Trung Quốc gần đây có nhiều động thái hung hăng, hiếu chiến trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, khiến các nước láng giềng lo ngại.
Cải thiện quan hệ với các nước láng giềng là một trong nhiều thách thức mà bộ máy lãnh đạo mới của Trung Quốc phải đối mặt trên mặt trận đối ngoại trong thời gian 5 năm tới, các chuyên gia đến từ Trung Quốc và nước ngoài mới đây đã đưa ra nhận định như vậy.
Trung Quốc nên tập trung trước hết vào việc làm sao để các nước láng giềng và phần còn lại của cộng đồng quốc tế cảm thấy yên tâm về các ý định cũng như kế hoạch của họ, ông David Fouquet – một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viên Nghiên cứu Châu Á của Châu Âu có trụ sở tại Brussels, Bỉ, cho biết.
"Để có được sự đảm bảo mang tính chiến lược này, Trung Quốc phải thuyết phục khu vực Châu Á-Thái Bình Dương rằng nước này sẽ không hành động hiếu chiến cũng như không cố tình dọa dẫm các nước láng giềng, thậm chí kể cả khi Mỹ không can dự vào khu vực”, ông Fouquet nói thêm.
Những bình luận trên của nhà nghiên cứu Fouquet được đưa ra trước thềm kỳ họp thường niên lần thứ nhất của Quốc hội khóa 12 diễn ra vào ngày 5/3 tới. Kỳ họp này đánh dấu sự kiện chính trị lớn tiếp theo sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 diễn hồi tháng 11 năm ngoái.
Tại kỳ họp thường niên lần thứ nhất của Quốc hội khóa 12 vào tuần tới, Quốc hội sẽ tiến hành bầu ra các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc gồm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng các bộ ngành, Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Tổng kiểm toán...
Như vậy, kỳ họp trên đánh dấu việc Trung Quốc hoàn thành tiến trình chuyển giao quyền lực mang tính lịch sử 10 năm một lần. Theo đó, một thế hệ lãnh đạo mới sẽ chính thức ra mắt trong vài ngày tới. Chính vì thế, kỳ họp lần này không chỉ thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong nước mà còn được chú ý đặc biệt bởi cộng đồng quốc tế.
Những ý kiến nhận xét của nhà nghiên cứu Fouquet về thách thức đối với giới lãnh đạo mới của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước khác.
Ông Nadine Godehardt – một chuyên gia về Châu Á của Viện Nghiên cứu các vấn đề An ninh và Quốc tế Đức có trụ sở ở thủ đô Berlin, cho rằng: “Trung Quốc cần phải tăng cường mối quan hệ hợp tác thân thiện hơn nữa với các nước láng giềng trực tiếp gần họ. Giới lãnh đạo Trung Quốc nên vạch rõ ràng các mục tiêu và quan trọng hơn là các giới hạn trong chính sách đối ngoại của nước này. Sau đó, những câu trả lời rõ ràng như cái gì là lợi ích then chốt của Trung Quốc và cái gì mà giới lãnh đạo Trung Quốc tuyệt đối không được thương lượng sẽ thực sự giúp cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực và đối với Mỹ”.
Nếu không làm được điều trên, Trung Quốc sẽ đẩy các nước láng giềng tiến lại gần hơn với Mỹ và chính họ sẽ nuôi dưỡng chiến lược đối ngoại mới của Tổng thống Barack Obama còn được gọi là chiến lược chuyển hướng trọng tâm về Châu Á, chuyên gia Godehardt cho biết thêm.
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đã tái khẳng định cam kết của Trung Quốc đối với con đường phát triển hòa bình, coi đó là một trong những định hướng quan trọng nhất cho chính sách đối ngoại của đất nước.
Ông Li Haidong – một giáo sư đến từ Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nhận định, việc tận dụng tình hình thế giới đang thay đổi dưới sự dẫn dắt của chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ sẽ là một thách thức lớn đối với bộ máy lãnh đạo mới ở Trung Quốc.
"Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Mỹ chuyển hướng trọng tâm chiến lược từ chống khủng bố sang tìm kiếm một hướng mới. Tái cân bằng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương là kết quả của việc Mỹ theo đuổi chiến lược mới và nó đã dẫn đến một vòng điều chỉnh chính sách mới của các nước trong khu vực”, nhà phân tích Li cho hay.
"Trong bối cảnh đó, các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang được đẩy mạnh lên các cấp độ khác nhau. Trung Quốc cần phải đầu tư hơn nữa vào mối quan hệ Mỹ-Trung và nuôi dưỡng sự tin tưởng chiến lược chung giữa hai nước”, ông Li nói thêm.
Trong các vấn đề quốc tế, các nhà quan sát nhấn mạnh rằng, Trung Quốc có thể và nên đóng một vai trò có trách nhiệm hơn và can dự nhiều hơn.
Theo chuyên gia Godehardt, "quyết định đứng trung lập của Trung Quốc trong một loạt vấn đề chính sách đối ngoại là lý do gây ra sự hiểu lầm đang nổi lên giữa Trung Quốc với Mỹ hoặc Trung Quốc với Châu Âu”.
"Một Bắc Kinh trung lập gây nhiều hoài nghi như bất kỳ tuyên bố chính trị hiếu chiến hay hòa dịu nào. Trong trường hợp của Trung Quốc, sự trung lập sẽ dẫn đến những câu hỏi về việc liệu nước này có thực sự muốn là một cường quốc có trách nhiệm hay không và sự trung lập đó chính xác có ý nghĩa gì", ông Godehardt cho biết.
Ông Wang Zaibang – Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc, cũng chia sẻ những quan điểm được đưa ra ở trên. Theo ông này, với ảnh hưởng ngày càng gia tăng, Trung Quốc nên tham gia tích cực vào các vấn đề quốc tế, trong đó có các cuộc xung đột như khủng hoảng Syria hay các mối đe dọa không thông thường như chiến dịch chống cướp biển.
"Với tư cách là một nước có trách nhiệm, Trung Quốc cần phải đóng góp môt phần sức mạnh của mình để tạo điều kiện cho một môi trường quốc tế an ninh và hòa bình hơn đồng thời cung cấp đủ động lực cho sự phát triển của các nước khác", ông Wang nói thêm.