Tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia quân sự Đài Loan Erich Shih cho rằng Mỹ có thể sẽ rút lực lượng của mình từ chuỗi đảo thứ nhất ở Thái Bình Dương (kéo dài từ Alaska tới Philippines) về chuỗi đảo thứ hai ở trung tâm Thái Bình Dương khi Trung Quốc tăng cường khả năng triển khai lực lượng.
Trước đó, Thiếu tướng đã nghỉ hưu của Trung Quốc Xu Guangyu phát biểu trên Đài truyền hình trung ương nước này rằng, các biến thể khác nhau của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21 có thể đã được biên chế cho các đơn vị của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, điều này sẽ thúc đẩy Mỹ rút lui lực lượng của mình cách xa bờ biển Trung Quốc. Những tên lửa này được cho là có tầm bắn có thể tấn công các cơ sở quân sự và tàu chiến của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bức ảnh được cho là tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D đang thử nghiệm.
Theo Xu, nhằm tránh khỏi những thiệt hại không đáng có trước các tên lửa đạn đạo và khả năng của lực lượng hải quân viễn dương Trung Quốc, giải pháp khôn ngoan là Mỹ rút quân khỏi chuỗi đảo thứ nhất (kéo dài từ Alaska tới Philippines) về Guam.
Chuyên Shih đồng tình với vị tướng của Trung Quốc rằng sớm hay muộn Mỹ sẽ phải từ bỏ vị trí của mình trong chuỗi đảo thứ nhất, mặc dù theo Shih, Washington sẽ không dễ từ bỏ các căn cứ của mình ở Nhật Bản.
Tiêm kích F-16 tại căn cứ không quân Misawa.
Shih cho rằng căn cứ không quân Misawa, căn cứ hải quân Yokosuka và căn cứ không quân hải quân Atsugi có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo Shih, Mỹ đang xúc tiến chương trình Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối với Nhật Bản và Hàn Quốc. Washington cần sự trợ giúp từ Nhật Bản để bảo vệ lực lượng của mình trong chuỗi đảo thứ hai trước sự bành trướng tiềm tàng của Trung Quốc. Đây là lý do tại sao Nhật Bản lại trở nên quan trọng như vậy trong chiến lược của Mỹ.