[VIDEO] Hoành tráng lễ duyệt binh đầu tiên mừng chiến thắng 30/4

Hải Dương - Nguyễn Huệ |

Vào ngày 15/5/1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức Lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại thành phố Sài Gòn vừa giải phóng.

Đó là buổi Lễ duyệt binh đầu tiên mừng Đại thắng Mùa xuân 1975. Nhớ lại sự kiện đặc biệt ấy, cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ xe tăng 390, chiếc xe tăng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập và sau đó được chọn xếp hàng đầu trong lễ duyệt binh ngày 15/5/1975, chia sẻ:

pháo thủ xe tăng 390
Ngô sỹ nguyên
40 năm trước, khi cùng đồng đội góp mặt trên xe tăng 390 hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống nội các Dương Văn Minh, tôi còn rất trẻ. Lịch sử đã ưu ái chúng tôi khi xe tăng 390 trở thành chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh, ghi dấu son chói lọi trong giờ phút lịch sử của dân tộc.
Đến ngày 15/5/1975, tôi cùng xe tăng 390 cũng như Lữ đoàn 203 được chọn tham gia lễ duyệt binh mừng chiến thắng. Càng tự hào khi xe 390 được chọn là xe tăng đi đầu trong buổi duyệt binh ấy. Để chiếc xe tăng 390 xuất hiện hùng dũng trong đại lễ, chúng tôi thức trắng nhiều đêm lo cho công tác chuẩn bị từ lau xe cho tới sơn vành…
Công việc này mất khá nhiều thời gian. Bởi lẽ sau khi chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ, xe cũng bị “xộc xệch” đi nhiều. Từ Huế vào hơn 1.000, xe cây số chúng tôi vừa đi vừa đánh. Rồi từ Đà Nẵng xe lại hành quân qua Phan Rang, Phan Thiết, tới tận miền đất cực nam của đất nước.
Chính vì thế xe phải được tân trang rất lâu, bơm mỡ, thay dầu để mới lên, đẹp lên giúp tôn vinh hình ảnh của người lính trên xe trong ngày duyệt binh.
Chúng tôi có 3 người vinh dự được ngồi trên xe tăng 390 hôm ấy là đồng chí Bùi Quang Thận - trưởng xe, đồng chí Nguyễn Văn Tập - lái xe và tôi, pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên. Anh em chúng tôi cũng phải chuẩn bị trang phục chỉnh tề từ quần áo, quân hàm cho tới mũ. Riêng tôi được giao nhiệm vụ nghiêng khẩu pháo 12 ly 7 của xe chếch đúng 45 độ sao cho thật hoành tráng.
Lúc ấy, anh pháo thủ trẻ tuổi như tôi thấy rất tự hào, náo nức. Thành phố trong ngày đại lễ rực cờ hoa. Nhân dân đủ mọi tầng lớp nô nức xuống đường chào đón chúng tôi. Họ ở lại rất lâu, cho tới khi các đoàn đã duyệt binh xong.
... 40 năm sau, tôi và đồng đội lại được "ưu ái" chọn tham dự buổi diễu binh mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi thực sự rất bất ngờ. Thật khó có lời nào để diễn tả hết cảm xúc của tôi lúc này.

 Video: Duyệt binh ngày 15/5/1975 mừng chiến thắng:

 

Trong lễ duyệt binh hoành tráng ngày 15/5/1975, đã xuất hiện nhiều vũ khí hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam lúc đó.

Chỉ riêng trong đoạn video ngắn ở trên, có thể thấy đã xuất hiện những vũ khí, phương tiện cơ giới sau:

Xe thiết giáp chở quân K-63 (Type-63 APC)

Xe thiết giáp chở quân Type-63

Type-63 (mã định danh công nghiệp YW-531) là loại xe thiết giáp chở quân (APC) do Trung Quốc sản xuất, chính thức đi vào biên chế năm 1964. Đây là chiếc xe bọc thép đầu tiên do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo mà không cần sự trợ giúp về kỹ thuật của Liên Xô.

