Tổng thống Mỹ quyết định vận mệnh thế giới trong 30 giây

Thiên Nam |

Thế giới đã nhiều lần đứng trước thảm họa hạt nhân, vận mệnh của thế giới lúc đó tùy thuộc vào quyết định “thần tốc” của các nguyên thủ quốc gia.

Quy trình chết chóc của các quốc gia hạt nhân

Nhà nghiên cứu của Viện quan hệ quốc tế Woodrow Wilson, trực thuộc Đại học Princeton, kiêm chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, trung tá về hưu Bruce Blair vừa viết trên tờ Politico rằng, trong bối cảnh đối đầu căng thẳng, chiến tranh hạt nhân hoàn toàn có thể xảy ra do nhầm lẫn.

Thực tế này được duy trì theo quy tắc: Trong điều kiện đối đầu thời chiến tranh lạnh, cả Liên Xô và Mỹ sẽ phóng tên lửa hạt nhân khi có báo động, đồng thời triển khai một cuộc phản công hạt nhân trước khi tên lửa đối phương có thời gian tiêu diệt phần lớn tiềm năng chiến lược của đất nước.

Chuyên gia Blair cho biết, cơ bản là những nhà lãnh đạo các quốc gia hạt nhân khác trên thế giới cũng tuân theo một quy trình tương tự.

Mô hình tiêu chuẩn toàn cầu, được xây dựng trên trên nguyên tắc: Tấn công - trả đũa, ngay sau khi hệ thống báo động được kích hoạt, là hiểm họa lớn nhất cho nhân loại.

Ngày nay, những rủi ro hạt nhân ngày càng sâu sắc hơn khi xuất hiện các mối đe dọa trên không gian mạng, khiến mô hình lệnh báo động của Nga và Mỹ ngày càng trở nên không đáng tin cậy.

Các đầu đạn hạt nhân sẽ được phóng ngay sau khi máy tính nhận được tín hiệu báo động sai lầm mà nguồn gốc của nó không thể xác định được.


Vũ khí hạt nhân sẽ gây ra những tai họa thảm khốc cho nhân loại

Vũ khí hạt nhân sẽ gây ra những tai họa thảm khốc cho nhân loại

Cho dù xác suất chiến tranh hạt nhân vẫn là rất thấp, nhưng sự nhạy cảm của hệ thống báo động đáp trả cùng với các mối đe dọa không gian mạng và sự cố xảy ra từ chính hệ thống cảnh báo, có thể khiến cho nguy cơ phản ứng hạt nhân sai lầm gia tăng, ông Bruce Blair kết luận.

Ông Blair cho biết, theo tính toán của các chuyên gia hạt nhân, thực tế là thời gian bay của các tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, tấn công từ Liên Xô/Nga sang Mỹ và ngược lại là khoảng 11 phút cho đến nửa giờ.

Thời gian 11 phút được tính là khi được phóng từ các tàu ngầm hạt nhân tuần tra gần bờ biển của đối phương và nửa giờ đối với tên lửa bay từ bên này sang bên kia lục địa.

Do đó, những người ra quyết định khởi động tấn công hạt nhân theo báo động phải chịu áp lực tâm lý và áp lực thời gian rất lớn. Đây là quyết định một cách “máy móc” theo những “kịch bản chết chóc” được chuẩn bị từ trước.

Tổng thống Mỹ có 30 giây để quyết định đáp trả hạt nhân

Một kịch bản tiêu biểu của Mỹ là, hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo phát hiện có vụ tấn công hạt nhân đang nhằm vào Hoa Kỳ, số liệu được tự động chuyển về Trạm chỉ huy hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Mỹ.

Những người xử lý dữ liệu có ba phút sau khi nhận được các tín hiệu để đánh giá sơ bộ và gửi báo cáo cho ban chỉ huy tối cao. Sự việc ngay lập tức được báo cáo theo đường dây khẩn cấp lên Tổng thống Mỹ.


Tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman-3 của Mỹ rời bệ phóng

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman-3 của Mỹ rời bệ phóng

Tổng thống Hoa Kỳ sẽ có 3 phút để xem xét các phân tích của máy tính về dữ liệu cảnh báo sớm về cuộc tấn công tên lửa hạt nhân và đánh giá mức độ nguy hiểm của vụ tấn công hạt nhân này.

Sau khi quyết định đáp trả, ông sẽ nghe một bản báo cáo khoảng 30 giây về những tùy chọn trả đũa hạt nhân và những hậu quả sẽ xảy ra.

Kịch bản đáp trả hạt nhân đã được chuẩn bị sẵn, trong trường hợp nhiều nhất là 12, nhưng thường là 3 hoặc 6 phương án cơ bản được đưa ra.

Chuyên gia Bruce Blair cho biết, chỉ trong 30 giây, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phải rà soát và xem xét một phương án phù hợp nhất trong số đó, để quyết định đưa ra phương án đáp trả nào, dựa trên những đánh giá trước đó.

Trong thời gian này, các dữ liệu mới nhất về đường đạn của tên lửa và thời gian phóng tới Hoa Kỳ sẽ được liên tục cập nhật để người lãnh đạo Hoa Kỳ có thể điều chỉnh phương án hoặc hủy bỏ lệnh tấn công hạt nhân.

