Vào ngày 6/6 vừa qua, một đoạn clip đã được các nhà KH Mỹ công bố liên quan tới công nghệ điều khiển UAV bằng ý nghĩ. Theo đó, một nhóm kỹ sư y - sinh thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) đã nghiên cứu và tìm ra cách khiến một chiếc UAV điều khiển từ xa vượt qua các vòng chướng ngại vật đơn giản chỉ bằng suy nghĩ về những động tác tay khác nhau.
Truyền hình TW TQ đã phát đi đoạn clip với lời bình, trong thí nghiệm trên, người nắm quyền điều khiển chiếc trực thăng 4 cánh quạt sẽ đội một mũ cảm biến điện não đồ có gắn 64 điện cực (cầu nối thông tin) trong việc thu nhận tín hiệu mệnh lệnh của người điều khiển được chuyển đến một chiếc máy tính, rồi các mệnh lệnh gửi tới chiếc trực thăng qua hệ thống wi-fi.
Suốt nhiều thập niên qua, giới khoa học đã nỗ lực phát triển các phương pháp kết nối bộ não với máy tính, với hy vọng giúp con người thao túng được các vật thể mà không cần dùng tay. Và Mỹ được xem là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này.
Trong thời gian qua, Mỹ được cho là quốc gia có nhiều thành tích ấn tượng đối với việc phát triển công nghệ điều khiển bằng ý nghĩ, tuy nhiên truyền thông TQ lại không tin vào điều này.
Nhiều trang tin điện tử của TQ như CNJ, chinamil,... tin rằng nước này đã đạt được nhiều thành tựu sớm hơn Mỹ trong việc nghiên cứu, phát triển công nghệ này.
Bằng chứng được đưa ra là vào tháng 9/2012, các nhà khoa học TQ đã đưa ra một hệ thống cho phép người dùng điều khiển máy bay không người lái (UAV) bằng suy nghĩ của họ.
Theo đó, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Chiết Giang đã thành công trong việc thiết kế một tai nghe tiêu chuẩn EEG (máy đo điện não đồ) có kết nối Bluetooth với máy tính xách tay, cộng thêm một máy bay không người lái 4 cánh quạt Parrot AR kết nối với máy tính.
Ngoài việc di chuyển, người dùng cũng có thể “nghĩ” để điều khiển UAV chụp ảnh, nhìn vật thể ở cự ly gần hơn hoặc chiến đấu chống lại một UAV khác.
Thông qua việc dựa vào bằng chứng trên, báo chí TQ tin rằng công nghệ điều khiển thiết bị bay bằng ý nghĩ của mình đã hoàn thành sớm hơn các sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Dự đoán trên của truyền thông TQ cũng có cái lý của họ, thế nhưng cũng cần phải nhớ rằng công nghệ dùng ý nghĩ điều khiển đồ vật đã có từ hàng chục năm trước và các nhà khoa học phương Tây cũng như Mỹ mới là những người đặt những viên gạch đầu tiên cho công nghệ của kỷ nguyên mới này của nhân loại.