Bên cạnh “rừng” tên lửa hành trình chống tàu Nga, Mỹ, châu Âu trang bị trên các tàu chiến Đông Nam Á. Trung Quốc cũng đã tìm được một chỗ đứng “nhỏ nhoi” ở vài quốc gia trong khu vực Đông Nam Á với 2 loại tên lửa, C-705 và C-802.
Tên lửa chống tàu C-705
C-705 là biến thể cải tiến mạnh từ dòng tên lửa hành trình chống tàu C-704. Loại tên lửa này được giới thiệu lần đầu tại triển lãm hàng không Chu Hải lần thứ 7.
Kiểu dáng của tên lửa C-705 được cho là tương tự với tên lửa hành trình tầm xa C-602 (YJ-62).
Tên lửa chống tàu C-705.
Những cải tiến lớn tập trung trong ba lĩnh vực: động cơ, đầu đạn và dẫn đường. Động cơ tên lửa ban đầu của C-704 đã được thay thế bằng một động cơ lớn hơn, tầm xa tăng lên 75 km. Các nhà phát triển cho rằng thiết kế kiểu module của động cơ mới có thể phát triển thêm tầng đẩy thứ 2 để tiếp tục tăng tầm lên 170 km.
C-705 trang bị đầu đạn nặng 110-130kg cho phép vô hiệu hóa các tàu chiến tải trọng 1.500-3.000 tấn, xác suất trúng đích trên lý thuyết hơn 95,7%. Tên lửa có thể lắp nhiều loại đầu tự dẫn như: radar chủ động, quang – truyền hình và hồng ngoại.
Hiện tại, trong khu vực Đông Nam Á chỉ duy nhất Hải quân Indonesia sử dụng loại tên lửa này trang bị các tàu cao tốc tên lửa cỡ nhỏ KCR-40 nội địa. Nước này có kế hoạch mua giấy phép sản xuất và tự chế tạo C-705 trong nước.
Tên lửa chống tàu C-802
C-802 là một trong những loại tên lửa hành trình chống tàu chủ lực trang bị trên chiến hạm của Hải quân Thái Lan và Malaysia.
Tên lửa hành trình chống tàu C-802 (hay gọi là YJ-82) được phát triển dựa trên loại C-801. Tên lửa hành trình đối hạm siêu âm C-802 dài 6,3m, đường kính thân 0,36m, trọng lượng phóng 715kg.
C-802 có thân mỏng và mũi hình trứng, lắp bốn cánh lớn ở giữa thân, bốn cánh điều khiển nhỏ hơn ở đuôi. Khe hút không khí nằm giữa các cánh chính dưới thân tên lửa. Cánh trước và đuôi được gấp gọn khi phóng.
Tên lửa chống tàu C-802 rời bệ phóng.
Khi tên lửa phóng, động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn đẩy nhanh tốc độ của tên lửa đến Mach 0,9 trong vài giây. Sau khi cháy hết nhiên liệu, động cơ khởi tốc sẽ tách ra và động cơ tăng tốc – hành trình của tên lửa bắt đầu làm việc đưa tên lửa tới mục tiêu.
Tên lửa sử dụng đầu đạn hạt nhân bán xuyên giáp 165 kg tiêu diệt mục tiêu bằng động năng của tên lửa xuyên qua boong tàu, thâm nhập và phát nổ bên trong trong tàu.
Theo tạp chí Globalsecurity , tên lửa chống tàu C-802 có diện tích phản xạ radar nhỏ, khi cách mục tiêu vài km nó sẽ hạ xuống độ cao 5-7m so với mặt nước biển, hệ thống dẫn đường chống nhiễu tốt, tàu mục tiêu khó có khả năng đánh chặn được tên lửa. Xác suất đánh trúng của C-802 là 98%.