THAAD không phải là vấn đề với Triều Tiên
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh ý tưởng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối là một vấn đề khu vực, chứ không chỉ đơn thuần là mối đe dọa trực tiếp đối với Bình Nhưỡng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh: "Điều Mỹ tìm kiếm trong hoạt động triển khai này là nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi để kiềm chế Trung Quốc và Nga- hai đối thủ chiến lược của Washington- theo đuổi chiến lược thống trị thế giới.”
Theo nguồn tin này, việc triển khai THAAD sẽ “thiết lập một cơ cấu Chiến tranh Lạnh mới ở Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên sẽ một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ trở thành chiến trường của các cường quốc.”
Trước khi Triều Tiên phản ứng, Nga và Trung Quốc cũng lên tiếng kế hoạch này của Mỹ. Interfax dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết:
"Sự kiện Mỹ triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tình hình chiến lược trong khu vực, kích động cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á, tạo ra những biến chứng bổ sung cho giải pháp của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Trong nghĩa rộng hơn, điều này chắc chắn tác động xấu cho sự ổn định chiến lược toàn cầu đang tiếp tục bị Mỹ đơn phương làm suy yếu bằng lá chắn tên lửa, cũng như các quá trình kiểm soát vũ khí", ông Sergei Lavrov cho biết.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc – Khâu Quốc Hồng cũng cho rằng chính Bắc Kinh chứ không phải một nước nào khác là mục đích của kế hoạch này. Theo ông Hồng: "Việc làm này có thể làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul".
Việc Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định kế hoạch triển khai THAAD tại Hàn Quốc là nhằm đối phó với Nga và Trung Quốc cho thấy, Bình Nhưỡng ngầm cho rằng hệ thống này vô hại với nước mình.
Bởi theo phân tích của các chuyên gia, THAAD sẽ không có cách nào để đối phó với đòn tấn công bằng tên lửa KN-02 từ Bình Nhưỡng.
Những tên lửa này có thể đạt tốc độ tối đa trong 3-4 phút và khởi động lại trong khoảng 15 phút, vì vậy rất khó bị phát hiện bằng radar.
Theo vị chuyên gia này, KN-02 là tên lửa được cải tiến từ 9K79 Tochka (SS-21 Scarab) có khả năng mang đầu đạn thông thường, hoá học và hạt nhân.
Khác với hầu hết các tên lửa đạn đạo khác, tên lửa KN-02 sử dụng nhiên liệu rắn, do đó tiết kiệm thời gian bắn và khởi động lại. KN-02 có thể đạt tầm bắn tối đa tới 170 km.
Đạn tên lửa KN-02 có chiều dài 6,4m, đường kính thân 0,65m và trọng lượng phóng hơn 2 tấn. Nó có khả năng lắp đầu đạn thuốc nổ thường nặng 485kg.
Vì tên lửa KN-02 mà hồi tháng 10/2013, Hàn Quốc đã tuyên bố không gia nhập Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực do Mỹ đứng đầu.
Theo đó, Hàn Quốc sẽ nâng cấp các loại tên lửa đánh chặn hiện có, đồng thời sẽ nghiên cứu, chế tạo một loại tên lửa đất đối không thế hệ mới, xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa.
Lý giải điều này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc và Mỹ hoàn toàn khác nhau.
Hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc đối phó với các loại tên lửa đạn đạo từ tầm trung trở xuống của Triều Tiên, còn hệ thống phòng thủ của Mỹ nhắm tới các loại tên lửa có thể vươn tới Mỹ.
Ông Đỗ Văn Long nhấn mạnh, loại tên lửa đối đất tầm ngắn KN-02 của Triều Tiên có tầm phóng trên 150km, vì vậy quỹ đạo phóng của nó rất thấp.
Chính loại tên lửa này chứ không phải các loại tên lửa có tầm bắn xa hơn, đã trở thành sự uy hiếp khủng khiếp đối với thủ đô Seoul của Hàn Quốc, chỉ cách vĩ tuyến 38 (ranh giới 2 nước) khoảng trên dưới 50km.
Các loại tên lửa đánh chặn hiện có của Hàn Quốc như Patriot-2 và Patriot-3 có thể đánh chặn được các loại tên lửa dòng Scud có tầm bắn 500-700km hoặc các tên lửa tầm trung như Musudan, nhưng không có cách nào đánh chặn được tên lửa có quỹ đạo bay thấp như KN-02.
Trung Quốc thề đáp trả
Từ kết quả phân tích nói trên cho thấy, mục tiêu cần đối phó khi hệ thống THAAD đến Hàn Quốc gần như chắc chắn không phải là Triều Tiên và đây chính là điều khiến Trung Quốc lo ngại nhất.
Ngày 30/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay, Trung Quốc có lập trường nhất quán, rõ ràng trong vấn đề phòng thủ tên lửa.
Bất kỳ nước nào khi tìm kiếm an ninh của mình đều cần cân nhắc lợi ích an ninh của các nước khác và hòa bình, ổn định khu vực. Tình hình bán đảo hiện nay rất nhạy cảm, hy vọng các nước liên quan xử lý thận trọng vấn đề liên quan.
The Korea Times ngày 28/1 đưa tin, Trung Quốc thậm chí đe dọa, nếu Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc thì Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp kinh tế để trả đũa.
Ngoài ra, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc hồi cuối năm 2015 dẫn lời một quan chức cấp cao của Trung Quốc là Teng Jianqun cảnh báo Bắc Kinh có thể gia tăng các đầu đạn hạt nhân trong trường hợp Hệ thống phòng thủ tên lửa bay cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc.
Ông này cho rằng vấn đề triển khai THAAD tại Hàn Quốc đã trở thành “một lựa chọn khó khăn” cho Seoul trong việc cân bằng quan hệ song phương với Washington và Bắc Kinh.
Trong bài viết đăng trên trang của Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc gần đây, Teng viết: “Việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc sẽ là phép thử đối với các mối quan hệ giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, thậm chí là Nga”.
Teng cảnh báo: “Đây không đơn thuần là một dự án quân sự vì lợi ích của Hàn Quốc và an ninh của Mỹ.
Nếu cần thiết, Trung Quốc sẽ có một số biện pháp mạnh mẽ để chống lại sức mạnh của chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ, bao gồm cả việc nâng cấp và tăng số lượng đầu đạn hạt nhân và thông thường của mình”.
Trung Quốc đã nhiều lần công khai phản đối việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên việc sử dụng sức ép từ vũ khí hạt nhân được nêu lên.
Video cách hệ thống THAAD đánh chặn mục tiêu: