Uy lực sát thủ tên lửa diệt hạm Meroka

Phòng không tầm thấp, trong đó chống tên lửa diệt hạm, là một trong những nhiệm vụ khó khăn của hải quân. Các loại pháo nòng xoay có tốc độ bắn nhanh song thời gian phản ứng chậm và độ phân tán cao. Pháo hạm Meroka của Tây Ban Nha là một trong số ít loại vũ khí hạn chế được nhược điểm này khi đi theo hướng phát triển mới.

Trong hệ thống vũ khí phòng không của tàu thì các tổ hợp pháo chịu trách nhiệm tiêu diệt các mục tiêu trên không sau khi chúng đã chọc thủng các lớp phòng không khác.

Yếu tố này ảnh hưởng rất lớn tới diện mạo của các tổ hợp pháo bởi để tiêu diệt mục tiêu có tốc độ cao ở cự ly gần thì pháo phòng không của tàu cần phải có tốc độ bắn cực nhanh.

Trong những trường hợp như vậy, để đối đầu với tên lửa diệt hạm hoặc các loại vũ khí tương tự, yêu cầu phải có một số lượng đạn rất lớn được bắn ra trong cùng một thời điểm.

Pháo AK-630 6 nòng cỡ 30 mm của Nga
Pháo AK-630 6 nòng xoay cỡ 30 mm của Nga

Sở hữu tốc độ bắn nhanh nhất hiện nay chính là các hệ thống vũ khí súng nòng xoay, hay còn gọi là hệ thống Gatling.

Tuy nhiên, chúng vẫn có những nhược điểm nhất định. Một trong số đó là cần một khoảng thời gian khá lớn để đạt được nhịp độ bắn cần thiết. Các loại vũ khí nòng xoay thường mất từ 0,5-1 giây đầu tiên bắn rất chậm nên không có khả năng xạ kích điểm.

Chính vì vậy, ngay ở thời khắc đầu tiên, loại súng này lại không đảm bảo tính hiệu quả cần thiết và giảm khả năng tiêu diệt mục tiêu.

Tây Ban Nha là một trong những nước đi tiên phong nhằm giải quyết vấn đề này. Ngay từ đầu những năm 1970, công ty FABA của Tây Ban Nha đã đề xuất phương pháp khắc phục nhược điểm của súng nòng xoay.

Mẫu pháo phòng không mới mà FABA giới thiệu không khác nhiều về kết cấu so với các mẫu từng có, song lại được tích hợp các giải pháp đáng kể nhằm giảm thời gian đạt tốc độ bắn cần thiết.


	Pháo Meroka 12 nòng 20 mm của Tây Ban Nha

Pháo Meroka 12 nòng 20 mm của Tây Ban Nha

Giải pháp của Tây Ban Nha là loại bỏ kiểu nòng xoay. Các nhà thiết kế Tây Ban Nha cho rằng các nòng pháo cố định sử dụng chung một hệ thống nạp đạn duy nhất cùng các kết cấu dẫn đường sẽ giúp pháo phòng không đạt được hiệu quả như pháo nòng xoay nhưng lại loại bỏ được những nhược điểm vốn có.

Tổ hợp pháo nhiều nòng mà FABA giới thiệu có tên là Meroka. Thành phần chính của tổ phợp là pháo tự động 20 mm dài 120 cỡ nòng do công ty Oerlikon chế tạo. Các nòng pháo được lắp đặt thành một khối gồm 2 hàng, mỗi hàng 6 nòng.

Thiết kế này giúp giảm kích cỡ toàn bộ hệ thống, đồng thời bảo đảm ngắm bắn dễ hơn. Việc bố trí các nòng pháo dày đặc cũng giúp giảm phân tán đạn khi khai hỏa.

Đặc biệt, để nâng cao độ chính xác, FABA cho lắp đặt các đai trượt ngay sau các thiết bị hãm ở đầu nòng nhằm ổn định nòng khi bắn. Toàn bộ hệ thống pháo được đặt trên bệ xoay và bọc thép chống đạn. Tổ hợp Meroka nặng 4.500 kg. (Tổ hợp AK-630 của Nga nặng hơn 9.000 kg).

Meroka có 12 nòng cố định và thiết kế nhỏ gọn hơn so với các loại pháo cùng loại
Meroka có 12 nòng cố định và thiết kế nhỏ gọn hơn so với các loại pháo cùng loại

Bộ phận tiếp đạn gồm hộp đạn hình khuyên được bố trí ngay phía dưới khối nòng trong tháp pháo. Hộp tiếp đạn có nhiều ngăn và có thể chứa tối đa 720 viên đạn cỡ 20 mm.

Nếu chỉ có chừng này đạn, với 12 nòng thì pháo chỉ có thể bắn 60 loạt. Tuy nhiên, bộ phận tiếp đạn tự động có chứa sẵn các băng đạn mới sẽ tự động nạp đạn vào hộp tiếp đạn khi cần thiết. Vỏ đạn được bắn ra ngoài thông qua một cửa duy nhất nằm bên trái tổ hợp pháo.

Meroka được trang bị hệ thống phát hiện và chỉ thị mục tiêu bằng radar và quang điện tử do Lockheed Martin chế tạo.

Các hệ thống này được bố trí ngay phía trên tháp pháo. Radar phát hiện mục tiêu RAN-12L có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 12-15 km. Sau khi phát hiện mục tiêu, thông tin sẽ được chuyển về máy tính xác định quỹ đạo bay và đánh giá mức độ nguy hiểm.

Trong khoảng cách 5 km, radar bám mục tiêu AN/PVS-2 sẽ bắt đầu hoạt động và chuyển số liệu cho hệ thống dẫn bắn tự động. Ngoài ra, Meroka còn có thể phát hiện và dẫn bắn bằng hệ thống quang điện tử và cả chế độ điều khiển bằng tay.

Meroka có hệ thống phát hiện và chỉ thị mục tiêu bằng radar và quang điện tử

Bệ pháo Meroka cho phép bắn ở mọi góc tà với tốc độ lý thuyết lên tới 9.000 phát/phút. Tuy nhiên, các nhà thiết kế khuyến nghị không nên bắn đồng loạt 12 nòng cùng lúc.

Để tăng độ chính xác, nên bắn loạt từ 6 nòng mỗi lần. Khi 6 nòng này bắn loạt, bộ phận tiếp đạn sẽ nạp đạn cho 6 nòng còn lại. Cứ như vậy, tốc độ bắn thực tế của Meroka đạt 1.450-1.500 phát/phút, tương đương 2-3 loạt 12 phát/giây.

So với súng nòng xoay, Meroka có tốc độ bắn thấp hơn nhiều (Ví dụ loại AK-630 của Nga có tốc độ bắn thực tế khoảng 5.000 phát/phút). Tuy nhiên, việc bắn loạt như đã nêu và thiết kế giảm độ phân tán đạn giúp pháo có khả năng tập trung lượng đạn dày đặc vào mục tiêu trong một thời điểm.

Theo tính toán, để tiêu diệt một tên lửa diệt hạm bay với tốc độ cận âm, Meroka chỉ cần tới 10-12 loạt đạn. Như vậy, một hộp đạn 720 viên đủ để tiêu diệt từ 5-6 tên lửa. Khi sử dụng các loại đạn dưới cỡ nòng, Meroka có thể tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu trên không từ khoảng cách 2.000 m. Sơ tốc của loại đạn này vào khoảng 1.450 m/s.

Dù ra đời từ những năm 1970, Meroka hiện vẫn được trang bị phổ biến cho các tàu của Hải quân Tây Ban Nha. Trong số đó phải kể đến tàu dân bay Príncipe de Asturias (4 tổ hợp Meroka), 5 khinh hạm lớp Santa Maria (mỗi tàu một tổ hợp Meroka), 5 khinh hạm lớp Álvaro de Bazán (mỗi tàu một tổ hợp Meroka).

Đầu những năm 1980, Meroka đã được cải tiến nhằm đáp ứng cho nhu cầu của lục quân. Theo đó, kết cấu tháp pháo đã được thu nhỏ đáng kể để có thể bố trí trên khung gầm xe bánh hơi. Phía sau tổ hợp Meroka cho lục quân còn được bổ sung thêm cabin điều khiển cho pháo thủ (Meroka cho tàu được điều khiển từ phòng tác chiến). Phiên bản Meroka cho lục quân còn bị loại bỏ hệ thống radar nhằm giảm kích cỡ và khối lượng.

Tây Ban Nha có kế hoạch tiếp tục phát triển Meroka để trang bị cho các tàu chiến hiện đại

Meroka cho lục quân có hiệu quả tác chiến không thua kém phiên bản cho hải quân. Tuy nhiên, nhiệm vụ tác chiến của Meroka trong lục quân là phức tạp hơn nhiều. Nếu như đối với hải quân, Meroka có nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt các tên lửa diệt hạm ở khoảng cách gần khi chúng đã xuyên thủng các lớp phòng không khác thì với lục quân, Meroka còn phải đối đầu với cả các máy bay chiến đấu.

Khác với tên lửa, máy bay chiến đấu không trực tiếp bay vào khu vực nguy hiểm mà có thể tấn công từ xa bằng các loại vũ khí khác nhau. Xuất phát từ quan điểm này, giới quân sự Tây Ban Nha đã đi đến kết luận Meroka phiên bản cho lục quân không có ưu thế vượt trội nào so với các hệ thống pháo phòng không hiện có và quyết định không đưa vào trang bị cho lục quân.

Ngày nay, Tây Ban Nha vẫn có kế hoạch tiếp tục phát triển pháo hạm Meroka. Hải quân Tây Ban Nha dự kiến sẽ trang bị Meroka cho cả các tàu mới đang trong quá trình chế tạo. Có thông tin cho rằng, Tây Ban Nha đang nghiên cứu chế tạo phiên bản mới của Meroka với cỡ nòng lớn hơn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại