Những "cú liều"... được việc của lính xe tăng Việt Nam

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Quá trình khai thác, sử dụng các phương tiện kỹ thuật đều phải tuân theo những quy trình, quy tắc hết sức khắt khe, chặt chẽ... Song, không phải lúc nào cũng vậy!

CÚ LIỀU 1: GÕ MÃI KHÔNG RA THÌ CHO NÓ THỎI… BỘC PHÁ

Trong quá trình cơ động của xe tăng trên những địa hình phức tạp thì “trật xích” cũng là một tình huống thường xảy ra.

Đó là trường hợp chuyển hướng gấp trên các đoạn đường có lực cản lớn, nhất là ở đường suối: cát và đá nhỏ chui vào mặt trên băng xích chạm đất làm kênh hàng bánh chịu nặng lên, trong khi đó các tảng đá lớn lại cản trở băng xích không cho chuyển hướng theo xe.

Lúc đó các vú xích và bánh chịu nặng không còn giữ được vai trò định hướng giữa băng xích với bánh chịu nặng nữa, bánh chịu nặng trèo hẳn qua hàng vú xích làm băng xích phía dưới chệch hẳn ra ngoài.

Hậu quả làm cho toàn băng xích căng cứng không chuyển động được, cá biệt có trường hợp trật xích kéo dài đến cả bánh chủ động và đã có trường hợp vành răng bánh chủ động chọc thủng cả mắt xích - nhất là ở các loại xe TTG bơi nước.

 
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975.                                                     Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập,...

Thông thường khi gặp trường hợp này kíp xe sẽ phải điều chỉnh cho xích chùng xuống, sau đó cắt xích ra, cho xe lùi lại khoảng một thân xe rồi dùng cáp kéo xích nối lại xích.

Trường hợp địa hình không cho phép lùi thì phải cắt xích ở phía bánh chủ động rồi cho xe tiến lên, sau đó cắt rời từng đoạn xích ra đem nối vào phía trước và dùng cáp kéo xích tời lại để nối. Tuy nhiên, có trường hợp quy trình này không thể thực hiện được.

Tháng 3 năm 1972, Đại đội xe tăng 3 - Trung đoàn 203 của chúng tôi được trang bị 8 xe tăng bơi kiểu K63-85 có nhiệm vụ hành quân từ Quảng Bình sang Lào rồi vòng về A Lưới làm mũi vu hồi vào phía Tây thành phố Huế.

Ngay khi vượt dốc Cổng Trời, một xe trong đội hình đã bị trật xích, cả đoạn xích phía dưới nằm hẳn ra bên ngoài hàng bánh chịu nặng, đoạn xích phía trên căng như một sợi dây đàn, mắt xích phía sau đã bị răng bánh chủ động chọc vào.

Bánh dẫn xích thì tỳ vào vú của mắt xích phía trước. Mọi cố gắng cho xe tiến lùi một chút của lái xe đều không được, chiếc xe tăng nằm bất động.

Theo đúng những gì đã được học ở trường kíp xe mang dụng cụ xuống điều chỉnh xích cho chùng xuống để cắt ra và thực hiện quy trình như đã nêu trên.

Tuy nhiên mọi cố gắng điều chỉnh xích của kíp xe đều không đem lại kết quả; mặc dù đã nối thêm 2 xà beng vào cờ-lê điều xích để tăng lực và bốn người xúm vào vít xuống nhưng bộ phận điều chỉnh xích vẫn “trơ như đá, vững như đồng” không hề nhúc nhích.

Có lẽ do xích quá căng làm các bánh răng của cơ cấu điều chỉnh xích bị ép chặt vào nhau, sức người không vặn nổi. Ý định dùng sức mạnh cắt xích cũng không đem lại kết quả, hàng chục nhát búa tạ quai vào đầu chốt xích cũng không làm nó dịch chuyển một chút nào.

Do xích bị quá căng, ma sát giữa mắt xích và chốt xích quá lớn nên lực tác động của búa tạ không đủ tác động.

Lúc mọi biện pháp đã bất lực thì đại đội trưởng tuyên bố: “Cho nó thỏi... bộc phá xem sao!”. Nghe ý kiến của đại đội trưởng ai cũng bán tín bán nghi, người thì cho rằng không đứt được, người thì lo bộc phá nổ sẽ ảnh hưởng đến thân xe và các bộ phận khác…

Nhưng lệnh là lệnh, mọi người tản ra nhường chỗ cho một chiến sĩ công binh thao tác: một thỏi TNT (0,25 kg) được đặt vào mặt dưới mắt xích ở khoảng trống giữa bánh dẫn xích với bánh chịu nặng thứ nhất.

Sau một tiếng nổ lớn tất cả xúm lại xem, mắt xích chưa đứt hẳn nhưng đã xuất hiện những vết nứt. Đại đội trưởng quyết định sẽ đánh tiếp bằng một thỏi bộc phá nữa. Lần này thì các vết nứt đã rộng hẳn ra, quai thêm mấy nhát búa tạ nữa thì đứt hẳn.

Rất may là các chi tiết khác như bánh dẫn xích, bánh chịu nặng, trục cân bằng, trục vai cong... không hề hấn gì. Kíp xe thực hiện các bước tiếp theo rất nhanh và tiếp tục hành quân theo kế hoạch.

Khi được hỏi vì sao lại đi đến quyết định như vậy đại đội trưởng cười: “Bộc phá nó cũng là mìn. Gặp mìn xe bị đứt xích thì bộc phá cũng có thể làm cho đứt xích! Thôi thì cứ… “liều một quả” xem sao. Có mất gì đâu!”.

Quả là liều thật! Chẳng có giáo trình nào dạy thế nhưng nhờ quả liều này mà xe được khắc phục nhanh chứ không nằm đó đến sáng thì cực kỳ nguy hiểm.

Xe tăng T-54 số hiệu 843, một trong hai xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập đầu tiên, đánh dấu thời khắc giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Đất Nước.

Xe tăng T-54 số hiệu 843, một trong hai xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập đầu tiên, đánh dấu thời khắc giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Đất Nước.

CÚ LIỀU 2: CẦU SẬP THÌ… RƠI XUỐNG SÔNG LÀ CÙNG

Ngày 16 tháng 4 năm 1975 đội hình hành quân của 2 tiểu đoàn xe tăng chủ lực của Lữ đoàn 203 bị ùn lại ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Nguyên nhân: cây cầu Mộ Đức đã bị địch phá sập một nhịp ở phía bờ Nam.

Mặc dù nó đã được khắc phục bằng cầu Mỹ (cầu Ben-lây) nhưng chỉ cho phép ô tô đi qua, còn xe tăng thì không được đi. Đây là loại cầu dã chiến do Mỹ sản xuất, nó gồm một số khung thép hình vuông được kết nối với nhau bằng các chốt thép to bằng cổ tay.

Theo lý thuyết thì tải trọng của loại cầu này chỉ có 8 tấn, nếu nhân với hệ số an toàn thì tải trọng tối đa cũng chỉ đến 24 tấn mà thôi. Vì vậy, người ta không cho những chiếc xe tăng 36 tấn đi qua là đúng quy tắc rồi.

Để khắc phục tình trạng này quân đoàn đã cho một đơn vị công binh làm ngầm. Tuy nhiên, ngay chiếc xe đầu tiên qua ngầm đã bị lầy và sau đó nước vào động cơ nằm chết dí giữa sông.

Người chỉ huy hành quân hôm đó là Dương Xuân Tụ - Lữ phó kỹ thuật lữ đoàn 203. Nhìn chiếc xe nằm chết dí giữa sông ông sốt ruột lắm, cứ cau cau có có, đi đi lại lại quanh đầu cầu phía Nam một lúc rồi chui cả xuống gầm cầu xem xét tình hình khi có xe ô tô đi qua.

Cuối cùng ông ra lệnh: “Đưa xe 389 lên đây!”. Xe 389 là xe bị hỏng pháo nhưng vẫn được đưa đi cùng làm "kho" khí tài dự trữ cho cả đoàn. Tất cả vẫn ngơ ngác vì không hiểu ông định làm gì!

Khi xe 389 lên sát đầu cầu Lữ phó hỏi lái xe: “Cậu có biết bơi không?”. Nghe lái xe trả lời bơi tốt ông dặn: “Cậu sẽ lái thử cái xe này qua cầu, cứ bình tĩnh, đi chân dầu thật êm, trước khi vào cầu phải căn hướng cho chính xác"

"Nhớ là đã vào cầu tạm rồi tuyệt đối không chuyển hướng nữa. Nếu không may rơi xuống sông thì cứ bình tĩnh đợi cho nước tràn đầy vào xe thì hãy bơi ra”.

