Vì sao Lầu Năm Góc không muốn hủy hợp đồng Mi-17 với Nga?

Thiên Minh |

(Soha.vn) - Lầu Năm Góc đã nỗ lực đề nghị QH Mỹ không áp dụng biện pháp trừng phạt nào đối với Tập đoàn Rosoboronexport để Mỹ có thể tiếp tục mua trực thăng Mi-17 cho Afghanistan.

Việc thay thế các trực thăng Nga bằng các trực thăng của Mỹ tại Afghanistan sẽ rất tốn kém và có thể gây phiền hà cho Lầu Năm Góc - Lajos Szaszdi, một chuyên gia về quân sự và các vấn đề quốc tế nói với hãng tin RIA Novosti hôm 25/4.

“Một trong những lý do Lầu Năm Góc đang yêu cầu Quốc hội Mỹ không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn Rosoboronexport (Nga) là bởi chúng (trực thăng Nga) ít tốn kém hơn so với các trực thăng do Mỹ hoặc châu Âu sản xuất. Quan trọng nhất là Không quân Afghanistan đã quen với việc sử dụng các thiết bị quân sự do Nga sản xuất, trong đó có các trực thăng Mi-17 V5 và phi công của họ cũng cảm thấy thoải mái khi điều khiển chúng” – Szaszdi nói.

Szaszdi nói thêm rằng nếu các trực thăng của Mỹ được chuyển tới Afghanistan, các phi công của Afghanistan sẽ phải học cách sử dụng chúng.

“Thêm vào đó, họ còn cần những nhân viên có trình độ và phải đặc biệt chú ý tới vấn đề bảo dưỡng các máy bay trực thăng này bởi chúng được cho là phức tạp hơn các máy bay của Nga. Nhìn chung, việc này sẽ rất tốn kém” – Szaszdi nhận định.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng trong trường hợp Ukraine quyết định không cung cấp động cơ cho các nhà sản xuất trực thăng Nga, Moscow đã có kế hoạch tự sản xuất động cơ trong nước.

Trực thăng Mi-17 của Không quân Afghanistan. Ảnh: RIA Novosti
Trực thăng Mi-17 của Không quân Afghanistan. Ảnh: RIA Novosti

Trước đó, trong một bản tin ngày 27/3, Đài phát thanh Radio Free Europe (RFE) cho hay Lầu Năm Góc đang đứng trước nguy cơ phải phá vỡ hợp đồng mua trực thăng quân sự trị giá hơn 550 triệu USD với Moscow sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea.

Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất từ Lầu Năm Góc, hơn một nửa số tiền này đã được sử dụng, trong khi Nga mới chỉ chuyển giao 1/5 số trực thăng trong thỏa thuận.

Theo phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Maureen Schumann, tính đến ngày 20/3, Bộ Quốc phòng Mỹ đã giải ngân 290 triệu USD cho tập đoàn Rosoboronexport theo hợp đồng trị giá 553,8 triệu USD để mua 30 trực thăng Mi-17 cho các lực lượng an ninh Afghanistan.

Cũng theo bà Schumann, trong ngày 20/3, 6 trong số 30 chiếc trực thăng trong hợp đồng đã được chuyển giao.

Đối mặt với áp lực từ phía các nhà lập pháp Mỹ - những người cho rằng hợp đồng với Rosoboronexport đang giúp Nga tiếp tay cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad, Lầu Năm Góc năm ngoái đã tuyên bố rằng sau khi tham khảo ý kiến của Quốc hội, Lầu Năm Góc quyết định không mua thêm bất cứ trực thăng nào từ Rosoboronexport nhưng hợp đồng trực thăng Mi-17 vẫn sẽ tiếp tục.

Lầu Năm Góc đã nỗ lực đề nghị Quốc hội Mỹ không áp dụng bất cứ biện pháp trừng phạt nào đối với Tập đoàn Rosoboronexport của Nga để Mỹ có thể tiếp tục mua trực thăng Mi-17 cho Afghanistan.

Tuy nhiên, các thành viên của Quốc hội Mỹ đã có thêm lý do mới để ép Lầu Năm Góc phải hủy bỏ hợp đồng này, đó là sự kiện Nga sáp nhập Crimea.

“Những hành động gần đây của Nga đã vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, chúng tôi khẩn thiết đề nghị chấm dứt những hợp đồng này” . Đây là một phần trong nội dung bức thư được gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 19/3.

Theo RFE, nhiều quan chức Mỹ và các chuyên gia quân sự nước này đều đồng tình rằng máy bay quân sự do Nga sản xuất phù hợp để triển khai tại Afghanistan. Hãng tin AP dẫn lời một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các chỉ huy quân sự của Mỹ tại Afghanistan thích dùng trực thăng Mi-17 bởi nó khá bền và thực tế là các lực lượng vũ trang Afghanistan đã quen thuộc với loại máy bay này.

RFE cho biết nếu hợp đồng lần này bị hủy bỏ hoặc gián đoạn do lệnh trừng phạt, không rõ Mỹ có thể thu lại được phần nào trong số tiền 290 triệu USD đã trả cho Rosoboronexport hay không.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại