Đặc nhiệm Triều Tiên: Chiến thắng hay là chết!

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Trước khi được tung vào Hàn Quốc, đội đặc nhiệm Triều Tiên phải ký một bản cam kết, thề chỉ trở về sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Không bao giờ đầu hàng

Nhìn chung quân đội Triều Tiên ít được tham gia huấn luyện do thiếu thốn về nhiên liệu, đạn dược và trang thiết bị. Ngay cả các lực lượng đặc nhiệm cũng không phải là ngoại lệ. Bù lại, việc rèn luyện về ý chí và thể lực được đề cao. Lính đặc nhiệm Triều Tiên được huấn luyện để chiến đấu tới cùng, không chấp nhận đầu hàng trong mọi tình huống. Điều này được thể hiện qua những chiến dịch xâm nhập vào lãnh thổ Hàn Quốc trong quá khứ.

Tháng 6/1996, một chiếc tàu ngầm mini Sang-O bị mắc cạn trên bờ biển Hàn Quốc, cách Seoul khoảng 140 km. 26 người gồm thuỷ thủ đoàn và lính đặc nhiệm Triều Tiên thoát ra và tìm cách trốn về nước.

 	Tàu ngầm Triều Tiên khi bị mắc cạn năm 1996

Tàu ngầm Triều Tiên khi bị mắc cạn năm 1996

Khoảng 60.000 lính Hàn Quốc đã được huy động tham gia chiến dịch săn lùng kéo dài hơn 1 tháng, với kết quả là 1 người bị bắt, 1 người mất tích, và 24 bị bắn chết. Phía Hàn Quốc cũng có 17 người, gồm 4 dân thường, bị thiệt mạng. Để trả đũa, đặc vụ Triều Tiên ám sát 1 nhà ngoại giao Hàn Quốc, ông Choi Duck-keun, tại Vladivostok, Nga, bằng thuốc độc.

 	Bên trong chiếc tàu ngầm bị mắc cạn. Thuỷ thủ đoàn đã cố gắng phá huỷ thông tin và thiết bị trước khi bỏ tàu.

Bên trong chiếc tàu ngầm bị mắc cạn. Thuỷ thủ đoàn đã cố gắng phá huỷ thông tin và thiết bị trước khi bỏ tàu.

Việc huấn luyện thường được thực hiện trong điều kiện rất khắc nghiệt, nhấn mạnh khả năng tác chiến đêm, tác chiến đô thị và vùng núi, do 70% diện tích bán đảo Triều Tiên là đồi núi. Ngay trong mùa đông, đặc nhiệm Triều Tiên thường hành quân 20 km trong 10 tiếng liên tục trên địa hình đồi núi, với 35 kg trang thiết bị. Việc hành quân được kết hợp với các bài thao diễn phục kích, tấn công, đột nhập. Ngay sau khi đến điểm tập kết, các đơn vị sẽ tiếp tục thi đấu võ thuật với nhau.

Là quốc gia khép kín nhất thế giới, chế độ tuyển chọn và huấn luyện nghiêm ngặt của đặc nhiệm Triều Tiên chỉ phần nào được hé lộ sau vụ tàu ngầm của họ bị mắc cạn năm 1996 như đã đề cập ở phần trên. Trong đó, chỉ có duy nhất 1 người bị bắt sống, đó là ông Lee Kwang Soo, hoa tiêu của tàu ngầm.

Người này cho biết đã sống trong căn cứ hải quân từ năm 14 tuổi, và gần như không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Do đó ông thậm chí còn không biết tiền là gì. Ông Lee cũng cho biết trước khi chiến dịch diễn ra, thuỷ thủ đoàn đã thực hiện 5 cuộc diễn tập khác nhau cho tình huống tương tự. Tất cả các thành viên còn ký một bản cam kết, thề chỉ trở về sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông này cũng xác nhận sự tồn tại của các đơn vị người nhái cảm tử, được dùng để điều khiển ngư lôi đến tàu đối phương.

Ông Lee sau này sinh sống tại Seoul, tham gia việc đào tạo cho Hải quân Hàn Quốc, lấy bằng thạc sĩ của Đại học Kyungnam năm 2005. Ông này chỉ xuất hiện 1 lần duy nhất trước công chúng trong 1 cuộc phỏng vấn với báo DailyNK năm 2010, nhân vụ tàu Cheonan bị đánh chìm.

 	Ông Lee Kwang Soo. Phóng viên chỉ có thể chụp từ đằng sau do lo ngại ông này có thể trở thành mục tiêu ám sát của đặc vụ Triều Tiên.

Ông Lee Kwang Soo. Phóng viên chỉ có thể chụp từ đằng sau do lo ngại ông này có thể trở thành mục tiêu ám sát của đặc vụ Triều Tiên.

Sức mạnh thật sự

Nếu nhìn vào các con số, Triều Tiên có một lực lượng đặc nhiệm rất đáng sợ. Tuy nhiên chính quy mô khổng lồ này khiến chúng ta phải nghi ngờ về chất lượng thật sự của lực lượng này. Để so sánh, thì Hàn Quốc chỉ có hơn 20.000 lính đặc nhiệm. Ngay cả với Mỹ, con số này cũng chỉ khoảng hơn 50.000. Lí do là thời gian và chi phí để đào tạo 1 người lính đặc nhiệm là rất lớn, theo tiêu chuẩn các nước phương Tây, con số này có thể tính bằng triệu USD.

Không thể nghi ngờ về sức mạnh tinh thần và thể chất của lính đặc nhiệm Triều Tiên. Tuy nhiên sự thiếu thốn về nguồn lực chắc chắn ảnh hưởng đến các mặt huấn luyện khác. Nghiêm trọng nhất có lẽ là huấn luyện với các phương tiện vận chuyển như máy bay, tàu ngầm…Những hoạt động này tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu và hao mòn thiết bị.

Triều Tiên trong những năm gần đây luôn cần được Trung Quốc viện trợ nhiên liệu. Lệnh cấm vận của LHQ cũng khiến việc mua mới trang thiết bị hay phụ tùng thay thế khó khăn hơn.

Đúng là trong quá khứ, Triều Tiên đã nhiều lần xâm nhập thành công vào nội địa Hàn Quốc, nhưng là với những nhóm nhỏ. Việc họ có thể làm điều tương tự với quy mô lớn trong một cuộc chiến tổng lực hay không còn là một dấu hỏi lớn.

Nhìn chung, có thể cho rằng đa số trong đội quân đặc nhiệm đông đảo của Triều Tiên chỉ ở mức tinh nhuệ hơn các đơn vị thông thường, và có nhiệm vụ chính là hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị này vượt qua phòng tuyến Hàn Quốc. Chỉ một số ít thực sự là ‘đặc nhiệm’, những người có khả năng hoạt động độc lập sâu bên trong nội địa đối phương.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại