Vén màn lý do Iran nhắm mua siêu tăng T-90 của Nga

Hải Vy |

Ngoài khôi phục hợp đồng chuyển giao hệ thống phòng không S-300, Iran và Nga đang thảo luận khả năng cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực T-90.

Chuyên gia quân sự và khoa học chính trị Iran  Abouzar Bagheri đưa ra bình luận về thông tin Iran đang cân nhắc mua xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 do Nga sản xuất (với số lượng chưa rõ).

Ông Bagheri chia sẻ với hãng tin Sputnik (Nga) cách nhìn nhận của mình về ý nghĩa của thương vụ này đối với tiềm năng quân sự của Iran nói riêng và mối quan hệ hợp tác quân sự Nga – Iran nói chung.

Thỏa thuận tiềm năng

Hôm thứ Ba (8/12), phát biểu trước truyền thông trong nước, Tư lệnh Lục quân Iran Ahmad Reza Pourdastan cho biết mối quan hệ hợp tác quân sự của Tehran với Moscow đang tiến triển tốt đẹp.

Ngoài khôi phục hợp đồng chuyển giao hệ thống phòng không S-300, 2 bên đang thảo luận khả năng cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực T-90.

“Hợp tác quân sự của chúng ta với Moscow đã được tăng cường. Chúng tôi đã ký hợp đồng đầu tiên mua hệ thống S-300” – Hãng thông tấn Tasnim News dẫn lời ông Pourdastan.

“Bên cạnh đó, khả năng mua xe tăng T-90 đang được thảo luận. Chúng tôi hy vọng rằng các hợp đồng liên quan sẽ được ký kết và các chuyên gia của chúng ta có thể tới Nga để tích lũy kinh nghiệm vận hành cỗ máy hiện đại này” – ông Pourdastan nói.

Xe tăng T-90 của Lục quân Ấn Độ.
Xe tăng T-90 của Lục quân Ấn Độ.

Được Quân đội Nga đưa vào sử dụng trong những năm 1990 và trải qua một số đợt nâng cấp, T-90 đã trở thành mẫu xe tăng khá phổ biến trên thị trường vũ khí toàn cầu, với 3 khách hàng lớn là Azerbaijan, Algeria và Ấn Độ (trong đó Ấn Độ đã có hơn 850 chiếc T-90).

Ngoài ra, cuối tháng trước, các nguồn tin cho biết Sư đoàn Cơ giới số 4 của Quân đội Syria đã triển khai một số xe tăng T-90.

"Iran có quyền tự bảo vệ mình"

Hợp tác quân sự giữa Moscow và Tehran đã được khôi phục trở lại sau khi Iran đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân với Nhóm P5+1 vào tháng Bảy năm nay.

Bình luận về thông tin Iran mong muốn mua xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga, ông Bagheri nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia trên thế giới đều có quyền tự bảo vệ mình:

“Trong một thời gian dài, Iran đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán với Nga về vấn đề hợp tác quân sự, đặc biệt là về thương vụ S-300.

Mọi quốc gia đều có quyền hợp pháp để tăng cường và mở rộng năng lực quốc phòng – quân sự của mình bằng cách này hay cách khác, để bảo vệ lãnh thổ trước mối đe dọa tiềm năng và Iran cũng không ngoại lệ”.

Vị chuyên gia nói tiếp:

"JCPOA (Thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện giữa Iran và P5+1) và những chỉ thị từ Mỹ, trong đó không cho phép Iran tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa, mua vũ khí tấn công hoặc sử dụng chúng, thực sự đã bó hẹp quyền lợi của Iran trong những vấn đề này.

Tuy nhiên, như lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei đã nói, chúng tôi phải tăng cường khả năng phòng thủ quân sự và điều này không dính dáng đến JCPOA, bởi Iran thỏa thuận với P5+1 về vấn đề sử dụng hạt nhân, chứ không phải về tiềm lực tên lửa và phòng thủ”.

Theo ông Bagheri, “Tehran xem việc mua các xe tăng hiện đại từ Nga là một phần nhu cầu tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng của mình.

Với những mối đe dọa đang hiện hữu trong khu vực, Iran chắc chắn sẽ dùng tiềm lực quân sự để đảm bảo an ninh quốc gia và cả các nước láng giềng”.

Xe tăng T-90S trình diễn tính năng

Cuối cùng, chuyên gia Bagheri tin rằng ký kết các thỏa thuận quân sự và hợp tác kỹ thuật quân sự với Tehran là dấu hiệu cho thấy Moscow đang chuyển từ mối quan hệ đối tác sang mối quan hệ đồng minh chiến lược với Iran trong khu vực.

Về phần mình, bằng cách mở rộng tiềm lực quốc phòng, Iran đang tăng cường sức mạnh, không chỉ để tự bảo vệ bản thân mà còn để tiến hành các hoạt động chung với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố.

“Iran đã nhiều lần tuyên bố sẽ tìm cách để không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn cả những người dân đang bị đàn áp trong khu vực” - ông Bagheri nhấn mạnh.

“Hiện nay, các chuyên viên huấn luyện và cố vấn quân sự của chúng tôi đang có mặt ở Syria và Iraq, giúp đỡ chính phủ và người dân tại đó chống khủng bố" - ông Bagheri nói.

"Iran, hợp tác chặt chẽ với các đồng minh – Hazbollah của Lebanon và Nga, đang hỗ trợ tất cả những gì có thể cho người dân của những quốc gia này”.

“Nếu tình hình trong khu vực tiếp tục xấu đi và các nước thứ ba tìm cách tăng cường tầm ảnh hưởng thống trị của họ hoặc xen vào công việc nội bộ của nước khác, chúng tôi không thể để mặc chuyện này và sẽ dùng tới tất cả khả năng, cũng như tiềm lực của mình.

Đầu tiên, cần phải sử dụng công cụ ngoại giao để ổn định tình hình, tránh đối đầu quân sự. Tiếp theo, Iran sẽ hành động dứt khoát và giúp đỡ các quốc gia đồng minh.

Tất nhiên, nếu ai đó trong những thế lực “thống trị” muốn tìm cách phá vỡ sự ổn định và an ninh mà chúng tôi đang cố bảo vệ, Iran sẽ hành động cương quyết để bảo vệ lợi ích và sự toàn vẹn lãnh thổ của các đồng minh bằng sức mạnh quân sự” - ông Bagheri khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại