Triều Tiên sẽ tấn công để giữ thể diện hay đánh lạc hướng Mỹ?

Một số nhà phân tích dự đoán lãnh đạo Triều Tiên có thể tấn công để giữ thể diện, trong khi một số khác nói rằng những lời hăm dọa gần đây chỉ nhằm đánh lạc hướng Mỹ, bởi Bình Nhưỡng đang đứng giữa "ngã ba đường" và chưa xác định được bước đi tiếp theo là gì.

Binh sĩ Triều Tiên tham dự khóa đào tạo quân sự tại một địa điểm bí mật. Ảnh: KCNA Triều Tiên tấn công để giữ thể diện hay đánh lạc hướng Mỹ?

Giữa "ngã ba đường"

Sau nhiều tuần liên tiếp đưa ra những lời hăm dọa hiếu chiến, Triều Tiên chưa xác định rõ những bước đi tiếp theo là gì trong bối cảnh đang chịu sức ép nặng nề từ Bắc Kinh yêu cầu chấm dứt leo thang.

"Chúng ta sẽ chờ xem liệu Bình Nhưỡng có nghe lời Bắc Kinh hay tự quyết định hành động một mình" - Gary Samore, nguyên cố vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề kiểm soát vũ khí và không phổ biến hạt nhân phát biểu với hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap. "Tất cả chúng ta đều chờ xem liệu ông Kim Jong-un sẽ đi theo con đường hòa bình hay tiếp tục hành động khiêu khích".

Ông Samore cảnh báo rằng Triều Tiên đang tự đặt mình vào một "tình thế hết sức nguy hiểm", nơi tương lai của quan hệ với chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Trung Quốc đang bị đe dọa.

"Nguy cơ xung đột là có thật nếu Triều Tiên chọn cách gia tăng căng thẳng, tuy nhiên tại thời điểm này họ chỉ ầm ĩ lớn tiếng mà thôi" - người từng làm việc ở Nhà Trắng 4 năm nói.

Ông Samore cũng chỉ ra những khó khăn trong việc đoán định Triều Tiên sẽ hành động như thế nào. Theo ông, bản sao của nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il, con trai út Kim Jong-un đã có những hành động cụ thể như phóng tên lửa, thử hạt nhân nhằm đáp trả trừng phạt của Liên hợp quốc.

"Vấn đề là liệu Kim Jong-un có tiếp bước cha trong những năm 2006 và 2009 hay sẽ hiếu chiến hơn, thúc đẩy các hành động khiêu khích hơn" - ông Samore đặt câu hỏi.

Cựu cố vấn cũng cho hay Mỹ chưa có bằng chứng rõ ràng về việc hợp tác hạt nhân giữa Triều Tiên và Iran.

"Về quan hệ hạt nhân giữa Iran và Triều Tiên, tôi không nghe nói thông tin nào, nhưng đó là điều mà chúng ta nên lo ngại. Chúng ta đã biết hai nước hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực tên lửa và ai cũng có thể tưởng tượng rằng Triều Tiên có thể cung cấp hỗ trợ đáng kể cho Iran về kỹ thuật làm giàu uranium".

Tấn công để giữ thể diện?

Cựu Chủ tịch Ủy ban an ninh nội địa Thượng viện Mỹ, ông Peter King cho rằng những đe dọa của Triều Tiên không phải là "nói suông".

Theo ông King, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cố gắng thể hiện mình là một người cứng rắn. "Anh ta 28-29 tuổi và sẽ còn tiến xa hơn nữa. Quan ngại của tôi là anh ta có thể cảm thấy phải tấn công Hàn Quốc hoặc căn cứ của Mỹ để giữ thể diện".

Tuy nhiên, chuyên gia Mỹ từng theo dõi các vấn đề Triều Tiên, ông Alexandre Mansourov lại cho rằng những diễn biến mới nhất từ Bình Nhưỡng cho thấy "dường như tiếng nói của lý trí cuối cùng cũng đã bắt đầu thắng thế trước những lo ngại mù quáng". Dẫn nguồn từ KCNA, ông cho biết Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, dưới sự chủ trì của Kim Jong Un, đã đề ra đường lối chiến lược mới về song song xây dựng kinh tế và phát triển vũ khí hạt nhân trên cơ sở tự lực, thay vì đưa ra những lời lẽ đe dọa.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu cấp cao Larry Niksch thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng những lời lẽ hăm dọa của Bình Nhưỡng có thể là nhằm mục đích đánh lạc hướng Mỹ khỏi mục tiêu trước mắt của Triều Tiên là phát triển một đầu đạn hạt nhân cho tên lửa tầm trung Nodong.

"Triều Tiên rất thạo thông tin tuyên truyền đánh lạc hướng, và dường như điều đó đang có tác dụng. Phát triển đầu đạn hạt nhân cho tên lửa Nodong đồng nghĩa với việc phát triển đầu đạn hạt nhân cho tên lửa Shahab-3 của Iran, một phiên bản của Nodong". Niksch lưu ý bằng những lời đe dọa chiến tranh, Triều Tiên còn đánh lạc hướng Mỹ khỏi chú ý đến chương trình hạt nhân của Iran.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại