Triều Tiên bí mật đóng 2 tàu chiến cỡ lớn

Thiên Minh |

(Soha.vn)- Các bức ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Triều Tiên đóng 2 tàu chiến mới thuộc hạng lớn nhất mà nước này đã chế tạo trong 25 năm qua - Tờ SCMP (Hồng Kông) đưa tin ngày 16/5.

Trong các các bức ảnh, 2 khinh hạm mới của Triều Tiên neo đậu tại các xưởng đóng tàu ở 2 thành phố Nampo và Najin.

Hình ảnh 2 con tàu xuất hiện trong các bức ảnh vệ tinh chụp từ tháng 12/2013 đến tháng 1/2014. Hiện chưa rõ các con tàu này đã sẵn sàng phục vụ hay chưa.

Đăng tải những hình ảnh này trên website 38 North, Viện Mỹ-Hàn Quốc tại Đại học Johns Hopkins nhận định các khinh hạm của Triều Tiên có thể chở theo 1 trực thăng và dường như được trang bị hệ thống rocket chống ngầm.

Một khinh hạm chở trực thăng tại xưởng đóng tàu ở Nampo tháng 12/2013
Một khinh hạm chở trực thăng tại xưởng đóng tàu ở Nampo tháng 12/2013

Cũng theo Viện nghiên cứu này, 2 con tàu được Triều Tiên hạ thủy vào khoảng năm 2011-2012, về cơ bản được thiết kế để đối phó với những gì mà Bình Nhưỡng cho là mối đe dọa ngày càng tăng từ việc Hàn Quốc mua tàu ngầm, bắt đầu từ những năm 1990.

Ngoài ra, chúng còn có vai trò tuần tra các ngư trường trong khu vực, với những lo ngại an ninh từ phía Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo Viện Mỹ-Hàn, mặc dù Triều Tiên có thể phải mất một vài năm để đưa các tàu chiến trên vào hoạt động đầy đủ nhưng theo Viện Mỹ-Hàn, đây là một “bước tiến cách mạng” trong chiến lược hải quân của Triều Tiên nhằm tiến hành các hoạt động chống ngầm bằng trực thăng.

Một khinh hạm khác tại xưởng đóng tàu ở Najin tháng 1/2014.
Một khinh hạm khác tại xưởng đóng tàu ở Najin tháng 1/2014.

Phân tích của Viện Mỹ-Hàn lưu ý rằng Triều Tiên đã có khả năng chế tạo các loại tàu trên và tàu hải quân khác trong thập kỷ qua, bất chấp những biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế, cũng như tình trạng trì trệ về kinh tế và công nghiệp trong nước.

Bruce Bennett, một chuyên gia quốc phòng tại Viện nghiên cứu chiến lược Rand Corporation nhận định 2 khinh hạm mới của Triều Tiên có kích cỡ lớn hơn và có nhiều khả năng hơn so với các tàu còn lại trong hạm đội tàu chiến mặt nước của Triều Tiên, vốn bị nhiều quốc gia trong khu vực nhận xét là yếu.

Trong khi Triều Tiên có lực lượng tàu ngầm lớn và nhiều máy bay tuần tra, quốc gia này có rất ít các tàu mặt nước hiện đại như khinh hạm và khu trục hạm.

“Việc bổ sung 2 tàu chiến này không thể giúp Triều Tiên có một lực lượng hải quân mạnh. Nếu tham gia vào một cuộc xung đột, lực lượng hải quân và không quân Mỹ - Hàn Quốc có thể nhanh chóng đánh chìm các con tàu này” - Bennett nói.

Sự phát triển vũ khí thông thường của Triều Tiên phần nhiều không được chú ý tới bởi những lo ngại tập trung vào các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, trong đó bao gồm suy đoán về việc Triều Tiên có thể đã sẵn sàng thực hiện vụ thử hạt nhân thứ tư.

Tuy nhiên, với tình hình căng thẳng giữa 2 miền Triều Tiên leo thang, nhiều chuyên gia nhận định nguy cơ xung đột lớn nhất nằm ở việc Triều Tiên khiêu khích Hàn Quốc bằng một cuộc tấn công thông thường.

Năm 2010, Hàn Quốc từng cáo buộc Triều Tiên sử dụng tàu ngầm phóng ngư lôi vào tàu Cheonan của Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại