Từ 2 điểm yếu này: Quân đội TQ có phải "hổ giấy" hay không?

Nhật Minh |

Quân đội Trung Quốc (PLA) trong năm 2016 đã trở thành lực lượng chiến đấu đáng gờm hơn rất nhiều so với trước đây, song không có nghĩa họ "bất khả chiến bại".

Theo nhà phân tích Richard A. Bitzinger (Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore), trong 15-20 năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực hiện đại hóa và nâng cấp quân đội.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong năm 2016 đã trở thành lực lượng chiến đấu đáng gờm hơn rất nhiều so với năm 1996.

Nỗ lực trong nhiều thập kỷ, được hỗ trợ bởi nguồn ngân sách quốc phòng mở rộng nhanh chóng, đã tạo ra một lực lượng mới ngày càng gia tăng khả năng triển khai sức mạnh trên chiến trường hiện đại, đặc biệt là trên biển, trong không gian vũ trụ và không gian mạng.

Tuy nhiên, điều này không làm cho PLA trở nên “bất khả chiến bại” và cũng không có nghĩa PLA đã trở thành lực lượng thế kỷ 21.

Vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu trong cỗ máy chiến tranh của PLA.


Động cơ WS-10 Taihang.

Động cơ WS-10 Taihang.

Trên thực tế, một số điểm yếu trong số này đã lộ rõ. Trung Quốc đã phải vật lộn trong nhiều thập kỷ để phát triển động cơ máy bay sao cho tương đương với các sản phẩm của Nga hoặc phương Tây.

WS-10, loại động cơ “tốt nhất” của Trung Quốc hiện nay, được phát triển từ những năm 1980 nhưng vẫn gây thất vọng. Nó không đủ mạnh và có vẻ chỉ hoạt động được 30 giờ đồng hồ trước khi cần thay thế.

Do đó, hầu hết các máy bay hiện đại của Không quân Trung Quốc (PLAAF) đều dùng động cơ do nước ngoài cung cấp, chủ yếu là Nga hoặc Ukraine.

Vấn đề về động cơ

Các vấn đề với động cơ phản ứng đã góp phần vào thất bại trong những lĩnh vực khác của ngành công nghiệp phát triển vũ khí Trung Quốc.

Chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5 J-20 và J-31, được tung hô là ngang ngửa với F-22 và F-35 của Mỹ, đang gặp khó khăn vì thiếu động cơ đủ mạnh để cho phép chúng đạt tới tốc độ siêu thanh mà không cần buồng đốt sau.

Điều đó làm giảm một trong những lợi thế chủ đạo của các máy bay loại này, đó là khả năng tàng hình.

Trên thực thế, một số nhà phân tích phương Tây đã “dội nước lạnh” vào cái mác “thế hệ 5” của J-20 và J-31. Chuyên gia hàng không vũ trụ Richard Aboulafia đã liệt kê 10 tính năng cần thiết của chiến đấu cơ thế hệ 5 và kết luận rằng J-20 chỉ có được 2 tính năng trong số đó.

Ngoài ra, cho đến nay, PLAAF dường như vẫn không có kế hoạch mua J-31 – có lẽ đây là một dấu hiệu cho thấy khả năng và chất lượng của mẫu máy bay này.

Tiêm kích tàng hình J-31.
Tiêm kích tàng hình J-31.

Trong khi đó, J-15, mẫu tiêm kích hạm “cây nhà lá vườn” của Trung Quốc là phiên bản sao chép mẫu tiêm kích Su-33 của Nga theo kỹ thuật đảo ngược.

Do phải mang theo quá nhiều nhiên liệu nên nó không có khả năng mang nhiều vũ khí hay hoạt động trên tàu sân bay trong thời gian dài.

J-15 thực hành cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh

Thực hư "sát thủ tàu sân bay"

Vẫn còn nhiều nghi ngờ xung tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) DF-21D, một trong những hệ thống vũ khí mới, được ca tụng của Trung Quốc.

Nói khách quan thì DF-21D là thứ vũ khí độc đáo mà hiện nay các quân đội khác không có. Tuy nhiên, nó chưa chắc đã là thứ vũ khí hoàn hảo để “thay đổi cuộc chơi”.


Tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D.

Tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D.

Loại tên lửa này đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng chỉ huy và trinh sát tinh vi hỗ trợ, đặc biệt là đối với các mục tiêu ngoài đường chân trời và nó có lẽ chỉ thích hợp trong một cuộc tấn công dồn dập.

Bên cạnh đó, hệ thống này chưa từng được thử nghiệm thực tế và có vẻ dễ bị tác động bởi các biện pháp đối phó như gây nhiễu.

Không nên xem nhẹ

Tất cả những phân tích này không có ý nói quân đội Trung Quốc vẫn chỉ là hổ giấy, hay chúng ta không cần thiết phải sợ hãi trước một quốc gia đang tăng cường sử dụng lực lượng quân sự hoặc năng lực răn đe bằng quân sự để đạt được lợi ích.

Bằng chứng là Trung Quốc đang ngày càng hiếu chiến và có nhiều động thái gây mất ổn định tại Biển Đông.

Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự và chắc chắn nước này sẽ muốn mạnh thêm nữa (chẳng hạn như mở rộng khả năng tác chiến thông tin).

Trong 1/4 thế kỷ qua, phương Tây đánh giá rằng PLA đã từ đội quân ô hợp “không thể bắn thẳng” trong những năm 1990 trở thành “mối đe dọa lớn” từ giữa những năm 2000.

Điều này không hẳn là Trung Quốc đã đạt được năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) thực sự ở tây Thái Bình Dương và có thể biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ.

Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang tăng cường quân đội và đặc biệt là Mỹ luôn nỗ lực để duy trì sự cân bằng trước sức mạnh quân sự đang gia tăng của Bắc Kinh.

Nhìn chung, khoảng cách về năng lực quân sự giữa Trung Quốc và các đối thủ của họ vẫn còn khá lớn, song điều đó không giúp đảm bảo hòa bình và sự ổn định trong khu vực.

Môi trường chiến đấu luôn không ngừng thay đổi và có lẽ cần phải thận trọng đánh giá sức mạnh của như điểm yếu của quân đội Trung Quốc.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Richard A. Bitzinger.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại