Trung Quốc đã "nhái" vận tải cơ An-12 của Liên Xô như thế nào?

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Rất nhiều các biến thể máy bay đã được phát triển từ máy bay vận tải quân sự Y-8 mà Trung Quốc “nhái” An-12 của Liên Xô.

KJ-200 hay Y-8 Balance Beam là chương trình “tự” phát triển máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AEW&C) của Tập đoàn hàng không Thiểm Tây (Shaanxi), Trung Quốc.

Một trong những bộ phận quan trọng của máy bay là hệ thống radar mới với anten mảng pha chủ động. KJ-200 được phát triển dựa trên biến thể mới nhất của máy bay vận tải Y-8 đó là Y-8F-600. Máy bay được trang bị các động cơ Pratt & Whitney Canada PW150B và Honeywell.

 

Theo ông Ouyang Shaoxiu Tổng công trình sư KJ-200 và cũng là tổng công trình sư Y-8, KJ-200 đã có thay đổi lớn (80%) so với biến thể gốc Y-8.

Shaanxi Y-8 hay Yunshuji-8 là máy bay vận tải trung bình được sản xuất bởi Tập đoàn hàng không Thiểm Tây, Trung Quốc. Đây là một biến thể được cấp phép sản xuất của máy bay vận tải quân sự An-12. Y-8 đã trở thành một trong những máy bay vận tải quân sự và dân sự phổ biến nhất ở Trung Quốc, được sản xuất với các biến thể khác nhau bao gồm cả xuất khẩu.

Mặc dù An-12 không còn được được xây dựng ở Ukraina, nhưng Y-8 của Trung Quốc vẫn tiếp tục được xây dựng và sửa đổi. Hiện có khoảng 100-120 máy bay Y-8 với các biến thể khác nhau được sản xuất.

 

Việc sản xuất các seri An-12 đã bắt đầu ở Trung Quốc ngay trước khi Liên Xô giải thể. Sự phát triển của ngành hàng không Trung Quốc đã bị ngưng trệ trong một thời gian dài diễn ra cuộc “Đại cách mạng văn hóa giai cấp vô sản” do Mao Trạch Đông khởi xướng và lãnh đạo. Dưới thời Thủ tướng Chu Ân Lai, Trung Quốc đã lần đầu tiên cho sản xuất thương mại các bản sao máy móc Liên Xô, và sau đó phát triển các mô hình máy bay của riêng mình.

 

Vào tháng 02 năm 1972, việc sản xuất các seri An-12 tại nhà máy ở Tây An (Thiểm Tây) đã được nối lại. Một năm sau đó, toàn bộ dây chuyền sản xuất và các thiết bị công nghiệp đã được chuyển đến Nhà máy sản xuất máy bay Thượng Hải.

Chiếc máy bay đầu tiên được lắp ráp ở Tây An với các bộ phận của Liên Xô đã thực hiện chuyến bay lần đầu tiên vào ngày 25/12/1974. Còn chiếc Y-8 "Thượng Hải" đã có chuyến bay thử nghiệm vào ngày 29/12/1975. Chương trình thử nghiệm các máy bay này đã kết thức vào ngày 25/9/1976, và đến năm 1980, máy bay Y-8 đã được cấp giấy chứng nhận.

 

Chiếc máy bay đầu tiên đã được lắp ráp từ các bộ phận được chuyển đến từ Liên Xô vào những năm 1960, giống hệt như máy bay An-12 . Tuy nhiên, sau đó máy bay đã được nâng cấp. Biến thể nâng cấp dài hơn có cabin bằng kính nhọn hơn giống như kiểu cường kích H-6 (nhái Tu-16) , cũng được xây dựng ở Thượng Hải. Biến thể xuất khẩu của nó được mang tên Y-8D.

Song song với việc phát triển máy bay Y-8, Trung Quốc cũng đã làm chủ được dây chuyền sản xuất động cơ WJ6 (chính là động cơ AL-20 của Liên Xô) và cánh quạt J17-G13. Các chuyên gia Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để cải thiện thời gian làm việc của động cơ WJ6, từ 300 lên đến 2000 giờ.

 

Năm 1986, trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay Y-8 đã tăng lên đến 61.000 kg. Về cơ bản, các máy bay Y-8 của Trung Quốc có đặc điểm giống với máy bay An-12B của Liên Xô chỉ khác ở một vài chi tiết trong đó có khoang hành khách được thiết kế cao hơn 120 mm. Tuy nhiên về tính năng thì còn kém xa. Y-8 có tầm hoạt động nhỏ hơn và cần có đường chạy đà lớn hơn so với người tiền nhiệm Liên Xô.

 

Năm 1986, Trung Quốc đã bắt đầu phát triển biến thể dân sự Y-8B. Trọng lượng cất cánh của máy bay đã giảm 1.720 kg so với biến thể quân sự. Chuyến bay đầu tiên diễn ra vào ngày 17/12/1993, và vào năm 1993, chiếc máy bay đã được cấp giấy chứng nhận.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ công ty Mỹ Lockheed, vào cuối những năm 1980, Trung Quốc đã tạo ra chiếc máy bay Y-8C. Máy bay có cửa khoang chứa khách hai lớp và thể tích của khoang là 212 mét khối, giống như Y-8A và C-130 và có thêm của thoát hiểm và hệ thống điều hòa không khí.

 

Sau vụ đàn áp cuộc biểu tình của sinh viên ở Bắc Kinh vào năm 1989, hợp tác kỹ thuật quân sự Mỹ-Trung Quốc đã dừng lại, do đó, Trung Quốc đã thực hiện giải pháp "Mỹ hoá" hơn nữa các máy bay của mình. Và Y-8D ra đời.

Y-8D máy bay được thiết kế như là một biến thể dân sự xuất khẩu của máy bay vận tải quân sự Y-8 với việc sử dụng hệ thống điện tử của các công ty phương Tây Lytton và Collins.

Chuyến bay đầu tiên của máy bay đã diễn ra vào năm 1987. Năm 1992, hai chiếc máy bay loại này được cung cấp cho Myanmar, hai chiếc khác cho Sri Lanka (máy bay đầu tiên được trang bị pháo phòng thủ), và hai cho Sudan. Myanmar đang có kế hoạch mua thêm hai máy bay thêm loại này.

 

Năm 1989, để thay thế 10 máy bay mang máy bay không người lái Tu-4, Trung Quốc đã tạo ra máy bay Y-8E. Vào năm 1992-94, Không quân Trung Quốc đã mua một số máy máy bay Y-8 và tháo dỡ các loại vũ khí phòng thủ. Trên các giá treo hình thang bên dưới cánh được gắn 2 UAV Chang Hing 1, được điều khiển từ một cabin kín ở phía trước.

UAV Chang Hing 1 được thiết kế để trinh sát, cũng như sử dụng như máy bay mục tiêu không người lái. Đây là một bản sao Trung Quốc của máy bay không người lái Mỹ Teledyne Rain AQM-34N (một vài máy bay này đã bị bắn rơi trên lãnh thổ của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam).

 

Một trong những biến thể của Y-8/AH-12 là Y-8F, được tạo ra vào đầu năm 1990. Tuy nhiên, nó không được dùng để vận chuyển người mà là để vận chuyển cừu đến các bãi chăn nuôi mới. Máy bay có khả năng vận chuyển được 350 con vật nuôi.

 

Đến đầu những năm 1990 để thực hiện nhiệm vụ tuần tra trinh sát trên biển của hải quân, Trung Quốc đã tiến phát triển biến thể máy bay tuần tra Y-8G, được trang bị một radar mạnh hơn và hệ thống điện tử đặc biệt được thiết kế bởi cả Trung Quốc và phương Tây. Chương trình được hỗ trợ bởi công ty SES Marconi, tuy nhiên, sau khi vụ đàn áp các cuộc biểu tình của sinh viên ở Bắc Kinh vào năm 1989 và công ty phương Tây dã chấm dứt hợp tác và chương trình phải dừng lại.

 

Một biến thể máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm đã được phát triển cho Không quân Trung Quốc đó là KJ-200. Dự án này mang tên Gaoxin 5 và đã được đưa ra vào năm 2000. Nguyên mẫu đầu tiên được phát triển trên cơ sở máy bay Y-8F200 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 11 năm 2001.

Máy bay AWACS KJ-200 được trang bị radar có tầm phát hiện trong khoảng 300 đến 450 km.

KJ-200, với khả năng hạn chế, đã được lên kế hoạch để sử dụng một mình hoặc kết hợp với các máy bay AWACS KJ-2000 là biến thể của máy bay Nga A-50 với thiết kế radar của Trung Quốc.

 

Chiếc máy bay nguyên mẫu thứ hai KJ-200 (dựa trên Y-8F-600) cất cánh vào tháng 01/2005, và vào ngày 03/6/2006 nó đã bị vỡ cánh quạt do đóng băng. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Cục Thiết kế Antonov của Ukraina. Quá trình hiện đại hóa đã được bắt đầu với việc trang bị hệ thống báo hiệu và chống đóng băng để kịp thời cảnh báo cho phi hành đoàn của máy bay trong trường hợp khẩn cấp. Điều này đã cho phép làm tăng đáng kể độ tin cậy của máy bay.

 

Máy bay được trang bị động cơ Pratt and Whitney Canada PW150B với cánh quạt Dodi R-408 của Anh, và hệ thống điện tử hiện đại của công ty Honeywell.

Hiện có ít nhất 5 máy bay cảnh báo sớm KJ-200 (số hiệu 30.171, 30.173-30.176) đang được biên chế trong Không lực Trung Quốc.

 

Thông số kỹ thuật của cảnh báo cơ KJ-200:

Sải cánh, m: 38,00

Chiều dài, m: 34,02

Chiều cao, m: 11,16

Trọng lượng rỗng, kg: 35.500

Trọng lượng cất cánh, kg: 55.000

Trọng lượng cất cánh tối đa, kg: 62.000

Khối lượng nhiên liệu, kg: 23.000

Tốc độ tối đa, km/h: 662

Tốc độ hành trình, km/h: 550

Tốc độ tuần tra, km/h: 475

Tầm hoạt động, km: 5.620

Thời gian tuần tra, h: 10,05

Trần bay, m: 10.400

Phi hành đoàn, người: 4 đến 5

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại