Nga đang trong quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang trên quy mô lớn. Điều này được thúc đẩy bởi tham vọng khôi phục sức mạnh quân sự của Nga và được hỗ trợ bởi những nguồn thu khổng lồ nhờ giá dầu tăng cao trong giai đoạn 2004-2014.
Chương trình hiện đại hóa được tiến hành đối với tất cả các binh chủng của quân đội Nga, trong đó có lực lượng hạt nhân chiến lược, hạt nhân phi chiến lược và lực lượng tác chiến thông thường.
Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Steven Pifer cho rằng Mỹ cần hết sức cẩn trọng trước bước tiến này của quân đội Nga.
Có thể Nga đã có một thời gian dài suy yếu nhưng nước này vẫn duy trì được những khả năng đủ để gây ra rắc rối lớn cho Mỹ.
Hơn nữa, trong những năm gần đây, Kremlin đã cho thấy họ đang cải thiện khả năng sẵn sàng triển khai lực lượng.
Tuy nhiên, không phải mọi mặt trong chương trình hiện đại hóa quân đội của Nga đều đáng lo ngại như nhau.
Lực lượng hạt nhân chiến lược
Nga đang hiện đại hóa bộ 3 hạt nhân chiến lược. Nước này đang chế tạo 8 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Borei (SSBN).
Bên cạnh đó, họ đã đi được một nửa chặng đường trong chương trình 10 năm để chế tạo 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Moscow còn nâng cấp các máy bay ném bom Tu-160 Blackjack và được cho là đang cân nhắc khả năng tái khôi phục dây chuyền sản xuất mẫu máy bay này.
Song, đặt trong bối cảnh hiện nay thì chương trình hiện đại hóa chiến lược của Nga có vẻ ít đáng lo ngại hơn. Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết năm 1991, nền kinh tế Nga đã “rơi tự do” trong hầu hết các thập kỷ tiếp theo.
Ngân sách quốc phòng chỉ được đầu tư rất ít so với thời Xô Viết và phần lớn các chương trình, trong đó có lực lượng hạt nhân chiến lược, đã trải qua thời kỳ đói khát. Tình hình chỉ mới bắt đầu thay đổi từ giữa những năm 2000.
Chương trình hiện đại hóa chiến lược đang thay thế nhiều hệ thống cũ. Đây là những hệ thống mà đáng ra quân đội Nga đã cho nghỉ hưu trước đó nếu có đủ kinh phí.
Chẳng hạn, một lượng lớn đầu đạn chiến lược của Nga trang bị cho các ICBM SS-18, SS-19, SS-25 dự kiến sẽ bị loại biên vào năm 2020.
Nếu có đủ nguồn lực, quân đội Nga đã loại biên và thay thế các ICBM SS-18, cũng như SS-19 nhiều năm trước đây.
400 ICBM và SLBM là một chương trình chế tạo lớn, tuy nhiên, số lượng này có vẻ chỉ thích hợp nếu Nga dự định chỉ triển khai 400-450 tên lửa chiến lược, theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược mới (New START) năm 2010.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei.
Các tàu ngầm lớp Borei sẽ thay thế tàu ngầm lớp Delta được chế tạo từ trước năm 1991, tức là trước khi Liên Xô sụp đổ.
Những lo ngại về nguồn lực và độ tin cậy đã khiến phần lớn tàu ngầm thuộc lớp tàu cũ này phải thực hiện nhiệm vụ tuần tra răn đe tại… bến cảng, thay vì trên biển.
Điều đó có thể thay đổi khi có nhiều tàu ngầm Borei được đưa vào hoạt động hơn.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ thường duy trì một nửa trong số 14 tàu ngầm SSBN lớp Ohio trên biển.
Thông tin Moscow cân nhắc khả năng tái khởi động dây chuyền sản xuất máy bay ném bom Blackjack khá thú vị. Hiện tại, nước này chỉ vận hành 6 chiếc máy bay loại này (bên cạnh 60 chiếc máy bay ném bom Tu-95 Bear).
Nga đang có kế hoạch khôi phục dây chuyền sản xuất máy bay ném bom Tu-160.
Song, quyết định khôi phục sản xuất máy bay ném bom Blackjack lại khiến chương trình máy bay ném bom thế hệ mới PAK-DA của Nga gặp nhiều vấn đề và trì hoãn. Trước đó, PAK-DA dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối thập kỷ này.
Lực lượng hạt nhân phi chiến lược
Các hệ thống vũ khí hạt nhân phi chiến lược của Moscow đáng lo ngại hơn cả. Phương Tây từng cáo buộc Moscow vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 (INF) khi thử nghiệm một loại tên lửa hành trình tầm trung phóng từ mặt đất.
Mặc dù loại tên lửa như vậy sẽ không tạo ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với Mỹ nhưng theo phương Tây, điều này đã vi phạm Hiệp ước và đe dọa các đồng minh của Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác tại châu Âu và châu Á.
Những thông tin mà thế giới bên ngoài biết được về lực lượng hạt nhân phi chiến lược của Nga còn ít ỏi hơn cả lực lượng hạt nhân chiến lược.
Tuy nhiên, có vẻ như quân đội nước này đã phát triển một loạt khả năng hạt nhân phi chiến lược, trong đó có tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay.
Ngược lại, Mỹ đang nhanh chóng cắt giảm số lượng và chủng loại vũ khí trong kho hạt nhân phi chiến lược, giờ đây họ chỉ còn bom hạt nhân B61.
Bom hạt nhân B61.
Điều đặc biệt đáng lo ngại là Nga có vẻ đang tập trung vào những loại vũ khí hạt nhân hạng nhẹ, đi kèm với đó là học thuyết “giảm căng thẳng”.
Theo học thuyết này, các vũ khí hạt nhân hạng nhẹ sẽ được sử dụng như một công cụ để chấm dứt các cuộc xung đột thông thường, theo hướng có lợi cho Kremlin.
Theo chiến lược an ninh quốc gia được công bố của Nga, vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng trong trường hợp Nga hoặc đồng minh bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay khi Nga bị tấn công bằng lực lượng thông thường nhưng rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trong khi đó, học thuyết “giảm căng thẳng” và chương trình hiện đại hóa quy mô lớn các lực lượng hạt nhân phi chiến lược của Nga đã cho thấy, họ còn một chiến lược bí mật, trong đó có thể sẽ bao hàm khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong nhiều tình huống hơn.
Tuy nhiên, điều này sẽ hạ thấp “ngưỡng cửa hạt nhân”, cho phép các nước khác dễ dàng bước qua nó. Một khi vũ khí hạt nhân (bất cứ loại nào) được sử dụng, nguy cơ leo thang có thể gia tăng đáng kể.
Lực lượng thông thường
Nga cũng đang hiện đại hóa các lực lượng tác chiến đa nhiệm, đặt mục tiêu hiện đại hóa 70% trang thiết bị của quân đội nước này vào năm 2020.
Kế hoạch này được thực hiện cùng với những thay đổi trong chiến thuật hoạt động, một vài trong số đố được hình thành sau màn thể hiện đáng thất vọng của quân đội Nga trong cuộc xung đột với Gruzia năm 2008.
Chiến lược triển khai lực lượng đặc biệt (người Ukraine gọi là “những người lính xanh” vì không đeo phù hiệu quân đội Nga) tại Crimea đã chứng tỏ được hiệu quả.
Thế nhưng, lực lượng thông thường của Nga phải đối mặt với nhiều hạn chế.
Đầu tiên, không rõ Moscow đã tiến triển được tới mức nào trong mục tiêu thu hẹp khoảng cách công nghệ với các quốc gia phương Tây.
Một số hệ thống đích thực đã được hiện đại hóa, như các tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến mà Hải quân Nga triển khai vào năm ngoái để tấn công mục tiêu tại Syria.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ đã cho thấy năng lực đó từ thời chiến tranh Iraq năm 1991.
Bom thông minh KAB-250 Nga dùng không kích IS.
Mặc dù Không quân Nga đã triển khai vũ khí thông minh để tấn công IS nhưng phần lớn loại bom mà nước này sử dụng vẫn là “bom ngu” (bom không điều khiển).
Gần đây, Moscow phải đối mặt với một vấn đề mới: Các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moscow sau khi cáo buộc nước này can thiệp vào tình hình Ukraine đã đóng lại nhiều cánh cửa xuất khẩu đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Vì vậy, thu hẹp khoảng cách công nghệ với phương Tây có vẻ vẫn là thách thức lớn với Moscow.
Một vấn đề liên quan khác là sự phụ thuộc của các nhà máy đóng tàu Nga vào các hãng sản xuất động cơ của Ukraine. Kiev hiện đã ngừng cung cấp động cơ cho phía Moscow.
Hạn chế thứ 2 là về nhân lực, với số lượng lính nghĩa vụ vẫn chiếm phần lớn.
Quân đội Nga đã tuyển gần 300.000 lính nghĩa vụ trong năm 2015 (mặc dù các quan chức Nga tuyên bố quân đội Nga có tới 1 triệu quân nhưng ước tính cho thấy họ chỉ có gần 800.000 quân).
Lính nghĩa vụ chỉ có thời hạn phục vụ 1 năm, thời gian này không đủ để họ đạt tới mức độ chuyên nghiệp như binh sĩ trong quân đội các nước phương Tây.
Hạn chế ngân sách
Ngân sách ít ỏi đã ngăn cản quân đội Nga tiến hành nhiều chương trình hiện đại hóa trong giai đoạn 1991-2005. Đến nay, điều đó lại trở thành một nhân tố quan trọng.
Đối mặt với tình trạng giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây, nền kinh tế Nga đã suy giảm gần 4% trong năm 2015. Phần lớn các chuyên gia dự đoán mức này sẽ còn giảm nữa trong năm 2016.
Nếu giá dầu tiếp tục giảm, ngân sách quốc phòng Nga có thể không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Nhiều Bộ của Nga đã phải cắt giảm 10% mức chi tiêu ngân sách, dù không rõ Bộ Quốc phòng có nằm trong số này hay không.
Gần đây, ông Alexey Kudrin, người từng là Bộ trưởng Tài chính trong 2 nhiệm kỳ đầu tiên của ông Putin trên cương vị Tổng thống, đã phát biểu rằng nguy cơ cắt giảm chi tiêu quân sự “khó có thể tránh khỏi”, mặc dù có thể trì hoãn trong một thời gian ngắn.
Điều này có thể cản trở nỗ lực hiện đại hóa của quân đội Nga.
Đối phó với thách thức
Những hạn chế kể trên không có nghĩa Mỹ và NATO không cần lưu tâm tới những gì mà quân đội Nga đang tiến hành.
Họ cần phải cẩn trọng nhưng nên quan sát chương trình hiện đại hóa của Nga bằng con mắt tinh tường và xác định đúng mình cần phải làm gì để đối phó.
Có 2 lý do để không nên lo lắng quá mức về chương trình hiện đại hóa chiến lược của Nga.
Đầu tiên, Mỹ và Nga vẫn tiếp tục chịu hạn chế của Hiệp ước START mới, trong đó quy định mỗi nước sẽ chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn.
Hiệp ước cũng giới hạn mỗi nước chỉ được triển khai không quá 700 phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân như tên lửa đạn đạo hay máy bay ném bom chiến lược.
Thứ 2, Mỹ đang xúc tiến hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân.
Chương trình hiện đại hóa mà Lầu Năm Góc đề xuất dự kiến sẽ đạt được bước tiến dài trong những năm 2020, dù một số kế hoạch có thể bị cắt giảm, như chương trình tấn công tầm xa hoặc bị cắt bỏ do hạn chế về ngân sách.
Mỹ và NATO nên lưu ý tới chiến lược kết hợp chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân phi chiến lược và học thuyết “giảm leo thang” của Nga.
Tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35
Tuy nhiên, NATO không cần thiết phải chạy đua với Nga về quy mô hay số lượng vũ khí hạt nhân phi chiến lược. Chương trình tiêm kích F-35 và hiện đại hóa B61 là đủ đối với họ.
Song, NATO cần cân nhắc kĩ lưỡng cách thức áp dụng chiến lược mới này, để phù hợp với học thuyết "giảm căng thẳng" của Nga.
NATO nên đầu tư nhiều nguồn lực hơn và lực lượng phòng thủ thông thường. Họ có lợi thế số lượng và chất lượng nhưng cần nguồn lực để duy trì lợi thế này.
Ngoài ra, NATO cần có lực lượng để đối phó khủng hoảng ở Baltic, nơi mà quân đội Nga đang chiếm ưu thế khu vực.
Họ cũng cần đảm bảo rằng các máy bay NATO có thể hoạt động suôn sẻ trong môi trường phòng không gay gắt hơn, khi Nga đang triển khai nhiều hệ thống tên lửa đất-đối-không tiên tiến.
NATO không chỉ cần củng cố lực lượng mà còn cần điều chỉnh học thuyết để đối phó với khả năng mới của Nga.
Nếu duy trì được lực lượng phòng thủ và răn đe thông thường đủ mạnh, NATO sẽ giảm được nguy cơ xảy ra đụng độ và tránh rơi vào tình huống khiến Nga tính đến khả năng triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Steven Pifer.