ra nhiều loại vũ khí mới, đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa Quân đội.

Giờ đây, những người lính không còn tâm lý e ngại mà hoàn toàn tin tưởng, yên tâm khi sử dụng vũ khí do CNQP Việt Nam sản xuất.

chính ủy tổng cục cnqp
trung tướng khuất việt dũng
Niềm tin của bộ đội vào vũ khí do CNQP nước ta sản xuất, chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm ngày càng cao. Vũ khí do CNQP nước ta nghiên cứu chế tạo về tính năng kỹ thuật tương đương, có mặt cao hơn so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài sản xuất, sử dụng phù hợp với điều kiện tác chiến và khai thác của Quân đội ta.

Định hướng tự chủ vũ khí trang bị, vừa giữ bí mật, vừa tránh bị lệ thuộc vào nước ngoài là hoàn toàn đúng đắn.

Không những thế, cần phải nghĩ lớn hơn, xa hơn. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và trực tiếp là thủ trưởng Tổng cục CNQP và các cơ quan đơn vị đã xác định một hướng đi chiến lược.


Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng BQP tham dự một triển lãm vũ khí quốc tế.

Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng BQP tham dự một triển lãm vũ khí quốc tế.

... đến vươn ra biển lớn - Xuất khẩu vũ khí

CNQP Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong vòng 10 năm trở lại đây với nhiều dự án nghiên cứu thiết kế chế tạo hoặc nhập công nghệ, nhận chuyển giao thiết bị hiện đại, đồng bộ phục vụ sản xuất quốc phòng.

Trong đó, tập trung vào các sản phẩm mũi nhọn với trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại có tính lưỡng dụng, kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất quốc phòng với kinh tế.

Chắc chắn CNQP không thể chỉ trông chờ vào các đơn đặt hàng từ Quân đội với nguồn ngân sách còn nhiều eo hẹp, mà phải đẩy mạnh đẩy mạnh hoạt động thương mại quân sự, tăng cường xuất khẩu sản phẩm CNQP, trong đó có vũ khí và bán thành phẩm vũ khí.

Từ một nước nhập khẩu là chính, chuyển sang xuất khẩu vũ khí chắc chắn CNQP Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh của nhiều cường quốc có nền khoa học công nghệ hiện đại và truyền thống xuất khẩu vũ khí từ lâu. Họ vốn là những "lái súng" chuyên nghiệp.

Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin vào lợi thế về chất lượng và giá thành của những vũ khí được chế tạo bởi những con người Việt Nam thông minh, sáng tạo. Các sản phẩm được cải tiến liên tục nhờ những kinh nghiệm từ thực tế sử dụng và thực tế chiến đấu.

Tất nhiên, vũ khí tốt, giá hợp lý nhưng không thể "hữu xạ tự nhiên hương" để khách hàng tự tìm đến nếu ta không chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua xúc tiến thương mại và tại các hội chợ triển lãm quốc phòng lớn.

Hàng năm, Quân đội ta có các đoàn cán bộ đi dự các cuộc triển lãm vũ khí hàng đầu và đã thu lượm được nhiều kinh nghiệm hữu ích về công tác tổ chức, quảng bá sản phẩm, tiếp xúc khách hàng,... CNQP Việt Nam có thể áp dụng những điều đó trong tương lai.


Đoàn BQP Việt Nam tham dự Triển lãm Defense & Security 2015.

Đoàn BQP Việt Nam tham dự Triển lãm Defense & Security 2015.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO là điều kiện tiên quyết, đảm bảo sản xuất "nghìn sản phẩm như một", chất lượng đồng đều, ít lỗi, hỏng. Đồng thời cần liên tục cải tiến, hợp lý hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí,

Vướng mắc là có một số thiết bị, linh kiện ta chưa làm được mà phải nhập khẩu nên cần có ý kiến của các nhà cung cấp này. Tuy nhiên, với tiến trình toàn cầu hóa, Việt Nam hoàn toàn có thể đàm phán với các đối tác để cho phép ta xuất khẩu vũ khí sang nước thứ ba.

Tóm lại, chỉ có xuất khẩu vũ khí mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền CNQP nước nhà.

Bởi lẽ, vừa duy trì được dây chuyền sản xuất, vừa giữ được đội ngũ thợ lành nghề, bù đắp kinh phí nghiên cứu triển khai, tái tạo nguồn vốn đề tiếp tục duy trì đà phát triển, chế tạo, cải tiến nhiều loại vũ khí hiện đại, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại