Ngày 11/5, Trung Quốc tuyên bố đã chính thức thành lập đơn vị không quân đầu tiên cho tàu sân bay. Đáng chú ý, thông tin được phát đi đúng thời điểm Ấn Độ cũng cho biết chính thức đưa MiG-29K vào phiên chế cho hải quân nước này.
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cho biết đơn vị không quân này được thành lập tại tỉnh Liêu Ninh. Báo này cho biết đơn vị này là nòng cốt của tàu sân bay Liêu Ninh và sự kiện này là nền tảng cho việc hiện đại hóa hải quân Trung Quốc.
Các phi công của đơn vị không quân hải quân mới thành lập được lựa chọn từ lực lượng không quân Trung Quốc. Tất cả số phi công này đều đã bay với 5 loại máy bay khác nhau và có kinh nghiệm trên 1.000 giờ bay.
Ông Liu Changhong, chỉ huy bay thử nghiệm của hải quân Trung Quốc cho biết: “Rất khó khăn và nguy hiểm đối với các máy bay trang bị cho tàu sân bay trong việc hạ cánh trên một khu vực hạn chế và trong điều kiện tàu sân bay đang di chuyển với môi trường biển phức tạp. Chính vì vậy, các ứng viên đã phải trải qua một quá trình tuyển chọn hết sức khắt khe”. Ông Liu cũng cho biết thêm các phi công đã được huấn luyện về hàng hải, luật biển và khí tượng học.
Nhân dân Nhật báo dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc thành lập đơn vị không quân đầy đủ cũng có nghĩa là tàu sân bay (Liêu Ninh) hiện đã sẵn sàng đạt tới khả năng hoạt động đầy đủ. Điều này cũng giúp tàu sân bay tiến một bước gần hơn để trở thành lực lượng chiến đấu thực sự của hải quân.
Hồi tháng 11/2012, Trung Quốc tuyên bố đã thành công trong việc cho máy bay J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Đây là loại tiêm kích hạm đầu tiên của Trung Quốc mà theo giới phân tích là sao chép trái phép từ mẫu Su-33 của Nga. Trên thực tế, J-15 vẫn gặp nhiều trục trặc trong quá trình hoạt động.