Hệ thống dẫn hướng tên lửa Scud: Để nâng cao hiệu quả cho huấn luyện, cán bộ Lữ đoàn 490 đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công thiết bị mô phỏng huấn luyện dẫn hướng để đào tạo kíp chiến đấu tên lửa đạn đạo Scud. Trong ảnh: Thiết bị mô phỏng dẫn hướng tên lửa Scud.
Được biết, dẫn hướng tên lửa là nội dung huấn luyện quan trọng quyết định đến kết quả phóng tên lửa cũng như kết quả hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị. Việc dẫn hướng tên lửa do trung đội điều khiển tiến hành trên bệ phóng.
Theo giới thiệu của Đại tá Vũ Đăng Quyết, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 490, Binh chủng Pháo binh, thiết bị được cấu tạo với hình dáng giống như thật, có thành phần chính gồm: Bàn phóng, bảng điều khiển bàn phóng, động cơ điện, đế tì và đồng hồ dẫn hướng gồm các thiết bị như: Kinh vĩ chuyên dụng, máy đo góc, bọt nước, đế từ, cọc chuẩn quang điện, giá ba chân, thanh thép hiệu chỉnh.
Khi vận hành thiết bị mô phỏng, người tập thể hiện được các thao tác và hoạt động tương tự như sử dụng khí tài thật trong huấn luyện. Qua đó, giúp cho phân đội có điều kiện luyện tập thường xuyên mà không phải triển khai bệ phóng, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng xe máy, khí tài, tiết kiệm nhiên liệu và tăng tuổi thọ của vũ khí trang bị.
Sau khi được huấn luyện thành thạo trên thiết bị mô phỏng, chỉ thời gian gắn là bộ đội có thể thao tác tốt trên vũ khí trang bị. Thiết bị mô phỏng huấn luyện dẫn hướng tên lửa có những ưu điểm phù hợp với sự phát triển của xu hướng sử dụng thiết bị huấn luyện mô phỏng hiện nay và đang được sử dụng hiệu quả tại Lữ đoàn 490.
Trước khi sản xuất và đưa vào ứng dụng thiết bị mô phỏng dẫn hướng của tên lửa Scud, Việt Nam cũng đã sản xuất thành công sơn tàng hình và nhiên liệu rắn trang bị cho tên lửa.
Thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp kí hiệu 9X195, sản phẩm của Viện Thuốc phóng-Thuốc nổ (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) dùng cho động cơ hành trình tên lửa phòng không, có thành phần và các tính năng tương đương với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Nhiên liệu tên lửa hỗn hợp được sử dụng phổ biến trong nhiều loại tên lửa từ tầm ngắn đến các loại tên lửa cấp chiến dịch, chiến lược. Thành phần của nhiên liệu tên lửa hỗn hợp gồm chất cháy-kết dính, chất ô-xi hóa và các phụ gia năng lượng cao như bột nhôm, các chất nổ mạnh, phụ gia tốc độ cháy, phụ gia công nghệ...
Công nghệ sản xuất thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp rất phức tạp và luôn được các quốc gia giữ bí mật. Vì vậy, việc nghiên cứu chế tạo thành công thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp 9X195 có ý nghĩa quan trọng, khẳng định năng lực từng bước làm chủ công nghệ hiện đại của đội ngũ các nhà khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam.
Sản phẩm của đề tài có thể sử dụng để hỗ trợ công tác nghiên cứu, đào tạo, chế tạo thử nghiệm nhiên liệu tên lửa hỗn hợp và ứng dụng để sản xuất thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp quy mô phòng thí nghiệm, nhằm phục vụ cho trang bị, thay thế một số thỏi nhiên liệu của động cơ hành trình tên lửa đang có trong trang bị, đồng thời mở ra khả năng tự sản xuất các tổ hợp tên lửa phòng không.
Ngoài ra, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự còn chế tạo thành công sơn hấp thụ sóng radar kí hiệu PD/RAP-MEH dùng để sơn phủ lên bề mặt các mục tiêu quân sự (một số loại tên lửa) nhằm bảo vệ mục tiêu trước sự phát hiện, định vị của radar đối phương.
Hiện nay, quân đội nhiều nước rất chú trọng nghiên cứu sản xuất các loại sơn hấp thụ sóng radar mới thông qua thay đổi hệ chất kết dính; các chất độn dẫn điện, từ cũng như các tham số cấu trúc của màng... Sơn hấp thụ sóng radar là một trong những biện pháp quan trọng để ngụy trang cho vũ khí trang bị kỹ thuật.
Nguyên liệu để sản xuất sơn hấp thụ sóng ra-đa PD/RAP-MEH có thể chủ động trong nước. Qua thực tế cho thấy, sơn có thể ứng dụng tốt trong một số lĩnh vực với giá thành rẻ hơn so với sản phẩm nhập ngoại, nên việc sản xuất thành công có ý nghĩa rất quan trọng. Ảnh trong bài: Tên lửa đạn đạo Scud của Việt Nam.