“Sự trở lại” của “gấu” Nga
Hiện nay, nước Mỹ đang dồn dập mở rộng các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, thậm chí ngay trên những quốc gia trước kia nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng đang gia tăng mạnh mẽ kho tên lửa tầm trung.
Người Nga đã không thể ngồi yên nhìn khả năng tấn công của mình bị suy giảm. Nước Nga đang nỗ lực xây dựng những hệ thống giám sát và đánh chặn trên lãnh thổ mênh mông của họ.
Cùng với các quốc gia thân cận như Belarus, Kazakhstan... nước Nga đã triển khai hệ thống phòng không chung nhiều tầng và phối hợp chỉ huy khi có các cuộc tấn công bằng đường không, đặc biệt là tên lửa đạn đạo.
Đó là lý do vì sao chúng ta thấy những sản phẩm quốc phòng vốn chỉ được dùng cho quân đội Nga, không được phép xuất khẩu lại có mặt trong biên chế những quốc gia đó.
MiG-31 thường xuyên xuất hiện tại Belarus
Nước Nga đã khôi phục lại các trạm radar cảnh báo tầm siêu xa từ thời Liên Xô và xây dựng các đài radar mới. Chúng thực sự là những kỳ quan kỹ thuật với khả năng bao quát mọi vụ phóng tên lửa, thậm chí trong lãnh thổ Mỹ.
Hiệu quả của chúng đã được bật mí khi Nga đưa ra các thông số về vụ thử nghiệm tên lửa của Israel vào năm ngoái làm kinh ngạc giới quân sự phương Tây. Nước Nga thực sự đã trở lại.
Trong điều kiện chưa thể xây dựng được hệ thống vệ tinh trinh sát, do thám đồ sộ như Mỹ và phương Tây, Nga đã lựa chọn giải pháp khác:
Khi không có những vũ khí tương xứng thì phải có vũ khí tiêu diệt được hệ thống phòng thủ của đối phương. Đây là một kiểu tác chiến phi đối xứng cực kỳ hiệu quả.
Tên lửa Iskander của Nga
Người Nga đã dùng sức mạnh phối kết hợp của Không quân, Phòng không vũ trụ... để tạo ra hệ thống phòng thủ cho riêng mình.
Một mặt, phát triển những vũ khí tấn công như tên lửa diệt vệ tinh trang bị trên mặt đất và máy bay chiến đấu MiG-31 để hạ các đầu đạn trong pha giữa và pha cuối của hành trình tấn công, đồng thời có thể tiêu diệt các phương tiện trinh sát của đối phương.
Mặt khác, với lợi thế về công nghệ tên lửa, Nga đã cho ra đời những vũ khí tấn công chính xác như tên lửa Iskander nhằm vô hiệu hóa trạm đài radar, phương tiện mang phóng của kẻ thù.
Ngoài ra, họ liên tục nâng cấp và sử dụng thường xuyên các máy bay ném bom chiến lược như Tu-22, Tu-160, Tu-95 để có thêm tùy chọn ra đòn nhắm vào những đơn vị tên lửa ở châu Âu và vô hiệu hóa khả năng tác chiến của chúng.
Một điều tích cực nữa có thể thấy từ “gấu Nga” gần đây, đó là liên tục cho ra đời những vũ khí phòng không tầm cao mới cực kỳ ưu việt.
S-400, S-500 và những bản nâng cấp S-300 vẫn sẽ là quân bài không chỉ củng cố an ninh cho Nga mà còn thay đổi cán cân sức mạnh cho các quốc gia sở hữu chúng.
Những nhân tố mới
Cuộc đua trở nên thú vị hơn nữa khi có sự tham gia của các nhân tố mới. Có thể kể đến một đại diện tiêu biểu đó là Trung Quốc. Khác với Nga, Mỹ, Trung Quốc không chịu sự ràng buộc bởi việc hạn chế tầm bắn của tên lửa nên thoải mái cho ra đời những vũ khí tấn công tầm trung.
Nhưng dường như họ cũng học được bài học từ nước Nga nên đã tìm cách bảo vệ mình bằng việc mua sắm S-300 và mới đây là S-400 để cảm thấy an toàn hơn trước các mối đe dọa. Họ cũng phát triển phương pháp phi đối xứng bằng cách chế tạo vũ khí gây nhiễu và tiêu diệt vệ tinh.
Giới quân sự thế giới đã sửng sốt khi Trung Quốc tự mình bắn hạ một vệ tinh và gửi thông điệp đến cho những nước khác rằng họ có khả năng vô hiệu hóa các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.
Cùng với đó, Trung Quốc phát triển tên lửa tầm trung làm vũ khí chống tiếp cận, tên lửa chống tàu để có thể gây thệt hại cho các phương tiện mang tên lửa đánh chặn hải quân vốn bố trí dày đặc quanh biển Đông Hải của Trung Quốc.
Đáp lại, Nhật Bản, Hàn Quốc mua sắm tên lửa phòng không PAC-3, đóng tàu khu trục Aegis và phát triển những hệ thống cảnh báo sớm cho riêng mình, trong bối cảnh kho tên lửa tấn công của Trung Quốc và Triều Tiên gia tăng chóng mặt.
Cuộc đua ở Đông Á đã trở nên sôi nổi hơn nhờ những nhân tố sở hữu trình độ kỹ thuật cao và tham vọng lớn đang trỗi dậy.
Cách xa một chút, tương tự như Nhật Bản và Hàn Quốc, dựa vào công nghệ Mỹ và tự lực nghiên cứu phát triển, Israel đã thiết lập các hệ thống đánh chặn để bảo vệ những khu định cư của họ vốn chịu nhiều cuộc tấn công từ các thế lực không thân thiện xung quanh.
Một phần, sự thiếu tin cậy thể hiện trong chiến tranh Vùng Vịnh cũng như mối lo về việc sụp đổ dây chuyền do quá phụ thuộc vào hệ thống của Mỹ đã thúc đẩy Israel cho ra đời những sản phẩm hiệu quả và nhanh chóng được đưa vào trang bị rộng rãi.
Có thể nói, phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa là cuộc đua của những ông lớn về kỹ thuật quân sự.
Từ công nghệ “sử dụng hạt nhân để tiêu diệt hạt nhân” đến phá hủy đầu đạn bằng động năng, tác chiến theo hệ thống như hệ thống phòng thủ tên lửa NMD là quá trình đòi hỏi các quốc gia phải tiêu tốn nhiều tiền bạc và công sức vào quá trình nghiên cứu phát triển.
Thế kỷ XXI, người ta thấy thấp thoáng bóng dáng của vũ khí laser ứng dụng trong lĩnh vực này. Rồi đây, công nghệ đó sẽ lại cuốn các cường quốc vào vòng xoáy mới, tất cả là để thực hiện tham vọng và bảo vệ lợi ích của chính mình.