Đặc nhiệm Triều Tiên và kho vũ khí khổng lồ nhằm vào Hàn Quốc

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Duy trì lực lượng đặc nhiệm đông đảo nhất thế giới, trang bị từ máy bay, đến tàu ngầm, mục tiêu lớn nhất của Triều Tiên là Hàn Quốc.

Lực lượng đặc nhiệm đông nhất thế giới

Lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên có số lượng đông đảo nhất thế giới. Tùy theo nhiều nguồn thông tin mà dự đoán về quân số của lực lượng này khác nhau, nhưng nhìn chung, đặc nhiệm Triều Tiên bao gồm khoảng 120.000 - 180.000 người, được biên chế thành 25 lữ đoàn. Các lữ đoàn này được chia thành 3 loại chính: trinh sát, bộ binh hạng nhẹ và lính bắn tỉa.

Triều Tiên hiện duy trì lực lượng đặc nhiệm đông nhất thế giới
Triều Tiên hiện duy trì lực lượng đặc nhiệm đông nhất thế giới

Các lữ đoàn trinh sát có quân số từ 3.600 đến 4.200 người. Lính trinh sát hoạt động theo nhóm từ 2 đến 10 người. Các nhóm này được triển khai ở hậu phương địch, thu thập tin tình báo chiến lược và xác định toạ độ mục tiêu.

Các lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ thường có từ 3.300 đến 3.600 người, và tác chiến ở quy mô đại đội hoặc tiểu đoàn, có nhiệm vụ tấn công các mục tiêu quân sự, cơ quan chính quyền, cơ sở kinh tế.

Lữ đoàn lính bắn tỉa có quy mô tương đương bộ binh hạng nhẹ, nhưng lại tác chiến theo từng nhóm nhỏ, từ 5 đến 10 người, với nhiệm vụ tấn công hoặc hỗ trợ tấn công các mục tiêu quan trọng như sở chỉ huy, trạm thông tin, hậu cần, thu thập tin tình báo, hoặc ám sát các mục tiêu quan trọng.

Ngoài ra còn có các đơn vị chuyên trách của hải quân và không quân, với tổng quân số khoảng 40.000 người. Các đơn vị tác chiến trên không gian mạng có khoảng 10.000 người.

Tuy nhiên, tinh nhuệ nhất trong số tất cả các đơn vị trên là khoảng 5.000 lính đặc nhiệm trực thuộc Tổng cục tình báo. Họ có nhiệm vụ xâm nhập sâu vào nội địa Hàn Quốc để thực hiện các chiến dịch phá hoại, do thám, ám sát…Tổng cục tình báo là cơ quan trực tiếp chỉ huy phần lớn các vụ tấn công quan trọng nhằm vào Hàn Quốc, như vụ đột kích Phủ Tổng thống Hàn Quốc năm 1968 hay vụ đánh chìm tàu Cheonan.

Máy bay, tàu ngầm, đường hầm… đều dẫn đến Hàn Quốc

Mục đích chung của mọi lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên là đột nhập vào lãnh thổ Hàn Quốc, và họ có nhiều phương tiện để thực hiện nhiệm vụ này.

Trên không, họ có thể nhảy dù từ khoảng 300 máy bay AN-2 , hoặc trực thăng. AN-2 là loại máy bay 2 tầng cánh của Liên Xô. Mặc dù ra đời từ rất lâu, nó vẫn rất hữu dụng cho loại nhiệm vụ này. Nhờ có 2 tầng cánh, AN-2 có thể bay rất chậm và thấp, khiến cho radar rất khó phát hiện. Tốc độ chậm còn cho phép nó hoạt động từ các đường băng dã chiến ngắn. Mỗi chiếc AN-2 có thể chở tối đa 12 lính dù.

Một chiếc AN-2
Một chiếc AN-2

 Các phương tiện đường biển bao gồm tàu ngầm mini, tàu đệm khí, tàu bán ngầm.

Tàu bán ngầm trên thực tế hoạt động giống như 1 tàu nổi thông thường hơn là tàu ngầm. Với những chiếc thế hệ cũ, phần lớn con tàu có thể chìm dưới nước, chỉ có buồng lái bên trên mớn nước, do đó khó bị phát hiện, tốc độ di chuyển lúc này chỉ khoảng 20 km/h. Khi đến sát bờ biển, nó sẽ nổi lên hoàn toàn và di chuyển như 1 xuồng cao tốc thông thường, với tốc độ từ 50-70 km/h. Những thế hệ mới hơn có thể lặn hoàn toàn dưới nước, tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn, và ở độ sâu không đáng kể, khoảng 20 m. Năm 1998, một chiếc như vậy bị Hàn Quốc phát hiện và đánh chìm ngoài khơi Pusan.

Một tàu bán ngầm kiểu cũ của Triều Tiên bị bắt và đang được đem trưng bày
Một tàu bán ngầm kiểu cũ của Triều Tiên bị bắt và đang được đem trưng bày

 Triều Tiên cũng phát triển nhiều loại tàu ngầm mini khác nhau, như Sang-O, Yugo, P-4. Chúng có thể chở từ 10-20 người. Tháng 6/1998, một chiếc P-4 bị phát hiện đang mắc vào lưới đánh cá trong vùng biển Hàn Quốc. Năm thành viên thuỷ thủ đoàn đã tự sát để tránh bị bắt.

Trên bộ, lính đặc nhiệm Triều Tiên có thể sử dụng 1 trong khoảng 20 đường hầm bí mật đào bên dưới Khu phi quân sự.

Ngoài ra, theo tiết lộ của một cựu đại tá Triều Tiên đào ngũ, Triều Tiên cũng cho xây hơn 800 boongke gần hay ngay bên trong Khu phi quân sự. Bên trong các boongke này có chứa sẵn vũ khí, cùng với quân phục của quân đội Hàn Quốc, để lính đặc nhiệm Triều Tiên cải trang trước khi xâm nhập vào Hàn Quốc.

Thông tin này càng được củng cố khi vào cuối năm 2010, một số đơn vị Triều Tiên đóng gần Khu phi quân sự bị phát hiện sử dụng quân phục rất giống của Hàn Quốc. Do đó phía Hàn Quốc phải tăng tốc việc đổi từ quân phục cũ sang quân phục kiểu mới.

Quân phục kiểu cũ của Hàn Quốc (trái) và kiểu mới (phải)
Quân phục kiểu cũ của Hàn Quốc (trái) và kiểu mới (phải)

Cũng theo ước tính của một số lính Triều Tiên đào ngũ, đặc nhiệm Triều Tiên một khi đã vào trong nội địa Hàn Quốc, có thể đột nhập và tấn công khoảng 90% số cơ sở kinh tế, quân sự quan trọng của nước này. Mỗi đơn vị đặc nhiệm đều đã được phân công 1 mục tiêu cụ thể.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại