Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Sergey Kornev, trưởng phái đoàn Rosoboronexport tham dự triển lãm hàng không Paris cho biết, tiêm kích tàng hình thế hệ năm T-50 sẽ không được cung cấp cho các khách hàng nước ngoài trong tương lai gần.
"Hiện tại, T-50 không nằm trong danh mục xuất khẩu. Chúng tôi không được phép quảng bá hoặc tiết lộ các thông số của sản phẩm cho tới khi có quyết định chính thức đưa nó vào danh sách xuất khẩu" - Ông Kornev nói.
Mô hình tiêm kích T-50 mà Tập đoàn máy bay thống nhất (UAC) của Nga đem tới triển lãm ở Le Bourget chỉ để chứng tỏ năng lực và các công nghệ tiên tiến của Nga.
Mẫu máy bay này sẽ bắt đầu được tiếp thị tới các khách hàng ngay khi nó xuất hiện trong danh mục các sản phẩm quốc phòng được phép xuất khẩu.
Cũng theo ông Kornev, điều này không nhất thiết diễn ra sau khi T-50 được phép sử dụng ở Nga.
"Một số hệ thống vũ khí được xuất khẩu trước, sau đó mới được phép sử dụng tại nước nhà" - ông Kornev nói.
Nguyên mẫu T-50 bay thử nghiệm
Trước đó, hồi tháng 2/2014, Phát biểu bên lề triển lãm hàng không Singapore 2014, ông Mikhail Tyukhanov, Giám đốc marketing của Sukhoi cho biết:
Tập đoàn Sukhoi đang hướng tới việc tiếp thị các loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất tới các khách hàng quen thuộc ở Đông Nam Á.
Sukhoi hiện có 3 khách hàng chủ lực tại khu vực này, bao gồm: Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Ông Tyukhanov cho hay, đây đều là các khách hàng tiềm năng của 2 loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất do Sukhoi sản xuất: Su-35 Super Flanker và T-50 PAK-FA.
T-50 là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 do hãng Sukhoi của Nga nghiên cứu, chế tạo, với khả năng tàng hình cao và nhiều tính năng vượt trội.
Việc đưa vào sử dụng vật liệu composite, các công nghệ tiên tiến, trang bị động cơ và hệ thống điện tử hiện đại giúp T-50 gần như không bị radar và các công nghệ hồng ngoại, quang học của đối phương phát hiện.
Theo tờ Lenta (Nga), T-50 có khả năng tàng hình gấp 15 lần so với chiến đấu cơ Su-27 của nước này.
Chưa hết, theo hãng thông tấn RIA Novosti, ngoài chức năng bảo vệ, hệ thống phòng thủ chủ động trên tiêm kích thế hệ năm T-50 còn có thể vô hiệu hóa khả năng tàng hình của máy bay đối phương.
Ứng dụng công nghệ mới khiến chúng giống robot biết bay hơn là máy bay thông thường.
“PAK FA giống một con robot biết bay ở mức độ nào đó” – ông Vladimir Mikheyev, Phó giám đốc công ty công nghệ KRET, nơi thiết kế hệ thống phòng thủ Himalaya cho các chiến đấu cơ T-50 cho biết.
Theo RIA, dự kiến tới năm 2020, sẽ có 55 chiếc T-50 được chuyển giao cho Không quân Nga. Hiện tại, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới vận hành tiêm kích thế hệ 5.