Trang mạng Sina Military Network (trụ sở tại Bắc Kinh) cho biết, Không quân Pakistan (PAF) gần đây đã trang bị phiên bản Block II của JF-17 cho phi đoàn “Minhas” số 2.
Phiên bản này có cấu hình mới với nhiều cải tiến ở hệ thống điện tử hàng không, phần mềm và được lắp thêm ống tiếp nhiên liệu cố định.
Minhas là phi đoàn thứ 3 của PAF trang bị JF-17. Mẫu máy bay này sẽ thay thế cho F-7P - một loại chiến đấu cơ Trung Quốc có khả năng mang tên lửa chống tàu C-802A.
Tiêm kích hạng nhẹ JF-17 (còn được gọi là FC-1 Xiaolong) do Tổ hợp hàng không Pakistan và Tập đoàn Thành Đô (Trung Quốc) hợp tác phát triển.
Nó có hình dạng khí động học tương tự như tiêm kích F/A-18 của Hải quân Mỹ và sử dụng động cơ đốt sau RD-93 (Nga sản xuất) với hiệu suất nhiên liệu cao.
Máy bay chiến đấu JF-17
Khả năng bay của JF-17 được cho là vượt trội hơn nhiều so với các máy bay chiến đấu thế hệ trước. Mặc dù có tốc độ tối đa tương đối thấp (chỉ Mach 1.6) nhưng bù lại, JF-17 nổi trội ở một số tính năng như tăng tốc, leo cao, cơ động.
Bên cạnh đó, theo Sina, mặc dù RD-93 không được đánh giá là động cơ tiên tiến do nó vốn được phát triển cho các tiêm kích MiG-29 của Liên Xô nhưng đây là loại động cơ ổn định và đáng tin cậy.
Chuẩn tướng PAF Khalid Mahmood, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị JF-17, cho biết thêm rằng họ chưa từng gặp phải bất cứ vấn đề nào với động cơ RD-93 sau hơn 7.000 giờ sử dụng.
Theo một số nguồn tin, các kỹ sư Trung Quốc đang tiếp tục nghiên cứu phương án giảm nhẹ khối lượng máy bay và một số cải tiến mới để giảm hơn nữa độ bộc lộ radar vốn đã ở mức thấp của JF-17.
Các bức ảnh xuất hiện gần đây cho thấy JF-17 mang theo 2 tên lửa không đối đất tốc độ cao CM-400AKG. Theo ông Mahmood, thiết kế linh hoạt cho phép JF-17 có thể trang bị nhiều loại vũ khí hiện hành.
Theo Sina, tiêm kích JF-17 được đánh giá là vượt trội hơn chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.
Mặc dù JF-17 có thể mang tới 4 tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar SD-10 nhưng ông Mahmood cho biết, PAF muốn dành chỗ chứa cho các bình nhiên liệu phụ.
Vì vậy, cấu hình tiêu chuẩn của JF-17 hiện nay là mang theo 2 tên lửa SD-10 và 2-3 thùng nhiên liệu phụ cỡ 1.000 lít để bổ sung cho thùng nhiên liệu 800 lít dưới bụng máy bay.
Sina cho biết, giới chuyên gia đã tiến hành so sánh JF-17 và chiến đấu cơ F-16 của Mỹ, kết quả là mẫu máy bay do Trung Quốc-Pakistan phát triển tỏ ra vượt trội hơn nhiều.
Theo Sina, Mỹ đã tìm cách tiếp cận JF-17 để tìm hiểu xem tại sao lại như vậy nhưng bị Pakistan từ chối do trước đó, Islamabad đã thỏa thuận với Bắc Kinh rằng sẽ không bao giờ chia sẻ công nghệ JF-17 cho Mỹ và Ấn Độ.