5 tiêm kích nhanh nhất của Không quân Việt Nam

Bạch Dương |

Trong danh sách 5 "Ma tốc độ" của Không quân Việt Nam, tỷ trọng áp đảo thuộc về các loại máy bay do Liên Xô/Nga sản xuất.

1. Su-27 Flanker-B

Máy bay tiêm kích Su-27UBK

Đứng đầu danh sách là tiêm kích hạng nặng Su-27 Flanker-B, đây là loại máy bay chiến đấu được thiết kế cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, đánh chặn tầm xa.

Việt Nam đã mua của Nga 7 chiếc Su-27SK 1 chỗ ngồi vào năm 1995 và sang năm 1996 mua tiếp 5 chiếc Su-27UBK phiên bản 2 chỗ ngồi.

Su-27 có tốc độ tối đa 2.500 km/h (Mach 2,35); vận tốc leo cao 300 m/s; tầm bay 3.530 km; trần bay 19.000 m; tải trọng vũ khí 4.430 kg gồm tên lửa không đối không, bom và rocket không điều khiển.

2. MiG-21 Fishbed

Tiêm kích đánh chặn MiG-21 bis SAU

Đứng thứ hai trong danh sách là tiêm kích đánh chặn huyền thoại MiG-21 Fishbed - "Cánh én bạc" lừng lẫy chiến công của Không quân Việt Nam.

Việt Nam được Liên Xô viện trợ những chiếc MiG-21-F13 đời đầu từ năm 1965, cho tới MiG-21 bis SAU thế hệ cuối cùng vào giữa thập niên 1980, chúng đã giữ vai trò tiêm kích đánh chặn chủ lực của Việt Nam trong một thời gian rất dài.

MiG-21 có tốc độ tối đa 2.175 km/h; vận tốc leo cao 225 m/s; tầm bay 1.210 km; trần bay 17.800 m; vũ khí trang bị chủ yếu là tên lửa không đối không tầm ngắn K-13 và R-60.

3. Su-30MK2 Flanker-C

Máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2

Vị trí thứ ba thuộc về "người em" của Su-27 - tiêm kích đa năng Su-30MK2 Flanker-C, đây là loại máy bay chiến đấu mạnh nhất của Không quân Việt Nam vào thời điểm hiện tại.

Su-30MK2 có thể thực thi mọi nhiệm vụ từ tiêm kích chiếm ưu thế trên không cho tới cường kích tấn công mặt đất, mặt biển nhờ khả năng sử dụng các loại vũ khí có độ chính xác cao.

Su-30MK2 có tốc độ tối đa 2.120 km/h; vận tốc leo cao 230 m/s; tầm bay 3.000 km; trần bay 17.300 m; tải trọng vũ khí 8.000 kg gồm tên lửa đối không, đối đất, đối hải, các loại bom, rocket có và không có điều khiển.

4. Su-22 Fitter

Tiêm kích - bom Su-22UM3K

Máy bay chiến đấu cánh cụp cánh xòe Su-22 Fitter hiện là cường kích chủ lực của Không quân Việt Nam, có vai trò cực kỳ quan trọng trong tác chiến bảo vệ biển đảo, thậm chí nó còn tạm thời đảm nhiệm cả vai trò tiêm kích đánh chặn thay cho MiG-21 đã nghỉ hưu.

Việt Nam tiếp nhận những chiếc Su-22M từ năm 1979, không lâu sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Đến năm 1989, chúng ta được viện trợ Su-22M4 - biến thể hiện đại nhất của dòng tiêm kích - bom cánh cụp cánh xòe này.

Su-22 có tốc độ tối đa 1.860 km/h (Mach 1,7); vận tốc leo cao 230 m/s; tầm bay 2.300 km; trần bay 14.200 m; tải trọng vũ khí 4.000 kg gồm tên lửa đối không tầm ngắn, tên lửa đối đất, các loại bom và rocket.

5. F-5 Tiger

Tiêm kích - bom F-5A Tiger

Đứng vị trí thứ 5 là tiêm kích - bom hạng nhẹ F-5, chiến lợi phẩm sau ngày đất nước thống nhất. Không quân Nhân dân Việt Nam đã thu được từ Không lực Việt Nam Cộng Hòa một số lượng khá lớn F-5 gồm cả F-5A/B Tiger cũng như F-5E Tiger II.

Những chiếc F-5 có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, đã giáng cho quân Khmer Đỏ nhiều đòn chí tử, một số chiếc còn được điều lên tăng cường bảo vệ biên giới phía Bắc vào năm 1979.

F-5 có tốc độ tối đa 1.700 km/h (Mach 1,6); vận tốc leo cao 175 m/s; tầm bay 1.450 km; trần bay 15.800 m; tải trọng vũ khí 3.200 kg gồm bom và rocket không điều khiển, phiên bản F-5E còn mang được tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại