Công việc thiết kế máy bay vận tải chiến lược VM-T Atlant được khởi động vào năm 1978, khi công trình sư Myasishchev nhận yêu cầu giải quyết khó khăn của bài toán di chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng tới Sân bay vũ trụ Baikonur.
Các kỹ sư đã lấy một chiếc M-4 Molot và sửa đổi một vài chi tiết như dỡ bỏ cánh đuôi đứng để thay thế bằng bộ cánh đuôi ngang hình chữ V với thùy chữ nhật ở hai bên, nhằm giúp máy bay có thể vận chuyển hàng hóa quá khổ bằng cách cõng trên lưng.
Với cấu hình đặc biệt như vậy, VM-T "thồ" được những vật thể có kích thước ngang bằng hoặc thậm chí lớn gấp đôi đường kính thân như bồn nhiên liệu hay các bộ phận tên lửa đẩy. Nó cũng được lắp đặt hệ thống điều khiển mới để bù đắp cho phần trọng lượng tăng thêm.
Máy bay ném bom hạng nặng Myasishchev M-4 Molot
Thông số kỹ thuật cơ bản của máy bay vận tải Myasishchev VM-T Atlant: Chiều dài 51,2 m; sải cánh 53,6 m; chiều cao 10,6 m; trọng lượng rỗng 75.740 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 192.000 kg; tải trọng hàng hóa 50.000 kg.
Bốn động cơ phản lực RKBM/Koliesov VD-7MD công suất 105,45 kN mỗi chiếc cung cấp tốc độ tối đa 500 km/h, trần bay 8.000 - 9.000 m, tầm hoạt động 1.500 km, tỷ số lực đẩy/trọng lượng đạt 0,224.
Atlant cất cánh lần đầu vào năm 1981, đến tháng Giêng năm 1982 nó đã thực hiện chuyến bay đầu tiên với hàng hóa. Khi đó, VM-T Atlant được coi là đối thủ xứng tầm của máy bay vận tải Boeing 747 cải tiến của Mỹ
Nhiệm vụ chính là phục vụ Chương trình Buran, nên trong nhiều trường hợp VM-T đã cõng luôn tàu con thoi tới Sân bay vũ trụ Baikonur, bên cạnh việc vận chuyển các linh kiện tên lửa đạn đạo và tên lửa đẩy vũ trụ.
VM-T Atlant được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS 2005 với một cấu kiện lớn trên lưng
Chỉ có duy nhất 2 chiếc Atlant được sản xuất và đưa vào sử dụng, chúng kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình vào năm 1989 và được thay thế bởi chiếc An-225 Mriya.
Hiện tại, một chiếc VM-T mang số hiệu RF-01502 đang được lưu giữ tại sân bay Zhukovsky, trong khi chiếc còn lại (RA-01402) nằm ở Dyagilevo AFB, Ryazan.