CÚ LIỀU 4: KHÔNG THÁO ĐƯỢC CẢ THÌ THÁO… TỪNG NỬA
Nhận lệnh lên đường chiến đấu, cả đơn vị hối hả tiến hành công tác chuẩn bị. Các lái xe đánh xe ra khỏi hầm để kiểm tra kỹ thuật và cố định lương thực, khí tài.
Đột nhiên, lái xe 386 phát hiện hiện tượng rò nước làm mát ở bơm nước. Đây là một hư hỏng rất nguy hiểm.
Nếu không khắc phục kịp thời thì nước làm mát cho động cơ chả mấy mà rò hết và cái động cơ 550 mã lực kia sẽ cháy rụm và cả cái xe tăng lúc đó không khác nào đống sắt vụn mà thôi. Sau khi kiểm tra, đại đội phó kỹ thuật quyết định phải thay ngay.
Rất may trong kho khí tài vẫn còn một bơm nước dự phòng. Tuy nhiên khi lái xe tháo bơm xong thì không thể đưa ra ngoài được vì vướng vào chi tiết bên cạnh.
Điều này cũng dễ hiểu vì xe chiến đấu nên phải tiết kiệm một cách tối đa không gian, do đó các chi tiết bố trí trong buồng động lực và truyền động rất sít sao. Loay hoay mãi các tư thế vẫn không lấy bơm ra được, chàng ta bất lực đành báo cáo đại đội phó kỹ thuật. Lúc đó đã gần trưa.
Sau khi kiểm tra, đại đội phó kỹ thuật quyết định: “Cẩu động cơ ra để thay bơm!” và gọi xe 380 - là xe duy nhất trong đơn vị có lắp một bộ cẩu tự tạo đủ khả năng cẩu động cơ tới. Đồng thời anh cho gọi tất cả lái xe trong đại đội đến để tập trung nhân lực giải quyết cho nhanh.
Vốn đã đi phục vụ sửa chữa nhiều, lái xe 380 nhẩm tính: “nếu phải cẩu động cơ ra thì có nhanh cũng mất một ngày đêm, làm cật lực thì cũng phải gần trưa mai mới xong”.
Như vậy thời gian xuất kích của đại đội sẽ bị chậm lại gần một ngày và khả năng có mặt tại vị trí quy định chắc chắn sẽ bị chậm. Tuy nhiên cậu ta vẫn đưa xe đến và cho triển khai lắp cẩu.
Trong lúc các thành viên khác lắp cẩu, lái xe 380 đứng mân mê cái bơm nước dự phòng rồi buột ra: “Đề nghị đại phó cho tháo từng nửa một!”. Hỏi lại thì cậu ta giải thích: “Đơn giản thôi! Một nửa bao giờ chả mỏng hơn là cả”.
Đại phó kỹ thuật phản đối rất quyết liệt, anh cho rằng: “Dẫu có tháo ra được cũng không lắp vào được vì bản thân bơm nước phải tổ hợp ở bên ngoài theo một quy trình rất chặt chẽ, phải làm sạch rồi bôi sơn vào 2 mặt bích của bơm, sau khi sơn đã se mới được lắp ghép lại…”
Lái xe 380 vẫn bảo lưu ý kiến của mình và đề nghị được làm thử. Vì sự thúc ép của thời gian, cuối cùng đại đội phó kỹ thuật cũng đồng ý cho làm thử.
Quả thật, sau khi tháo 6 con ốc cố định nắp bơm vào thân bơm lái xe 380 đã lấy được nắp bơm và tiếp theo là thân bơm ra ngoài.
Để lắp bơm vào cậu ta cũng tách bơm mới ra thành 2 nửa. Trước khi lắp cậu ta bôi sơn làm kín vào 2 mặt bích của bơm. Đợi cho sơn se lại thì lắp thân bơm vào động cơ trước rồi lắp nắp bơm vào sau.
Sau khi siết chặt 6 con ốc, đợi một lát cho sơn khô hẳn đem bổ sung nước vào hệ làm mát và nổ máy kiểm tra. Kết quả thật mỹ mãn: không một giọt nước nào bị rò rỉ.
Tổng thời gian thực hiện chỉ mất khoảng 1 giờ và cả đại đội đã xuất phát sớm hơn quy định, có mặt kịp thời để chi viện cho bộ binh đánh địch tại Núi Bông, phá tan tuyến phòng ngự phía Tây Nam thành phố Huế.
Nếu cứ thực hiện đúng quy trình thì chắc chắn đơn vị sẽ có mặt chậm cả ngày trời, ảnh hưởng đến kế hoạch chung của chiến dịch, đặc biệt là sẽ tốn thêm rất nhiều xương máu của chiến sĩ.
T-62, một trong những loại xe tăng hiện đại của Bộ đội Tăng - Thiết giáp Việt Nam
CÚ LIỀU 5: KHÔNG CÓ DÂY CÁP THÌ DÙNG DÂY … THÉP NIÊM*
Đêm 27/4/1975, khi cơ động từ An Viễn lên Trường Thiết giáp Long Thành để sáng hôm sau tiến công căn cứ Nước Trong thì xe 380 bị đứt cáp khoá số.
Hư hỏng này làm cho lái xe không thể biến số được và tất nhiên sẽ hết sức khó khăn khi tham gia chiến đấu vì hộp số của xe chỉ giữ nguyên ở một vị trí số 3.
Bây giờ thì còn đi tạm được chứ chiến đấu thì không thể. Trong chiến đấu có biết bao nhiêu tình huống có thể xảy ra. Có lúc xe tiến song cũng có lúc phải lùi, có lúc chạy nhanh song cũng có lúc chạy chậm. Vậy làm sao đây?
Ngay khi đến vị trí quy định lái xe tháo sợi cáp cò súng 12 ly 7 ra đem vào định thay nhưng sợi cáp này lại to hơn không lắp được vào. Ngồi thừ trên ghế lái cứ một lúc cậu ta lại soi đèn vào vị trí đứt của sợi cáp - đó là chỗ đầu dây lắp vào mỏ vịt.
Và rồi cậu ta đột ngột đưa ra quyết định: “Lấy dây thép niêm thay cho dây cáp!”. Vừa nói với trưởng xe xong là cậu ta làm ngay: cậu ta chập đôi sợi dây thép rồi lại luồn qua chốt trong “mỏ vịt” cần số, sau đó xoắn bốn đầu dây thép niêm vào cái khấc ở đầu sợi cáp đứt.
Để tăng độ chắc chắn cậu ta tiếp tục lấy dây thép niêm cuốn thêm bên ngoài vài vòng và xoắn chặt lại.
Giây phút hồi hộp nhất đã đến: cả xe soi đèn nhìn như dán vào chỗ nối, lái xe từ từ bóp “mỏ vịt” cần số, những sợi dây thép niêm giãn ra rồi kéo theo cả sợi cáp khoá số. Cậu ta giật mạnh cần số - cần số đã về được vị trí số “không”. Vậy là đã thành công!
Nhờ quả “liều” này mà hôm sau xe 380 đã được tham gia đánh căn cứ Nước Trong, góp phần chọc thủng tuyến phòng thủ bên ngoài cửa ngõ Sài Gòn, mở đường cho quân ta tiến vào nội đô ngày 30/4/1975.
* Dây thép niêm: Là dây thép nhỏ cỡ 0,3 - 0,5 mm chuyên sử dụng vào việc “niêm” các đinh ốc và đai ốc để chống tự tháo.