Lái xe 389 thực hiện đúng lời dặn, cậu ta từ từ cho xe bò vào cầu rồi giữ chân dầu ổn định bò tiếp sang đoạn cầu tạm. Cả nhịp cầu Mỹ oằn xuống, đu đưa như đưa võng nhưng rồi không có chuyện gì xảy ra - cầu không sập.

Từ kết quả đi thử này Lữ phó Dương Xuân Tụ đã quyết định cho cả đội hình qua cầu, tất nhiên là từng chiếc. Chỉ hai mươi phút sau toàn bộ đội hình đã qua hết cầu.

Cũng từ hôm ấy, khi gặp “cầu Mỹ” là cả đoàn xe cứ vô tư vượt qua. Vì vậy tốc độ hành quân tăng lên đáng kể.

Sau này có người hỏi: “Sao hôm ấy thủ trưởng liều thế?” thì ông Tụ cười: “Tớ cũng phải nghiên cứu chán rồi mới đi đến quyết định ấy chứ".

"Thực ra những chốt thép ấy hoàn toàn có thể chịu được trọng lượng của xe tăng. Còn nếu nó có bị sập thì… rơi xuống sông là cùng chứ gì!”

CÚ LIỀU 3: KHÔNG ĐI CẦU ĐƯỜNG BỘ THÌ ĐI… CẦU ĐƯỜNG SẮT

Đúng 1 giờ sáng ngày 29 tháng 3 năm 1975 Đại đội xe tăng 4 nhận lệnh cơ động theo đường Một để tiến công Đà Nẵng từ hướng Bắc. Đường tốt lại vắng không một bóng người nên ai cũng nghĩ: “cứ tốc độ này chỉ tầm trưa là sẽ có mặt ở Đà Nẵng”.

Nhưng mọi cái không như dự tính, cả đại đội đang hành quân với tốc độ cao nhất bỗng vón lại thành một cục trước cây cầu Thừa Lưu đã bị địch phá sập. Để khắc phục quân đoàn cho một đại đội công binh làm ngầm nhưng tốc độ rất chậm.

Nhìn từng sọt đất được chuyền tay nhau hất xuống lòng sông cứ như viên sỏi ném xuống ao bèo ai cũng ngao ngán: “thế này thì bao giờ mới xong ngầm”. Đang chán nản thì ai đó bỗng reo lên: “Trên kia có một cây cầu còn nguyên kìa! Lên xem biết đâu lại đi qua được!”.

Quả thật, ở phía thượng nguồn vài chục mét có một cây cầu sắt nhịp cong cong. Nhìn con đường sắt ở đầu cầu dễ dàng nhận ra đó là cây cầu dành riêng cho xe lửa.

Các lái xe lên kiểm tra thì thấy cây cầu vẫn còn nguyên vẹn nhưng vì là cầu đường sắt nên không có mặt cầu, bên trên hai dầm sắt to đùng chỉ là những thanh tà-vẹt gỗ đặt cách nhau chừng sáu bảy mươi phân và trên cùng là hai thanh đường ray thép.

Cả hội lái xe xúm lại bàn bạc: “Về tải trọng thì không lo rồi vì cả đoàn tàu còn qua được; không có mặt cầu cũng không sao vì khoảng cách giữa các thanh tà-vẹt thế xích xe tăng sẽ đủ khả năng trườn qua.

Vấn đề còn lại là những thanh tà vẹt đó có chịu được sức nặng của xe không thôi? Mà giả sử nó không chịu được cũng không sao vì xe chỉ bị xệp bụng xuống đường ray thôi, cho nối cáp vào là kéo ra được”.

Sau khi nghe các lái xe báo cáo và lên tận nơi xem xét tình hình, Đại đội trưởng nhăn trán suy nghĩ một lát rồi gật đầu dứt khoát: “Liều phát xem sao!”.

Thật may mắn, chỉ sau chừng 10 phút cả đại đội đã sang được phía nam cầu. Và cú “liều” này đã cho phép đại đội xe tăng 4 có mặt đúng giờ tham gia đánh chiếm Thương cảng Bạch Đằng.

Một mục tiêu quan trọng trong nội thành Đà Nẵng, góp phần giải phóng hoàn toàn thành phố ngày 29 tháng 3 năm 1975.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại