UAV Pakistan tự chế tạo là hàng "made in China"?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Sau khi Pakistan ra mắt một số mẫu máy bay không người lái, một số chuyên gia cho rằng chúng có nhiều điểm tương đồng với UAV Rainbow CH-3 của Trung Quốc.

Một bài viết trên tạp chí National Journal (Mỹ) cho hay Trung Quốc có thể đã bán cho Pakistan một số UAV vũ trang.

Theo National Journal, gần đây, Pakistan đã cho ra mắt một số máy bay không người lái và đã có một số ý kiến cho rằng chúng bắt nguồn từ các UAV Trung Quốc.

“Pakistan đã có được máy bay không người lái điều khiển từ xa. Islamabad sử dụng UAV trinh sát nhằm cung cấp cho quân đội những hình ảnh thực tế về những khu vực biên giới phức tạp hoặc về những chiến dịch chống khủng bố. Pakistan đã cho ra mắt hai UAV mới trong tháng 11 năm ngoái, đó là chiếc Burraq và Shahpar” - Trích bài viết trên tạp chí National Journal.

Bài viết của National Journal cho hay Pakistan tuyên bố cả hai UAV trên đều được chế tạo trong nước và đều không được trang bị vũ khí. Tuy nhiên, trích lời các nhà phân tích quân sự, bài báo cũng chỉ ra rằng những UAV đó mang hình dáng giống hệt chiếc Rainbow CH-3 của Trung Quốc. Rainbow CH-3 có khả năng phóng tên lửa.

Mô hình máy bay không người lái Rainbow CH-3 của Trung Quốc (Ảnh: Chinese Military Review)
Mô hình máy bay không người lái Rainbow CH-3 của Trung Quốc (Ảnh: Chinese Military Review)

Mong muốn sở hữu UAV của Pakistan từ lâu đã không còn là bí mật. Trên thực tế, nhiều năm qua, qước này đã thúc giục Mỹ bán UAV vũ trang cho mình nhưng Washington từ chối. Nước Mỹ kiểm soát rất chặt chẽ việc xuất khẩu UAV vũ trang ra nước ngoài. Theo bài viết của National Journal, hiện chỉ có Anh là quốc gia mua được các UAV vũ trang từ Mỹ, trong tương lai, các đồng minh thân cận khác của Mỹ gồm Pháp và Italia có thể cũng sẽ sớm sử dụng các UAV của Mỹ.

Israel cũng sở hữu các UAV vũ trang nhưng nhiều khả năng sẽ không bán cho Pakistan một phần vì sự phản đối của Mỹ và thực tế rằng Pakistan là một quốc gia hồi giáo có quan hệ với một số đối thủ của Israel trong vùng vịnh Ba Tư và khu vực Trung Đông.

Nhu cầu sở hữu UAV của Pakistan khá rõ ràng. Quân đội nước này sẽ sử dụng UAV vũ trang để tấn công các phần tử khủng bố hoạt động ở khu vực miền Tây Pakistan. Trước đây cũng có thông báo rộng rãi về việc Mỹ đã nhiều lần hỗ trợ Pakistan bằng cách sử dụng UAV của mình tiêu diệt các mục tiêu theo chỉ thị của quân đội Pakistan.

Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) nhận định việc sở hữu UAV vũ trang sẽ cho phép Pakistan tăng cường nỗ lực này.

Theo Diplomat, không hẳn là Trung Quốc không sẵn lòng bán cho Pakistan các UAV vũ trang. Trong một bài viết hồi tháng 4 của Diplomat đề cập rằng Trung Quốc được kỳ vọng sẽ là nhà sản xuất UAV lớn nhất giới trong vòng 5 năm tới đây. Mặc dù hầu hết số UAV đó sẽ được trang bị trong nước nhưng Bắc Kinh cũng đã thể hiện rõ mong muốn sử dụng thị trường UAV ngày càng lớn của mình để tăng cường xuất khẩu quốc phòng. Hồi đầu tháng này, có tin Trung Quốc đã xuất khẩu UAV cho Saudi Arabia.

Thêm nữa, mối quan hệ giữa Trung Quốc với Pakistan gần gũi hơn so với Saudi Arabia. Điều này đặc biệt đúng khi đề cập đến việc mua bán vũ khí. Theo ước tính, Pakistan đã chiếm 55% tổng lượng xuất khẩu quốc phòng của Trung Quốc trong giai đoạn 2008-2012. Các thương vụ trên bao gồm những máy bay tiên tiến. Một trong số những dự án quốc phòng lớn nhất giữa Trung Quốc và Pakistan là việc liên doanh phát triển tiêm kích đa năng FC-1 Xiaolong/JF-17 Thunder, sản phẩm mà Islamabad hi vọng sẽ bắt đầu xuất khẩu trong đầu năm nay.

Căn cứ vào những nhận định trên, tạp chí Diplomat kết luận rằng tuy rằng thông tin trên chưa được xác nhận, nhưng sẽ là điều bất ngờ nếu như Trung Quốc không bán cho Pakistan các UAV vũ trang của mình trong những năm tới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại