JF-17 Trung Quốc có khách hàng đầu tiên hay chiêu PR trá hình?

Ly Vy |

Nguồn tin từ Pakistan khẳng định Sri Lanka đã trở thành khách hàng đầu tiên của JF-17 nhưng Không quân Sri Lanka đã phủ nhận thông tin này.

Tờ Want China Times (Đài Loan) dẫn thông tin từ trang 92NewsHD của Pakistan cho biết:

Sri Lanka sẽ trở thành quốc gia nước ngoài đầu tiên đặt mua máy bay chiến đấu JF-17 Thunder (hay FC-1 Xiaolong) do Tổ hợp Hàng không Pakistan và Tập đoàn chế tạo máy bay Thành Đô (Trung Quốc) phát triển. Đơn hàng sẽ gồm khoảng 18-24 máy bay.

Theo Want China Times, thông tin này đã xác nhận tuyên bố của chuẩn tướng Không quân Pakistan Khalid Mahmood tại triển lãm hàng không Paris vào tuần trước rằng hợp đồng JF-17 đầu tiên đã được ký kết với "một quốc gia châu Á".

Trước đó, tạp chí Diplomat (Nhật Bản) đã dự đoán khách hàng của JF-17 là Myanmar, bởi quốc gia Đông Nam Á này được cho là đang vận hành một lượng lớn các loại máy bay do Trung Quốc chế tạo.

Thậm chí, khi đề cập tới những khách hàng tiềm năng nhất của JF-17, Diplomat cũng không nhắc đến Sri Lanka.

Trong khi đó, Want China Times cho biết, từ đầu tháng này đã xuất hiện những đồn đoán rằng Sri Lanka có thể trở thành khách hàng đầu tiên của JF-17, sau khi mô hình tiêm kích này xuất hiện trong bức ảnh chụp văn phòng của một chỉ huy không quân Sri Lanka.

Máy bay chiến đấu JF-17 do liên doanh Pakitan - Trung Quốc phát triển.

Máy bay chiến đấu JF-17 do liên doanh Pakitan - Trung Quốc phát triển.

Cũng theo Want China Times, Không quân Pakistan thông báo rằng họ sẽ bắt đầu chuyển giao những chiếc JF-17 cho Sri Lanka từ năm 2017, đồng thời cho biết Pakistan và Trung Quốc sẽ tiếp tục các nỗ lực quảng bá mẫu máy bay này tới những quốc gia khác.

Song, có vẻ như thông tin này vẫn chưa hoàn toàn chính xác khi trang tin dailymirror.lk của Sri Lanka cho hay, Không quân Sri Lanka chưa hề đưa ra quyết định chính thức nào liên quan tới thương vụ này.

Theo các nguồn tin mở, hiện nay Không quân Sri Lanka có khoảng 160 máy bay, 27.400 binh sĩ và 1.300 sĩ quan.

Những loại máy bay nước này mua của Trung Quốc gồm 7 máy bay chiến đấu J-7 và 9 máy bay vận tải Y-12, ngoài ra còn có hợp đồng đặt mua máy bay vận tải MA60.

Rẻ tiền nhưng vẫn... ế

Theo tạp chí Diplomat (Nhật Bản), đơn giá tương đối thấp của JF-17 là điểm hút khách cơ bản của loại máy bay “linh hoạt, có khả năng (như quảng bá)" này.

Có vẻ là một món hời, thế nhưng JF-17 lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Trung Quốc và Pakistan từng nỗ lực chào bán JF-17 cho Ai Cập nhưng bất thành.

Trên thực tế, một phần nguyên nhân khiến các chương trình mua sắm quốc phòng trên thế giới né tránh loại máy bay này bởi nó không chỉ “vô danh” mà còn chưa chứng minh được khả năng hoạt động rộng rãi.

Trong một bài viết tháng 12/2014, Phó giáo sư Mỹ Robert Farley cho biết, Trung Quốc hy vọng thông qua JF-17 để mở rộng cơ hội xuất khẩu máy bay chiến đấu.

Những nước lựa chọn JF-17 sẽ có thể cân nhắc các mẫu máy bay hiện đại và đắt tiền hơn như J-31.

Tuy nhiên, theo Diplomat, nếu ngay cả những chính phủ đang gặp khó khăn về kinh tế như Ai Cập vẫn không thể nhìn ra sức hấp dẫn của JF-17 thì Trung Quốc và Pakistan sẽ gặp nhiều khó khăn hơn dự đoán để cạnh tranh với Nga trên thị trường máy bay chiến đấu.

Mặc dù các chiến đấu cơ Nga có chi phí hoạt động cao hơn, chi phí duy trì đắt đỏ hơn nhưng các quốc gia sẽ tiếp tục bị hấp dẫn bởi những loại máy bay đã được chứng minh hiệu quả và đáng tin cậy.

Nếu JF-17 không thể cạnh tranh được trên nền tảng giá cả, nó có thể sẽ thất bại hoàn toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại