Vì sao Nhật Bản muốn tăng cường phòng thủ chung với Đông Nam Á?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - "Có nguy cơ về việc những tay súng vũ trang giả dạng là ngư dân và đổ bộ lên các đảo xa của Nhật Bản...”, Thủ tướng Nhật nói.

Tờ Asahi (Nhật Bản) cho hay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không chỉ đích danh Trung Quốc khi giải thích về kế hoạch sửa đổi Hiến pháp để cho phép nước này có quyền tham gia các khối phòng thủ chung. Tuy nhiên, một phần lớn những mối nguy cơ dẫn đến sự thay đổi trên là có liên quan đến tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo hôm 15/5, ông Abe cho biết: “Chúng ta cần có khung pháp lý trong nước để tạo điều kiện cho những phản ứng chung. Trong tình hình thế giới hiện nay, một quốc gia riêng rẽ không thể tự bảo vệ mình nữa”.

Trung Quốc cũng ngầm được nhắc đến khi ông Abe đề cập đến những tình huống "tranh tối tranh sáng", mà hiện không có khung pháp lý rõ ràng liên quan đến việc triển khai quân đội, như việc các tàu nước ngoài thường xuyên xâm phạm lãnh hải Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông.

“Có nguy cơ về việc những tay súng vũ trang giả dạng là ngư dân và đổ bộ lên các đảo xa của Nhật Bản. Chúng ta sẽ có những phản ứng quyết liệt hơn đối với những tình huống như vậy”, ông Abe nói.

Tàu ngầm Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động tầm xa. Ảnh minh họa.

Tàu ngầm Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động tầm xa. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Ủy ban cố vấn cải cách tư pháp về an ninh có đề cập trực tiếp đến ngân sách của Trung Quốc: “Ngân sách này đã tăng 4 lần trong thập niên qua, và hiện nay tương đương 118 tỷ USD, gần gấp 3 lần của Nhật Bản”. Cũng cùng ủy ban này, trong báo cáo năm 2008, không hề đề cập đến Trung Quốc.

Ủy ban cũng kêu gọi việc xem xét những biện pháp đối phó với tình huống tàu ngầm nước ngoài xâm phạm hải phận Nhật Bản và từ chối rời đi khi bị phát hiện. Đây rõ ràng là sự ám chỉ việc các tàu ngầm Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động tuần tra tầm xa. Chính phủ Nhật dự định sửa đổi các luật để mở rộng quyền của quân đội Nhật được sử dụng vũ lực trong những trường hợp như vậy. Những thay đổi khác cũng dường như là để nhắm đến Trung Quốc.

Chính phủ Nhật xem bản hiến pháp hòa bình hiện nay ngăn cấm nước này quyền thực hiện tự vệ tập thể. Trong cuộc họp báo ngày 15/5, Thủ tướng Abe có nhắc đến khái niệm “hòa bình chủ động”, chính sách đối ngoại trọng tâm của ông này. Theo đó Nhật cần hợp tác với cộng đồng quốc tế thông qua các biện pháp phòng thủ chung.

Cùng với những cuộc thảo luận trong nội bộ liên minh cầm quyền về những thay đổi trong hiến pháp, ông Abe cũng đang xem xét mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Nhật trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc thay vì chỉ gồm hoạt động hậu cần như hiện nay, cũng như giảm bớt các hạn chế về việc sử dụng vũ lực của lực lượng Nhật tham gia chiến dịch này.

Một số quan chức cấp cao còn nhắc đến khả năng mở rộng phạm vi phòng thủ chung, không chỉ bao gồm Mỹ mà còn gồm những nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Theo các quan chức này, việc tăng cường hợp tác quân sự với những quốc gia trên có thể là một cách để kiềm chế Trung Quốc.

Ông Abe nhấn mạnh rằng sự thay đổi này không đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ trở thành một nước muốn gây chiến. Tuy vậy, đẩy mạnh hợp tác quân sự cũng đồng nghĩa với việc Nhật đang cho Trung Quốc lí do để tiếp tục tăng đầu tư vào quốc phòng. Và Nhật cũng có thể bị kéo vào những xung đột, tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Một vấn đề nữa là việc chính quyền ông Abe vẫn chưa có đối sách ngoại giao nào để làm giảm căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt là sau vụ tranh chấp quần đảo Senkaku và chuyến thăm đền Yasukuni của ông Abe, nơi đang thờ 14 tội phạm chiến tranh của Nhật.

Vào đầu tháng 5, một nhóm nghị sĩ đa đảng phái có chuyến thăm Trung Quốc. Sau những cuộc gặp cấp cao, nhóm nghị sĩ này cho biết phía Trung Quốc sẵn sàng đối thoại, nhưng không phải với chính quyền ông Abe.

Bên cạnh đó, cũng có dấu hiệu Mỹ không hẳn đã hoàn toàn đồng ý với chính sách mới của Nhật. Bộ Quốc phòng Mỹ ra một tuyên bố ngày 15/5 ủng hộ bước đi này của Nhật. Tổng thống Obama trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 4 cũng tỏ thái độ tương tự. Nhưng mặt khác, ông Obama tuyên bố: “Trung Quốc là một quốc gia rất quan trọng, không chỉ với khu vực, mà còn với cả thế giới. Đề cập về tranh chấp quần đảo Senkaku, ông Obama phát biểu: “Tiếp tục để căng thẳng leo thang thay vì đối thoại và xây dựng lòng tin là một sai lầm nghiêm trọng.”

Mặc dù thủ tướng Abe thường xuyên nhấn mạnh rằng khả năng đàm phán với Trung Quốc luôn được để ngỏ, nhiều người tỏ ý nghi ngờ động cơ thực sự đằng sau ý tưởng phòng thủ chung, khi xét đến lập trường của ông Abe về những vấn đề lịch sử và chuyến thăm đền Yasukuni. “Nhiều khả năng là chính sách về phòng thủ chung sẽ bị xem là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc dưới thời ông Abe”, một cựu quan chức cấp cao Nhật Bản cho biết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại