Nếu như nói rằng, từ động thái của Mỹ trong thời gian qua, đặc biệt là tuyên bố, hành động thị sát Biển Đông của vị Tư lệnh Hạm đội TBD của Mỹ đã được Trung Quốc đáp trả bằng cuộc diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông là khập khiễng, thiếu căn cứ.
Khu vực tập trận của Trung Quốc trên Biển Đông cũng có thể là vùng nhận dạng phòng không thứ nhất?
Mỹ “tuần tra” Biển Đông bởi máy bay, tàu chiến, thậm chí đưa cả máy bay B-52 sang diễn tập…theo logic chính là cảnh cáo và dằn mặt Trung Quốc trước những tuyên bố phi lý và phi pháp về chủ quyền toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc.
Do vậy, về nguyên tắc thì Trung Quốc phải hành động để đáp trả tương xứng, cụ thể là phải tấn công, xua đuổi lực lượng này của Mỹ và đồng minh ra khỏi Biển Đông tức là phải đưa những lực lượng này của đối phương vào nội dung bài tập (mục tiêu giả định).
Thế nhưng, cuộc diễn tập hùng hậu vừa qua của Trung Quốc trên khu vực Đông Nam đảo Hải Nam và Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chỉ là một cuộc diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo.
Đây là một cuộc tập trận lớn theo phương thức tấn công đổ bộ đánh chiếm đảo hiện đại, kiểu 3 chiều thẳng đứng (lập thể) với tất cả những phương tiện đổ bộ hiện đại nhất mà Hải quân Trung Quốc hiện có.
Câu hỏi đặt ra là hành động “tuần tra” của Mỹ nhằm mục đích là chiếm đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông hay sao mà Trung Quốc phản ứng bằng tập trận đánh chiếm (lại) đảo?
Hay Trung Quốc lợi dụng việc tuần tra của Mỹ để tập trận “nâng cao yêu cầu tác chiến, kiểm tra vũ khí trang bị” nhằm phục vụ mưu đồ đánh chiếm đảo Trường Sa của Việt Nam?
Chúng ta chưa quên, ngay khi trên biển Hoa Đông có sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giới quan sát vẫn chứng kiến diễn ra các cuộc tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo của PLAN trên biển Hoa Đông.
Vậy phải chăng mục tiêu giả định là quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trong khi không có quân đội Nhật Bản đồn trú trên đó?
Không phải vậy, Trung Quốc dù có là “hổ thật” chứ không phải “hổ giấy” đi nữa thì điều đó cũng không thể xảy ra vì Mỹ tuyên bố quần đảo này thuộc phạm vi tác chiến của Liên minh quân sự Mỹ - Nhật.
Vì thế, mục tiêu tập trận giả định của Trung Quốc lúc đó vẫn là các đảo trên Biển Đông chứ không phải Senkaku.
Rõ ràng là, tập trận “đổ bộ đánh chiếm đảo” có vẻ như là một bài tập “gối đầu giường” của PLAN, nó biểu hiện một âm mưu nung nấu là “đổ bộ đánh chiếm đảo trên Biển Đông” của giới quân sự Trung Quốc.
Vấn đề là nó xảy ra lúc nào thì còn phụ thuộc vào thời cơ và đặc biệt là sức mạnh của đối thủ.
Trung Quốc tập trận trên Biển Đông bắn đạn thật 10 ngày trong vùng biển chủ quyền Việt Nam, đe dọa tuyến hàng hải quốc tế quan trọng bậc nhất của thế giới là hành động ngang ngược, gây bất ổn anh ninh khu vực, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải, hàng không.
Như vậy, các vị Thượng nghị sỹ Mỹ dự đoán là Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ trên Biển Đông là có lý bởi vì, nếu như vậy thì Mỹ cũng sẽ đưa máy bay B-52 bay vào khu vực đó để “thách thức” Trung Quốc như đã từng làm?
Ai cũng biết, nếu Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông sẽ là một bước leo thang nguy hiểm cho an ninh khu vực. Điều này buộc các nước trong khu vực Biển Đông phải lựa chọn khắc nghiệt để bảo vệ an ninh chủ quyền.
Chắc chắn ADIZ trên Biển Đông là một cái bẫy nguy hiểm cho bất cứ ai, kể cả Trung Quốc, mà nếu không tỉnh táo sẽ đều bị mắc bẫy.
Hơn ai hết, Việt Nam quá rõ hoạt động của Trung - Mỹ trên Biển Đông đâu là phần “diễn”, đâu là phần “thật”.
Việt Nam cũng sẵn sàng phát huy những “tương đồng” trong lợi ích chiến lược, lợi ích quốc gia, nhưng luôn “độc lập tự chủ” trong đối ngoại cũng như quốc phòng. Nhưng nguyên tắc nhất quán của Việt Nam là “càng căng thẳng (trên Biển Đông) Việt Nam càng độc lập tự chủ”.
Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bằng luật pháp quốc tế mới là nguyện vọng của Việt Nam.
Còn nếu như ai đó muốn giải quyết chuyện tranh chấp bằng biện pháp quân sự với Việt Nam thì họ đã có thừa thời gian, đã có thừa thông minh, đã có thừa bài học kinh nghiệm, để tính toán, chọn lựa cái giá đắt phải trả.
Không phải quốc gia nào nằm trong khu vực có cuộc chiến địa chính trị quyết liệt, hoặc trong khu vực có sự “cọ xát” lớn về lợi ích, quyền lợi giữa các cường quốc…cũng có một “nguyên tắc” độc đáo như vậy.
Tại sao chỉ có Việt Nam? Bởi vì Việt Nam có đủ khả năng, tự tin, trí tuệ và bản lĩnh để thực hiện, giữ vững nguyên tắc đó.