Cơ quan này cáo buộc rằng chiếc xe tăng đến từ kho dự trữ của quân đội Nga.
“Dựa trên phân tích sơ bộ các mẫu vũ khí và trang bị, chúng tôi gần như có thể khẳng định phương tiện và vũ khí bị thu giữ có nguồn gốc từ Liên bang Nga” – Tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly (Anh) dẫn thông báo của MoD cho biết.
Chiếc T-64 bị bắt giữ trong một cuộc tấn công vào quân đội Ukraine tại khu vực gần Artemivsk, tỉnh Donetsk. Theo MoD, nó chưa từng và hiện cũng không có tên trong kho dự trữ của Các lực lượng vũ trang Ukraine.
MoD tuyên bố, chiếc xe tăng T-64BV với số hiệu này cho thấy nó được chế tạo vào tháng 10/1987 tại nhà máy xe tăng Kharkov và được chuyển tới một đơn vị quân sự đóng quân ở Nga vào thời điểm đó. Ngoài ra, có thông tin cho rằng chiếc xe tăng này gần đây xuất hiện trong danh sách trang bị của Lữ đoàn bộ binh 205 đóng quân tại thành phố Budenovskiy của Nga.
Hình ảnh những chiếc MBT T-64 (thoạt đầu bị nhầm tưởng là T-72) trong tay các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine lần đầu tiên xuất hiện vào ngày 12/6 năm nay. Cả MoD và NATO đều tuyên bố chúng được vận chuyển qua biên giới của Nga. NATO sau đó còn công bố các bức ảnh vệ tinh vào ngày 14/6 cho thấy những chiếc MBT tại một cơ sở của Nga ở Rostov-na-Donu có vẻ đang sẵn sàng để được chuyển tới Ukraine.
T-64B là cấu hình sản xuất cuối cùng của dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-64, bao gồm khung thân và tháp pháo bọc giáp mới. Phiên bản T-64BV được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA), trang bị một pháo nòng trơn 2A26M2 125mm, được điều khiển bằng hệ thống kiểm soát hỏa lực tích hợp, kíp xe gồm 3 người với trọng lượng chiến đấu 42,5 tấn. Bề ngoài T-64 có vẻ tương tự xe tăng T-72 (đặc biệt là khi được lắp giáp ERA), tuy nhiên, vẫn có một số điểm khác biệt như vị trí đèn hồng ngoại (bên trái tháp pháo T-64, bên phải tháp pháo T-72), xích xe và ống xả.
Xe tăng T-64BV
Theo tạp chí Jane’s, hiện không rõ đã có bao nhiêu MBT nằm trong tay lực lượng ly khai, ít nhất 3 chiếc (trước khi một chiếc bị bắt giữ) đã được quan sát thấy, trong khi đó, các báo cáo chưa chính thức còn cho rằng số lượng thật sự có thể gấp đôi con số này.
Sự hiện diện của các MBT trong tay lực lượng ly khai rõ ràng là một sự tiến triển bất lợi đối với quân đội Ukraine, tuy nhiên, tính thiết thực của chúng có thể bị hạn chế. Trừ phi được sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang kết hợp, MBT rất dễ bị tổn thương bởi các hỏa lực trên không, các loại vũ khí chống tăng dẫn đường trang bị cho bộ binh (ATGW) và các MBT khác. Thêm vào đó, chúng đòi hỏi một dây chuyền cung cấp dịch vụ để duy trì khả năng chiến đấu và có vẻ như lực lượng ly khai không đủ khả năng đáp ứng đầy đủ yêu cầu này.
Ở thời điểm hiện tại, sự gia tăng của các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) và ATGW có vẻ là một vấn đề lớn, các trực thăng và xe thiết giáp của Ukraine đã phải chịu nhiều tổn thất lớn, mặc dù đã có một thỏa thuận ngừng bắn gần đây.
Ukraine hiện là nhà vận hành lớn nhất các xe tăng T-64, vì vậy, cũng có khả năng nguồn cung cấp xe tăng T-64 cho lực lượng ly khai đến từ kho dự trữ của quân đội Ukraine bị chiếm giữ ở miền đông nước này hoặc ở Crimea (nơi một số lượng không rõ các xe tăng T-64 bị các lực lượng Nga thu giữ).
Nếu tuyên bố của Ukraine là đúng thì đây là một bằng chứng nữa cho thấy Nga đang trực tiếp hỗ trợ các hoạt động của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
Đã có nhiều dấu vết của Nga trong các trang bị của lực lượng ly khai như pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad, tên lửa chống tăng 9K111 Fagot, hệ thống phòng không vác vai Grom và một số các loại vũ khí nhỏ khác. Moscow liên tục phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, mặc dù trước đây, Nga đã từng đưa ra thông tin sai lạc về sự can thiệp của mình vào Ukraine.
Theo Jane's, dưới thời Xô Viết, việc sản xuất và thiết kế xe tăng được phân chia giữa Cục thiết kế Kharkiv Morozov, KMBD - hiện ở Ukraine) và Uralvagonzavod (ở Nga), trong đó KMBD phụ trách các loại xe tăng chiến đấu chủ lực như T-64 và T-80, còn Uralvagonzavod phụ trách xe tăng T-72, T-90 và một số loại khác. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga chỉ giữ lại các xe tăng chiến đấu chủ lực do Uralvagonzavod thiết kế và rút ra khỏi biên chế các xe tăng T-64.
Khoảng 2.000 xe tăng T-64 đã bị loại biên hoặc đưa vào kho dự trữ của Nga và hiện không rõ có bao nhiêu chiếc còn lại, trong tình trạng có thể hoạt động hay không. Được đánh giá là có thiết kế ưu việt hơn T-72, Liên Xô chưa từng xuất khẩu xe tăng T-64, hiện chỉ còn một số rất ít các nước trong khối Liên Xô cũ còn duy trì loại tăng chiến đấu chủ lực này. Ngoài Ukraine, Uzbekistan vẫn duy trì khoảng 100 chiếc T-64.
Hồi tháng 2 năm nay, tạp chí Army Recognition đưa tin công ty Ukroboronservice (Ukraine) đã ký hợp đồng cung cấp cho khách hàng nước ngoài giấu tên một số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực T-64. Danh tính quốc gia khách hàng không được tiết lộ. Theo tờ Lenta (Nga), quốc gia đặt mua xe tăng T-64 có thể là Cộng hòa Congo, tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin chính thức về thương vụ này.
Tạp chí Jane's cho rằng như vậy, nếu chiếc T-64BV bị thu giữ không phải đến từ kho của Ukraine thì khả năng lớn đó chính là từ Nga.
Xe tăng T-64BV
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA