Thực tế là các quốc gia mua hoặc chế tạo máy bay chiến đấu đều nhằm giải quyết những vấn đề chiến lược quốc gia và do đó những chiến đấu cơ này được đánh giá theo khả năng của nó trong giải quyết hoặc cải thiện vấn đề trên. Điều gì đã khiến cho 5 loại máy bay chiến đấu dưới đây được xếp vào hàng ngũ những chiến đấu cơ xuất sắc nhất mọi thời đại? Lời giải đáp cho câu hỏi phụ thuộc vào các thông số về độ tin cậy và chi phí.Và dưới đây là câu trả lời:
Spad S.XIII
Ngay trong thời kỳ đầu của ngành hàng không quân sự, cuộc cách mạng công nghệ đã phát triển với một tốc độ chóng mặt khiến cho các máy bay chiến đấu nhanh chóng trở nên lỗi thời trong thời gian tính bằng năm. Vì vậy, trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, các kỹ sư ở Anh, Pháp và Italy đã làm việc một cách không mệt mỏi nhằm chế tạo ra những thế hệ các máy bay mới mỗi năm để ném vào cuộc chiến. Trong bối cảnh này, chọn một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế thực sự là rất khó khăn.
Tuy nhiên, Spad S.XIII nổi bật về các tính năng chiến đấu và dễ dàng sản xuất.
Spad S.XIII là loại máy bay tiêm kích hai tầng cánh của Pháp, do hãng Société Pour L'Aviation et ses Dérivés (Spad) phát triển từ loại Spad S.VII. Nó là một trong những máy bay chiến đấu mạnh nhất trong những lần tham gia không chiến thời kỳ đầu. Đây cũng là chiếc máy bay được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn khoảng 8.472 chiếc và hơn 10.000 đơn đặt hàng phải hủy bỏ do chiến tranh kết thúc.
Những chiếc Spad S.XII đời trước đã “làm mưa làm gió” trên bầu trời vào khoảng thời gian 1916. Sau đó, nó đã bị Đức vượt mặt với loại máy bay chiến đấu tối tân hơn. Cuối cùng đội ngũ thiết kế của Pháp đã cho ra đời phiên bản Spad S.XIII. Ngoài việc nâng cấp động cơ công suất lớn và tốt hơn phiên bản cũ, Spad S.XIII còn được trang bị một khẩu pháo 37 mm bắn qua trục cánh quạt, giúp chiếc chiến đấu cơ trở nên linh hoạt và thành đối thủ đáng gờm của các loại máy bay thời điểm đó.
Grumman F6F Hellcat
Năm 1943, nước Mỹ cần một “chiến binh” mạnh mẽ, đủ sức để chiến đấu xa căn cứ nhưng cũng phải đủ nhanh và mạnh để đánh bại máy bay chiến đấu tốt nhất của Nhật Bản lúc bấy giờ. Hellcat đã đáp ứng được yêu cầu đó.
Mặc dù F6F Hellcat không thể so sánh với những máy bay như Spitfire, P - 51 hay Bf 109 về nhiều đặc tính cơ bản, nhưng ưu điểm nổi bật nhất của chiếc máy bay này là dễ dàng cất cánh từ tàu sân bay. Điều này khiến nó cùng với máy bay Vought F4U Corsair được coi là máy bay tiêm kích chủ lực trang bị cho tàu sân bay của Hải quân Mỹ vào nửa sau của Chiến tranh thế giới thứ hai.
Được đưa vào tham chiến từ tháng 9/1943, tỷ lệ giành chiến thắng của Hellcat khá cao, 75% thắng lợi trong các trận chiến tại Thái Bình Dương. Phi công Mỹ lái máy bay F6F xuất sắc nhất lúc bấy giờ là David McCampbell, đã bắn rơi 9 máy bay Nhật Bản trong một ngày. Do được trang bị vũ khí hạng nặng nên nó có khả năng phá hủy đáng kể các máy bay của đối phương. Hellcat là kiểu máy bay thành công nhất trong lịch sử hải quân Mỹ, tiêu diệt gần 5.200 máy bay địch. Sau chiến tranh, Hellcat nhanh chóng được rút khỏi tiền tuyến và chính thức “nghỉ hưu” khỏi vai trò tiêm kích bay đêm trong các phi đội hỗn hợp vào năm 1954.
Messerschmitt Me-262 Swallow
Vào giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức đã trở thành mục tiêu tấn công bằng các loại máy bay hạng nặng của quân đồng minh. Trong cơn tuyệt vọng, Đức Quốc xã đã thành lập một đơn vị máy bay chiến đấu Me-262 với hy vọng sẽ tạm thời ngăn chặn các cuộc không kích của Anh và Mỹ.
Cách tiếp cận của Me-262 là từ đằng sau và độ cao lớn hơn máy bay ném bom của đối phương, sau đó lao xuống nã pháo 30 mm trong khoảng cánh 600 m. Chiến thuật này tỏ ra hiệu quả nhưng nó lại được đề xuất quá muộn. Tuy nhiên, nó đã trở thành tiêu chuẩn trong những trận đánh chống lại máy bay ném bom cho đến khi tên lửa có điều khiển ra đời.
Chiếc Me-262 thử nghiệm đầu tiên đã được hoàn tất trong năm 1939. Nhưng do chi phí quá cao và do các tướng Đức Quốc xã cho rằng họ có thể giành chiến thắng bằng các loại máy bay cánh quạt hiện có nên Me-262 không nằm trong diện vũ khí ưu tiên của quân đội Đức Quốc xã.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Me-262 - một trong những “vũ khí thần kỳ” của Đức Quốc xã - đã trở thành chiến lợi phẩm của quân đội Mỹ. Hiện một chiếc máy bay tiêm kích phản lực đánh chặn Me-262 được trang bị radar vẫn còn được trưng bày ở một sân bay của Hải quân Mỹ tại bang Washington.
Dù không đảo ngược được cục diện chiến tranh, nhưng Me-262 vẫn được lịch sử công nhận là loại máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới, khởi đầu cho những thế hệ máy bay chiến đấu phản lực sau này.
Mikoyan - Gurevich MiG-21 "Fishbed"
Ra đời trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mikoyan - Gurevich MiG-21 (tên ký hiệu của NATO: Fishbed) là một máy bay tiêm kích phản lực, được phòng thiết kế Mikoyan tại Liên bang Xô viết chế tạo. Hơn 50 quốc gia trên 4 lục địa đã sử dụng loại máy bay này và hiện nay MiG-21 vẫn đang hoạt động trong lực lượng không quân nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Rumani... sau 50 năm khi nó bay lần đầu tiên.
MiG-21 có nhiều ưu điểm nổi trội như: Tính linh hoạt, cơ động, giá rẻ, chi phí bảo trì thấp, tốc độ cao, dễ điều khiển và rất khó bị tiêu diệt trong các trận không chiến. Hiện nó đã phục vụ được hơn 50 năm và rất nhiều nước vẫn chọn MiG-21 như là một vũ khí hiệu quả trong việc bảo vệ và kiểm soát vùng trời, vùng biển quốc gia. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi loại máy bay này vẫn có thể tồn tại đến năm 2034.
Đây cũng là chiếc máy bay đạt rất nhiều kỷ lục về hàng không như: Máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hàng không; máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai; máy bay chiến đấu có thời gian sử dụng lâu nhất.
MiG-21 có khả năng đạt đến vận tốc Mach 2 (gấp đôi tốc độ âm thanh), vận tốc này thậm chí còn vượt qua tốc độ tối đa của nhiều kiểu máy bay chiến đấu hiện đại sau này. Từ năm 1960 đến nay, đã có khoảng 10.352 chiếc MiG-21 được chế tạo.
McDonnell Douglas F-15 Eagle
Kể từ khi được đưa vào sử dụng năm 1976, McDonnell Douglas F-15 Eagle đã ngay lập tức được công nhận là máy bay chiến đấu tốt nhất trên thế giới. Hiện nay, loại máy bay này vẫn duy trì được ưu thế cho dù Su - 27 và F - 22 đã vượt qua nó về một số tính năng chiến đấu. Nếu một trong những máy bay chiến đấu trong lịch sử nước Mỹ có thể bị lãng quên, thì F-15 không nằm trong số đó.
F-15 Eagle của hãng McDonnell Douglas (đã sáp nhập vào Boeing) là một kiểu máy bay tiêm kích chiến thuật 2 động cơ phản lực hoạt động trong mọi thời tiết, được thiết kế để chiếm lĩnh và duy trì ưu thế trên không trong chiến đấu.
Nó được phát triển cho Không quân Mỹ và bay lần đầu tiên vào ngày 27/7/1972. Phiên bản cải tiến F-15E Strike Eagle (Đại bàng tấn công) là kiểu máy bay tiêm kích kết hợp cường kích hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được đưa vào hoạt động từ năm 1989. F-15 dự định sẽ được phục vụ trong Không quân Mỹ đến năm 2025.
Tính tới năm 2005, F-15 thuộc mọi lực lượng không quân đã có thành tích tiêu diệt 104 mục tiêu trên không (theo nguồn cung cấp từ các bên sử dụng nó). Ngoài ra, loại máy bay này có thể hạ cánh bằng một cánh, một điều mà khó có chiếc máy bay chiến đấu nào thực hiện được.