Trang mạng tiếng Nga bmpd cho hay, kênh truyền hình MWD (của Bộ Quốc phòng Myanmar) đã có một báo cáo chi tiết về các hệ thống vũ khí được lắp đặt trên các tàu chiến mới của Hải quân Myanmar. Báo cáo chỉ ra rằng một số trong số những hệ thống vũ khí kể trên là do CHDCND Triều Tiên sản xuất.
Khinh hạm F 11 Aung Zeya của Hải quân Myanmar.
Đặc biệt, theo phóng sự của kênh truyền hình này, khinh hạm đầu tiên được đóng tại Myanmar F 11 Aung Zeya, hạ thủy vào cuối năm 2011 đã được trang bị hệ thống pháo của Triều Tiên. Đáng chú ý là các hệ thống pháo 76-mm/62, pháo cao tốc tự động 6 nòng 30 mm và 14,5 mm. Pháo hạm 76-mm/62 của Triều Tiên lắp đặt trên chiếc F 11 được cho là bản sao của pháo hạm nổi tiếng Oto Melara Compact. Một số nguồn tin cho rằng có thể Triều Tiên đã nhận được các tài liệu từ Iran, nước mà cũng đã tạo ra một bản sao khác của hệ thống pháo hạm Ý.
Trong khi đó, có thể dễ nhận thấy pháo hạm 6 nòng 30 mm được Triều Tiên phát triển dựa trên AK-630 của Liên Xô.
Ngoài ra, trên các khinh hạm lớp Aung Zeya còn đươc lắp đặt các hệ thống phòng không tầm ngắn của Triều Tiên. Tại Triều Tiên, các hệ thống này được trang bị trên những tàu tên lửa nhỏ phục vụ trên các tàu đổ bộ đệm khí của Hải quân nước này. Hệ thống bao gồm 6 tên lửa (có thể là MANPADS) trên tháp pháo.
Myanmar được cho là quốc gia nhập khẩu tương đối nhiều vũ khí của Triều Tiên và điều này khiến Mỹ không vừa ý. Hồi đầu tháng 3 năm nay, hãng thông tấn AP đưa tin, một bản báo cáo trình trước Quốc hội Mỹ về năng lực quân sự của Triều Tiên cho hay Iran, Syria và Myanmar là nhóm nước chủ yếu mua vũ khí Triều Tiên. AP cho biết hiện tại Mỹ đang gây sức ép buộc chính phủ cải cách của Myanamr ngừng hoạt động mua vũ khí của Triều Tiên. Mỹ cũng từng nghi ngờ Bình Nhưỡng cung cấp công nghệ tên lửa cho Myanmar.
Tháng 7 năm ngoái, Chính phủ Mỹ đã liệt Trung tướng Myanmar Thein Htay vào danh sách đen vì tội mua vũ khí của CHDCND Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Đến tháng 12/2013, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã đưa ra các biện pháp trừng phạt một sĩ quan quân đội khác và 3 doanh nghiệp Myanmar vì đã buôn bán vũ khí với Triều Tiên. Theo Bộ tài chính Mỹ, tháng 11/2012, chính quyền Myanmar đã "công khai loan báo ý định tuân thủ nghị quyết 1874 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết này cấm việc mua các mặt hàng quân sự và hỗ trợ tài chính cho Bắc Triều Tiên".
Một số hình ảnh về vũ khí Triều Tiên trên khinh hạm của Myanmar:
Súng máy 14,5 mm 6 nòng trên khinh hạm F 11.
Pháo hạm 30 mm trên khinh hạm F 11.
Pháo hạm 76 mm trên F-11. Đây có thể là biến thể của Oto Melara Compact được Triều Tiên sản xuất theo tài liệu nhận được từ Iran.