Type-63 có trọng lượng 12,6 tấn, kíp chiến đấu gồm 2 lái xe và 10 lính bộ binh, vũ khí trang bị gồm 1 súng máy hạng nặng 12,7 mm bố trí trên nóc.

Vào đầu những năm 1970, Việt Nam bắt đầu được Trung Quốc viện trợ xe thiết giáp Type-63, tại Việt Nam Type-63 được Việt hóa bằng cái tên K-63.

Sau khi có mặt trong biên chế, chiếc xe bọc thép này nhanh chóng trở thành loại taxi chiến trường quan trọng bậc nhất, đóng góp rất tích cực vào những thắng lợi của Quân đội Nhân dân Việt Nam trước Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-54

Xe tăng T-54 số hiệu 390 trưng bày trong khuôn viên Dinh Độc Lập
Xe tăng T-54 số hiệu 390 trưng bày trong khuôn viên Dinh Độc Lập

Xe tăng T-54/55 được sản xuất và đưa vào trang bị trong lực lượng quân đội Liên Xô từ năm 1950, nó là dòng xe tăng được sản xuất với số lượng nhiều nhất và tham gia vào nhiều cuộc xung đột vũ trang nhất.

Chiếc xe tăng này có trọng lượng 36 tấn, vũ khí trang bị gồm pháo D-10T2S cỡ 100 mm, 1 súng máy đồng trục PKT 7,62 mm và 1 súng máy phóng không DShK 12,7 mm. Điểm mạnh của T-54/55 là dựa vào khả năng cơ động cùng pháo có tốc độ bắn cao để công kích mục tiêu.

T-54/55 tham chiến tại chiến trường Việt Nam từ năm 1968, sự có mặt của loại xe tăng này đã đưa sức mạnh quân đội Việt Nam lên một tầm cao mới.

Là nắm đấm thép mạnh nhất của lục quân, xe tăng T-54/55 đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế và vô hiệu hóa sức mạnh của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam Cộng Hòa.

Xe kéo pháo bánh xích ATS-59

Xe kéo pháo bánh xích ATS-59

ATS-59 là loại xe kéo pháo hạng trung do Liên Xô sản xuất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Mặc dù công dụng chính là kéo pháo nhưng chiếc xe bánh xích có trọng lượng 13 tấn này nhờ khả năng việt dã rất cao còn có thể tận dụng để làm xe vận tải.

Việt Nam thường sử dụng ATS-59 để kéo các loại pháo hạng nặng như M46 130 mm, D74 122 mm và chở quân.

Xe tải ZIL-131

Xe tải ZIL-131

ZIL-131 là loại xe tải 3 cầu, 6 bánh chủ động (6 x 6) do Liên Xô sản xuất từ năm 1967. ZIL-131 có tính việt dã rất cao, có thể mang tải 5.000 kg cộng thêm rơ moóc 5.000 kg khi chạy trên đường nhựa hoặc mang tải 3.500 kg và kéo theo rơ moóc có trọng lượng 4.000 kg ở chế độ "off road".

ZIL-131 là một trong những loại xe vận tải chủ lực của Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh và cả hiện tại. Khung cơ sở của ZIL-131 còn được dùng làm xe mang bệ phóng pháo phản lực BM-21 Grad hay xe vận chuyển (TMZ) chở đạn tên lửa V-750 của hệ thống tên lửa phòng không SA-2.

Đạn tên lửa V-750 của hệ thống phòng không SA-2

Xe TMZ vận chuyển đạn tên lửa V-750 của hệ thống SA-2 sử dụng đầu kéo ZIL-131
Xe TMZ vận chuyển đạn tên lửa V-750 của hệ thống SA-2 sử dụng đầu kéo ZIL-131

S-75 Dvina (SA-2 Guideline) là tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM) tầm trung-cao do Liên Xô chế tạo. Kể từ khi được triển khai lần đầu tiên vào năm 1957, nó đã trở thành một trong những loại tên lửa phòng không được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử. Tại Việt Nam, tổ hợp này thường được gọi là SAM-2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại