Những lá chắn cuối cùng của chiến hạm (II)

Dương Phạm (TH) |

(Soha.vn) - Hệ thống CIWS được coi là lớp phòng thủ cuối cùng của chiến hạm. Trong phần tiếp theo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các hệ thống CIWS của Nga và Đức.

Phần 1: Những lá chắn cuối cùng của chiến hạm

4. Pháo tự động AK-630M

Thông số cơ bản:

Trọng lượng: 1.800 kg

Loại đạn: 30x165 mm

Tốc độ bắn: 5.000 phát/phút

Sơ tốc đạn: 900 m/s

Tầm bắn hiệu quả: 4.000 m (Mục tiêu máy bay)

Góc xoay ngang: 3600 -Tốc độ 700/giây

Góc nâng hạ: -120/ 880 - Tốc độ 500/giây

Hệ thống pháo tự động 6 nòng 30mm AK-630M là sản phẩm của hãng Tulamashzavod (Nga), ra đời từ năm 1976. AK-630M được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay như tên lửa đối hạm, máy bay, và các loại phương tiện tấn công đường không khác cũng như tàu nổi có lượng giãn nước nhỏ, ngư lôi, các hỏa điểm và binh lực bờ biển của đối phương.

Pháo AO-18 của hệ thống có cơ cấu xoay với 6 nòng được làm mát liên tục, có thể bắn với tốc độ 5.000 phát/phút, vận tốc đầu nòng đạt 900 m/s có khả năng bắn rơi các tên lửa đang bay đến ở cự ly lên tới 4 km. Tháp pháo được điều khiển từ xa bởi radar kiểm soát hỏa lực MR-123 Turel và đài quan sát hỗ trợ. Pháo bắn được đạn nổ phá mảnh OF-84 hoặc đạn vạch đường phá mảnh OR-84, hộp tiếp đạn của pháo dạng băng tự động chứa được 2.000 viên đạn và khoảng 1.000 viên dự trữ trong một thùng chứa khác, một cơ cấu khóa nòng cơ khí dùng để nạp đạn và hất vỏ đạn sau khi bắn.

Hệ thống pháo tự động AK-630M được lắp đặt trên hầu hết các tàu chiến mặt nước của hải quân Nga, được xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam để trang bị cho các tàu tên lửa cỡ nhỏ Molniya, tàu hộ vệ tên lửa Gepard, tàu pháo tuần tra Svetlyak hay TT-400TP.

5. Pháo tự động AK-630M2 Duet

Tại triển lãm hàng hải quốc tế IMDS-2007, Tulamashzavod đã giới thiệu một bản nâng cấp của AK-630M có tên gọi AK-630M2 Duet với nhiều khác biệt về hình dáng đặc biệt là tháp pháo có cấu tạo góc cạnh thay vì tháp pháo tròn như thế hệ trước. Thiết kế này giúp tăng khả năng tàng hình trước radar đối phương, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị tấn công. Trọng lượng của hệ thống tăng thêm 700 kg so với phiên bản cũ lên 2.500kg. Tốc độ xoay ngang của pháo tăng lên 800/giây và góc nâng hạ cũng tăng lên -250/ 900, tốc độ 600/giây.

Trái tim của AK-630M2 Duet vẫn là 2 pháo ổ quay tự động 6 nòng AO-18 30mm, khoảng cách giữa trục của 2 khẩu pháo là 320 mm. Pháo có khả năng điều chỉnh tốc độ bắn từ 4.000 phát/phút lên tới 10.000 phát/phút, tầm bắn tối đa lên đến 8.100m, tầm bắn hiệu quả đối với các mục tiêu mặt đất, mặt nước và trên không là 4.000-5.000m. Đạn của AK-630M2 tương tự AK-630M gồm đạn nổ phá mảnh OF-84 và đạn vạch đường phá mảnh OR-84.

Duet sử dụng hệ thống kiểm soát bắn Vimpel-AM2 với radar MR-123AM2 và MR-176M2. Ngoài ra pháo còn được trang bị máy đo xa laser KM-11-1 và LDM-1 Cruiser. Trong thử nghiệm, AK-630M2 đã bắn rơi 1 bia bay mô phỏng tên lửa đối hạm bay ở độ cao 10m chỉ với 200 phát đạn, 1 hiệu suất đáng nể.

Hiện nay, hải quân Nga đã trang bị AK-630M2 Duet cho các tàu hộ vệ tên lửa tàng hình cỡ nhỏ dự án 21631 Buyan-M.

6. Hệ thống pháo/ tên lửa Kashtan

Thông số cơ bản:

Trọng lượng: 15.500 kg (12.500 kg - Kashtan-M)

Loại đạn: 30x165 mm (AO-18); Tên lửa: 9M311 Sosna-R

Tốc độ bắn: 10.000 phát/phút - Giãn cách giữa 2 lần phóng tên lửa: 3 giây

Sơ tốc đạn: 960 m/s; Tên lửa: 1.100 m/s

Tầm bắn hiệu quả: Pháo: 300-4.000 m; Tên lửa: 1.500-8.000 m, độ cao 3.500 m

Góc xoay ngang: 3600 -Tốc độ 700/giây

Góc nâng hạ: -250/ 900 - Tốc độ 500/giây

Hệ thống pháo-tên lửa phòng không kết hợp Kashtan ra mắt năm 1988, cung cấp khả năng tự vệ cho các tàu mặt nước chống lại máy bay, tên lửa đối hạm hoặc tên lửa chống radar cũng như tác chiến chống các mục tiêu nhỏ ven bờ và trên biển.

Hệ thống có kết cấu module gồm module chỉ huy và các module chiến đấu (từ 1 đến 6 tuỳ theo lượng giãn nước của tàu), trên các tàu lớn mỗi module chiến đấu có thể chứa tới 32 tên lửa phòng không. Module chỉ huy và điều khiển hỏa lực có khả năng phát hiện, nhận dạng, bắt bám và truyền dữ liệu cho các module chiến đấu. Module chiến đấu bao gồm một bệ pháo - tên lửa, hệ thống điều khiển hỏa lực bằng radar và thiết bị ngắm quang học, hệ thống máy tính và hệ thống phát điện. Hệ thống này tự động tiếp nhận thông số về mục tiêu, bám và tiêu diệt chúng bằng pháo hoặc tên lửa thông qua kênh radar hoặc quang truyền hình. Hệ thống Kashtan còn có thêm khoang chứa và máy nạp (chứa 32 tên lửa, mỗi bệ với 4 ống phóng kiêm container bảo quản, có thể tái nạp tên lửa trong vòng 1,5 phút).

Hệ thống Kashtan sử dụng tên lửa phòng không 2 tầng nhiên liệu rắn 9M311 Sosna-R với đầu đạn nổ mảnh tạo nên lớp phòng thủ thứ nhất. Bệ pháo phòng không gồm 2 pháo bắn nhanh 6 nòng AO-18KD có nhiệm vụ giải quyết nốt những mục tiêu mà tên lửa để lọt; pháo vận hành bằng khí nén, làm mát bằng nước với một hệ thống tiếp đạn đơn giản (dung tích 1.000 viên) và một hệ thống làm mát kiểu bay hơi tự động .

Kashtan có thể được lắp trên tàu có lượng giãn nước từ 400 tấn trở lên. Các tàu nhỏ được lắp một module Kashtan duy nhất còn các tàu lớn có thể lắp các module chiến đấu ở cả hai bên mạn tàu. Một module chỉ huy có thể điều khiển tới 6 module chiến đấu tạo ra hoả lực bảo vệ tin cậy cho tàu chiến chống lại đội hình gồm 3 đến 4 tên lửa đang bay tới.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, tàu tuần dương hạt nhân Kirov, tàu hộ vệ tên lửa Neustrashimy, tàu khu trục Sovremenny của Nga, tàu chiến lớp Talwar của Ấn Độ là những tàu đầu tiên ở châu Á được trang bị hệ thống này.

7. Hệ thống pháo/ tên lửa Palma

Hệ thống Palma có thể coi như một biến thể của hệ thống Kashtan, cũng được thiết kế để phòng vệ trước các cuộc tiến công đường không của đối phương. Nó có thể tiêu diệt tên lửa đối hạm, máy bay cũng như các mục tiêu cỡ nhỏ trên mặt nước và trên bờ.

Module tác chiến của hệ thống Palma có ký hiệu 3R-99E hoạt động hoàn toàn tự động, mỗi module tác chiến gồm 8 tên lửa Sosna-R lắp sẵn trong container kiêm ống phóng và 2 bệ pháo 6 nòng tự động cỡ 30mm AO-18KD (với 1.500 viên đạn) tương tự như hệ thống Kashtan, tuy nhiên pháo và tên lửa nhận lệnh từ hệ thống điều khiển hỏa lực quang điện đa kênh 3V-89 thay vì radar như hệ thống Kashtan. Hệ thống điều khiển hỏa lực quang điện 3V-89 bao gồm kênh truyền hình và ảnh nhiệt cùng máy đo xa và kênh điều khiển laser.

Mỗi module tác chiến 3R-99E có trọng lượng 6.900 kg và có thông số kỹ chiến thuật tương tự như module chiến đấu của hệ thống Kashtan. Hệ thống Palma được trang bị cho một số tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Molniya của Hải quân Nga và biến thể Palash của nó đã được trang bị cho các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam.

8. Hệ thống Millennium

Thông số cơ bản:

Trọng lượng: 3.750 kg

Loại đạn: 35x228 mm

Tốc độ bắn: 1.000 phát/phút

Sơ tốc đạn: 1.050-1.175 m/s

Tầm bắn hiệu quả: 3.500 m

Góc xoay ngang: 3600 -Tốc độ 1200/giây

Góc nâng hạ: -150/ 850 - Tốc độ 700/giây

Hệ thống Millennium của Rheinmetall (Đức) nằm giữa ranh giới của CIWS và pháo hải quân đơn thuần đi vào phục vụ từ năm 2003. Đây là hệ thống vũ khí tích hợp đa năng: phòng không/ chống tàu mặt nước với bộ não là hệ thống điều khiển hoả lực quang điện tử MSP 500 của STN Atlas, có thể thực hiện các chức năng điều khiển tác chiến phòng không chống tên lửa đối hạm, máy bay; chống tàu mặt nước, chi viện hoả lực và chống mục tiêu ven bờ.

Millennium được trang bị pháo ổ quay 1 nòng 35 mm Oerlikon KDG35/1000 có các chế độ bắn phát một, phát một tốc độ cao và bắn liên thanh 1.000 phát/phút. Pháo bắn được đạn có ngòi điện tử AHEAD và tất cả các loại đạn 35 mm tiêu chuẩn khác. Bệ pháo có thiết kế tàng hình chứa được 230 viên đạn cho phép bắn chặn trên 8 tên lửa mà không cần nạp lại. Do không sử dụng các đường kết nối dữ liệu nên có thể tiếp thêm đạn cho pháo bất kỳ lúc nào mà không cần đợi thùng đạn bắn hết. Trong trường hợp nguồn điện bị trục trặc, pháo vẫn có thể vận hành bằng nguồn ắc quy riêng.

Pháo Oerlikon KDG35/1000 được kết nối trực tiếp với đường trục truyền dữ liệu của hệ thống điều khiển tác chiến và tiếp nhận dữ liệu bám mục tiêu 3D từ bất kỳ nguồn nào. Máy tính là bộ phận hợp thành của pháo đảm nhiệm chức năng thanh lọc mục tiêu, tính toán góc bắn, hiệu chỉnh và cài đặt ngòi nổ điện tử của đạn AHEAD thông qua sóng radio. Khi nổ, đạn AHEAD tạo ra chùm mảnh nổ xoáy tròn hình phễu đan xen nhau bao lấy mục tiêu, với loại đạn này, hệ thống Millennium có khả năng tiêu diệt máy bay ở cự ly 3.500 m hoặc tên lửa đối hạm và tên lửa chống radar ở cự ly trên 1.200 m.

Tên lửa mục tiêu bị tiêu diệt bởi đạn AHEAD

Tên lửa mục tiêu bị tiêu diệt bởi đạn AHEAD

Hệ thống Millennium hiện được trang bị trên một số tàu hải quân của Đan Mạch, Venezuela và tàu cao tốc Sea Slice của hải quân Mỹ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại