Tờ Want China Times (Đài Loan) đưa tin, Thời báo Hoàn Cầu ngày 14/4 có bài viết khẳng định vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) gây tranh cãi của Trung Quốc tại Hoa Đông là một động thái chiến lược quan trọng để tăng cường an ninh quốc gia và sự ổn định trong khu vực.
Quyết định thành lập một vùng ADIZ mới được Bắc Kinh tuyên bố tháng 11 năm ngoái và đã ngay lập tức bị cộng đồng quốc tế lên án. Có nhiều ý kiến cho rằng động thái này của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng với Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khi ADIZ của Trung Quốc bao trùm cả quần đảo này. Bắc Kinh tuyên bố tất cả các máy bay muốn đi vào ADIZ của Trung Quốc phải thông báo kế hoạch bay trước, đồng thời phải cung cấp tần số liên lạc vô tuyến cũng như phải mở máy điện đàm trong khi bay ngang khu vực này.
Trước những chỉ trích trên, thời báo Hoàn Cầu tuyên bố rằng mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định ở Hoa Đông không phải là ADIZ của Trung Quốc, thay vào đó là các căn cứ quân sự mà Mỹ đang thiết lập trên khắp khu vực, đặc biệt là những khu vực xung quanh Trung Quốc.
Theo Hoàn Cầu, quân đội Mỹ đang được triển khai ngay tại rìa không phận Trung Quốc và có thể sử dụng tên lửa hành trình dưới âm phóng từ trên không AGM-86 để tấn công trung tâm kinh tế của Trung Quốc, khu vực trải dài từ đông bắc tỉnh Hắc Long Giang tới tây nam tỉnh Vân Nam. Khu vực này chỉ chiếm 36% tổng diện tích đất đai của Trung Quốc nhưng chiếm tới 94% dân số nước này.
Ở Hoa Đông, Mỹ đã thiết lập các căn cứ xuyên suốt đông bắc Á và tại đảo Guam. Căn cứ không quân Kadena (Nhật Bản) là căn cứ lớn nhất của Mỹ ở đông bắc Á và hiện có 2 máy bay chiến đấu F-15, 1 tiêm kích F-22, một phi đội máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm và 8 máy bay tiếp dầu KC-135. Căn cứ này còn có tới 4 phi đội trinh sát tình báo.
Trong khi đó, các căn cứ của Mỹ tại đảo Guam là những căn cứ mạnh nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương. Căn cứ không quân Andersen hiện có lực lượng không kích mạnh mẽ nhất châu Á-Thái Bình Dương, với các loại máy bay chiến đấu tiên tiên nhất, bao gồm máy bay ném bom tầm xa B-52, máy bay ném bom tàng hình B-2, máy bay tiếp dầu KC-135, máy bay đa nhiệm F-15E, máy bay chiến đấu siêu cơ động F-22 cũng thường xuyên đóng tại đây. Căn cứ này dự trữ 64 tên lửa AGM-86, có khả năng tấn công các mục tiêu xuyên suốt toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, tại đây còn có một trung tâm hỗ trợ trinh sát tình báo thường xuyên tương tác với các máy bay do thám không người lái Global Hawk.
Lực lượng Tự vệ trên không Nhật Bản được trang bị hơn 300 máy bay chiến đấu, bao gồm các tiêm kích F-15 và F-2, chỉ cần 15 phút là có thể bay từ sân bay Naha ở Okinawa tới ranh giới ADIZ của Trung Quốc và 45 phút để bay tới bờ biển đông nam Trung Quốc.
Hoàn Cầu bảo vệ vùng ADIZ của Trung Quốc dựa trên cơ sở rằng đó là một chiến thuật đang được ngày càng nhiều quốc gia sử dụng để cải thiện vị trí phòng không.
Hoàn Cầu tuyên bố rằng từ rìa lãnh hải của Trung Quốc, tên lửa AGM-86 của Mỹ với tốc độ khoảng 900km/h có thể tấn công Thượng Hải trong chỉ 1,5 phút, Phúc Châu - thủ phủ tỉnh Phúc Kiến trong 5 phút, Hàng Châu - thủ phủ tỉnh Chiết giang trong 15 phút. Tuy nhiên, từ rìa của ADIZ, thời gian để AGM-86 vươn tới được Thượng Hải, Phúc Châu và Hàng Châu sẽ tăng lên, tương ứng là 40, 27 và 43 phút.
Tương tự như vậy, phương tiện bay không người lái siêu âm AQM-127 của Mỹ, với tốc độ 2.800km/h có thể tấn công Thượng Hải, Phúc Châu và Hàng Châu trong thời gian tương ứng là 0,5 phút, 2 phút và 5 phút. Tuy nhiên, với sự thiết lập ADIZ, quãng thời gian trên sẽ tăng lên tương ứng là 12, 9 và 14 phút.
Thêm vào đó, ADIZ cũng tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc giới hạn các hoạt động trinh sát trên không của Mỹ và Nhật. Hiện tại, các máy bay không người lái của Mỹ và Nhật Bản có thể tiến hành các nhiệm vụ trinh sát tới những khu vực xa xôi như các tỉnh phía đông Trung Quốc như An Huy và Giang Tây. Tuy nhiên, với ADIZ, bờ biển phía đông nam Trung Quốc sẽ không nằm trong tầm hoạt động của các máy bay này.
Hoàn Cầu cũng đổ lỗi cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khi chỉ trích gay gắt Trung Quốc về việc thiết lập ADIZ rằng "không có sự hợp tác, không tham khảo ý kiến" trong suốt chuyến thăm của ông tới Bắc Kinh hồi tuần trước. Hoàn Cầu cho rằng Nhật Bản trước đó đã mở rộng ADIZ tới 2 lần, kéo dài tới những vùng lân cận lãnh hải Đài Loan nhưng Mỹ chỉ đơn giản là giữ im lặng.
Khác xa với những "hiểu lầm" mà Chuck Hagel đã đưa ra, Hoàn Cầu kết luận, vùng ADIZ thực sự mang lại lợi ích trong việc duy trì và thúc đẩy lợi ích quốc gia của những nước ở Hoa Đông và cải thiện sự ổn định trong khu vực.
Video: Máy bay Trung Quốc tuần tra ADIZ