Vì sao tàu đổ bộ của Trung Quốc khó tìm được khách mua?

Hòa Trần |

Ngoài những khiếm khuyết trong thiết kế, mẫu tàu đổ bộ của Trung Quốc còn khó tìm được khách mua do nhiều quốc gia trên TG đang dần mất niềm tin vào các sản phẩm "Made in China".

Trong bài viết đăng ngày 19/9, trang mạng tiếng Trung thjunshi.com cho biết, tại triển lãm quốc phòng Abu Dhabi năm nay, Trung Quốc đã giới thiệu nhiều mẫu tàu chiến mới phục vụ xuất khẩu. Trong đó phải kể đến mô hình tàu tấn công đổ bộ có sàn đáp trực thăng (LPD).

Mẫu tàu này có tốc độ hành trình cao nhưng lại có một số điểm yếu khá rõ nét, như thân tàu quá hẹp, khó thích hợp với vùng biển quốc tế.

Bên cạnh đó là những hạn chế về khả năng mang phương tiện chiến đấu, điểm hạ cánh trực thăng còn quá ít và hỏa lực phòng thủ còn yếu…

2 nhược điểm lớn

Tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc được đánh giá là có 2 nhược điểm lớn.

Thứ nhất, do quá coi trọng vào tốc độ hành trình trong khi thân tàu quá hẹp nên khả năng vận chuyển của tàu bị hạn chế nghiêm trọng. Điểm yếu này được cho là nguy hiểm nhất.

Tuy diện tích khoang chứa trên tàu vẫn có thể bố trí các loại vũ khí hạng nặng như xuồng đổ bộ, xe tăng chủ lực nhưng đối với tàu đổ bộ đệm khí thì khả năng vận chuyển thấp hơn rất nhiều.

Chưa hết, thân tàu hẹp khiến khoang chứa trên tàu chỉ có thể chứa nhiều nhất 3 xe tăng và nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ ra vào của phương tiện này.


Mẫu tàu đổ bộ của Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế.

Mẫu tàu đổ bộ của Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế.

Thứ hai, tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc chỉ có 1 máy nâng. Tuy công suất hoạt động của nó tương đối khả quan nhưng vẫn gây ra những hạn chế đáng kể đối với khả năng mang tải của tàu.

Mặc dù ở mức độ nhất định, tàu có thể dùng 2 cần cẩu để bổ sung cho máy nâng nhưng cần cẩu cũng chỉ di chuyển được những đồ vật, phương tiện đã đặt sẵn trên boong tàu.

Tàu đổ bộ thường có phần thân rất cao để tạo không gian chứa lớn bên trong. Tuy nhiên, mô hình máy nâng của tàu này cho thấy dường như không gian bên trong tàu rất hẹp.

Ngoài ra, con tàu cũng không bố trí cửa khoang ở sườn tàu, khiến khả năng vận chuyển của nó giảm đáng kể.

Các nước mất lòng tin với Trung Quốc

Theo trang mạng tiếng Trung toutiao.com, “túi tiền” lớn của các quốc gia dầu mỏ Ả Rập khiến Trung Quốc tăng cường tấn công vào thị trường này.

Từ những năm 1980, Bắc Kinh đã bắt đầu xúc tiến xuất khẩu tàu chiến hạng vừa.

Tuy nhiên, ngoài việc bán tàu hộ vệ F-22P cho Pakistan và một số tàu tên lửa cho Bangladesh, Trung Quốc chỉ nhận được các đơn đặt hàng cung cấp thân tàu và thiết kế. Còn lại, toàn bộ vũ khí mà hệ thống kiểm soát trên tàu đều do châu Âu chế tạo.

Điều đó cho thấy những quốc gia khách hàng này không hoàn toàn tin tưởng vào vũ khí mà Trung Quốc sản xuất.


Theo toutiao, Trung Quốc khó tìm được khách hàng quốc tế cho mẫu tàu mới.

Theo toutiao, Trung Quốc khó tìm được khách hàng quốc tế cho mẫu tàu mới.

Song, xét từ một góc độ khác, tuy mô hình tàu đổ bộ của Trung Quốc lần này có tính năng thấp nhưng với lợi thế giá cả thấp, nó cũng có thể thu hút sự chú ý của một số khách hàng Trung Đông.

Nếu mẫu tàu này được các “đại gia” Trung Đông lựa chọn thì sau khi thay thế thiết bị điện tử và vũ khí của phương Tây, tính năng của nó cũng có thể được cải thiện một chút.

Hiện nay, Algeria đã ký mua tàu hộ vệ loại 2.800 tấn của Trung Quốc. Song, Bắc Kinh không giành được hợp đồng cung cấp tàu tấn công đổ bộ cho Algeria do không thể cạnh tranh với tàu lớp San Giorgio của Italia.

Trong khi đó, các quốc gia khác hầu như không mấy hứng thú với thiết kế của Trung Quốc.

Nhiều nước Đông Nam Á cũng không còn mặn mà với Bắc Kinh, chỉ có Indonesia mua tên lửa chống hạm do Trung Quốc sản xuất để đa dạng hóa hệ thống phòng thủ, song nước này cũng đang có xu hướng tìm tới các sản phẩm của Hàn Quốc.

Các nước châu Âu lại càng không hứng thú với mẫu tàu “made in China”.

Theo toutiao, sự xuất hiện của mô hình tàu mới trong giai đoạn này cho thấy Trung Quốc đã có khả năng thiết kế và đóng những tàu chiến loại này. Tuy nhiên, sản phẩm của Trung Quốc vẫn khó mà tìm được khách hàng trên thị trường quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại