Theo hãng tin Sputnik News (Nga), đó là nhận định do tạp chí Diplomat (Nhật Bản) đưa ra.
Theo Diplomat, việc Trung Quốc mua 2 tàu Mistral là hợp lý.
"Trung Quốc có đầy đủ cơ sở hạ tầng quân sự cũng như những tình huống thích hợp để có thể phát huy tối đa công dụng của những con tàu này" - Diplomat viết.
Một số người cho rằng, Mỹ có thể “loại bỏ 2 tàu Mistral của Pháp ra khỏi thị trường" để tránh trường hợp Trung Quốc bổ sung 2 chiếc tàu chiến uy lực vào lực lượng hải quân đang trên đà phát triển và được tăng cường hiện đại hóa của nước này.
Song, ngay cả nếu Bắc Kinh thực sự muốn có được 2 tàu Mistral, việc mua những con tàu này cũng không phải là điều dễ dàng.
Tàu Vladivostok tại Saint-Nazaire. Ảnh: Reuters
Trước hết, khả năng bán vũ khí cho Trung Quốc của các thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) bị giới hạn ở một mức độ nhất định, do lệnh cấm vận vũ khí mà EU áp đặt lên Bắc Kinh từ năm 1989.
Tuy nhiên, lệnh cấm này không được thực thi một cách nghiêm túc và cũng được để ngỏ cho nhiều cách hiểu khác nhau.
Kết quả là Trung Quốc vẫn có được một sự tiếp cận nhất định dù ở mức hạn chế đối với các công nghệ và vũ khí của Châu Âu, trong đó có máy bay, tàu chiến, đạn dược....
Dù vậy, vấn đề trên không phải là trở ngại duy nhất. Pháp không thể bán các tàu chở trực thăng này cho bất kỳ bên nào khác nếu không được sự cho phép rõ ràng của Nga và Paris đã nhiều lần được nhắc nhở về điều này.
Pháp không thể bán 2 tàu Mistral của Nga cho bên thứ ba, ít nhất là cho đến khi 2 bên đạt được một thỏa thuận về tương lai của hợp đồng trị giá 1,3 tỷ USD.
Không có lý do gì để không giao 2 tàu Mistral cho Nga
Bán hai tàu Mistral cho một bên thứ ba là một lựa chọn mà chính quyền Pháp đang xem xét – ông Gilles Le Breton, một thành viên của Quốc hội châu Âu đến từ Mặt trận quốc gia nói với hãng tin Sputnik.
Nhưng theo ông này, không có lý do gì để không chuyển hai tàu Mistral cho Nga.
Việc chuyển giao 2 tàu đã bị đình chỉ vào cuối năm 2014 do những cáo buộc rằng Nga can thiệp vào cuộc xung đột tại Ukraine.
Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ này.
Ukraine không nên được dùng như một cái cớ để không chuyển giao tàu Mistral, ông Le Breton nói thêm.
Hơn nữa, việc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ gây ra một vấn đề nghiêm trọng đối với hình ảnh của nước Pháp.
Ông Le Breton giải thích:
“Với ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta, chúng ta đang tự làm mất uy tín lớn trong mắt các khách hàng tương lai.
Rõ ràng, chúng ta không làm đúng như những gì chúng ta đã nói.
Nếu các nước khác muốn mua một con tàu đóng tại xưởng đóng tàu Saint-Nazaire, họ sẽ phải nghĩ 2 lần trước khi đặt bút ký và họ có thể sẽ tìm một nhà thầu khác”.
“Tôi đã nói chuyện với các công nhân tại Saint-Nazaire. Tôi đảm bảo với các bạn rằng họ đang rất lo lắng về tương lai của mình” – vị chính khách Pháp kết luận.
>>> Vụ Mistral: Mức bồi thường mới của Pháp có khiến Nga thỏa mãn?