Tóm lại, từ khi radar phát hiện có vụ tấn công tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, Tổng thống Mỹ sẽ chỉ có vài phút để đưa ra quyết định đáp trả hạt nhân hủy diệt đối phương, trước khi chúng xóa sổ Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên là song song với đòn đáp trả hạt nhân, hệ thống phòng thủ tên lửa trên vũ trụ, trên mặt đất và trên biển của Mỹ cũng đã được tự động kích hoạt từ khi có cảnh báo tấn công tên lửa và sẽ hoạt động hết công suất để ngăn chặn tối đa thảm họa thảm khốc đến với Hoa Kỳ.

Chuyên gia Blair cho biết, trong thời kỳ chiến tranh lạnh và cả hiện nay, kho vũ khí hạt nhân của 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô/Nga đủ để tiêu diệt thế giới hàng trăm lần.

Hiện nay, Washington cũng như Moscow đang duy trì các trạm chỉ huy-điều khiển và hàng trăm đầu đạn hạt nhân chiến lược triển khai ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao.

2 cường quốc cũng hiểu cái giá phải trả nếu chiến tranh hạt nhân bùng phát, nên họ cũng đã có những biện pháp để đề phòng tối đa những sai sót có thể xảy ra.

Tuy vậy, cũng có những sự cố không thể lường trước, khiến thế giới đã nhiều lần đứng trước bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Nhân loại đã nhiều lần đứng trước bờ vực chiến tranh hạt nhân

Trong lịch sử Chiến tranh lạnh và cả sau này cũng đã có những trường hợp mà hệ thống lên tiếng báo động nhầm về tình huống cảnh báo tên lửa hoặc một quốc gia phóng tên lửa mà không thông báo dẫn đến các nước khác hiểu nhầm suýt gây ra chiến tranh hạt nhân.

Ví dụ như nhân loại suýt bị hủy diệt vào ngày 09-11-1979 bởi một sự cố máy tính ở một trung tâm chỉ huy quân sự của Mỹ, khiến nước này suýt tung ra một cú đáp trả hạt nhân “tổng lực và toàn diện” vào Liên Xô.


Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo chiến lược xuyên lục địa Topol MRS 12M do Lực lượng tên lửa chiến lược (RVSN) của Moscow thực hiện tại khu vực Arkhangelsk

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo chiến lược xuyên lục địa Topol MRS 12M do Lực lượng tên lửa chiến lược (RVSN) của Moscow thực hiện tại khu vực Arkhangelsk

Vào lúc 08h50 phút ngày 09-11-1979, màn hình theo dõi tình huống của các sĩ quan trực chỉ huy 4 trung tâm chỉ huy lớn nhất của Mỹ là Bộ tư lệnh phòng không Bắc Mỹ, Sở chỉ huy của Bộ tư lệnh không quân chiến lược, Trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia và Trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia dự bị ở Lầu Năm Góc, đồng loạt xuất hiện hình ảnh vô số các tên lửa đạn đạo Liên Xô đang bay đến tấn công nước Mỹ.

Một cảnh báo hạt nhân toàn diện, cấp độ cao nhất được tung ra. Trong 6 phút sau đó, công tác chuẩn bị đánh chặn và kế hoạch tấn công phản đòn hạt nhân tổng lực đã chuẩn bị xong.

Lúc này người Mỹ mới phát hiện ra, hệ thống máy tính của 1 trong 4 Trung tâm trên đã bị trục trặc và nó tự động phát một cuộn băng, nội dung thể hiện tình huống diễn tập phòng thủ tên lửa mà trước đó Lầu Năm Góc đã tổ chức, giả định tình huống Liên Xô tấn công hạt nhân tổng lực vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Vụ việc dở khóc, dở cười này đã làm cả nước Mỹ tá hỏa và nhân loại suýt phải nhận một thảm họa hạt nhân vô cùng thảm khốc.

Trong kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu một số thảm họa hạt nhân đã suýt xảy ra, trong đó có những vụ việc tiêu biểu như: Một đàn ngỗng trời khiến NATO phát hoảng hay là sự việc một con gấu đã suýt gây ra thảm họa hạt nhân hoặc vụ chiếc Vali hạt nhân đã được đặt trước mặt lãnh đạo Nga…

Ngày 20-6-2013, “Báo cáo công khai của các nhà khoa học nguyên tử” (Bulletin of the Atomic Scientists) của Mỹ đánh giá, toàn thế giới hiện nay sở hữu 17.3000 đầu đạn hạt nhân, trong đó Nga đứng đầu thế giới với khoảng 8.500 đầu đạn.

Bản báo cáo cho biết, chỉ tính riêng 2 nước đứng đầu danh sách là Nga và Mỹ đã chiếm tới 90% tổng số đầu đạn hạt nhân.

Nga dẫn đầu với 8.500 quả, còn Mỹ xếp thứ 2 với 7.700 đầu đạn, Pháp ở vị trí thứ 3 với khoảng 300 quả, Trung Quốc đứng kế tiếp với 250 quả còn Anh đứng hạng 5 với 225 đầu đạn.

Theo số liệu của Bộ quốc phòng Mỹ, Nga hiện có khoảng 8500 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 4.500 quả hiện còn trong biên chế trên tất cả các phương tiện phóng chiến lược, chiến thuật của quân đội Nga.

Ngoài ra, 4.000 quả còn lại đang được niêm cất nguyên vẹn trong các kho chứa.

Theo một số nguồn tin chưa xác thực, Nga hiện đang triển khai 326 tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất (ICBM) mang 1.050 đầu đạn hạt nhân, 624 đầu đạn hạt nhân triển khai trên tàu ngầm, 810 đầu đạn triển khai trên 72 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại