Tìm hiểu "Nắm đấm thép" của Hải quân đánh bộ Việt Nam

Phi Yến |

Một trong những "nắm đấm thép" có sức xuyên phá rất mạnh của Hải quân đánh bộ Việt Nam hiện nay lại là một loại xe tăng do Trung Quốc sản xuất.

Xe tăng lội nước Type-63 (mã định danh công nghiệp WZ-211) được Viện Kỹ thuật quân sự (MEI) Trung Quốc thiết kế dựa trên nguyên mẫu xe tăng PT-76 của Liên Xô nhưng có kích thước, tầm hoạt động lớn hơn cùng hỏa lực mạnh hơn.

Thông số kỹ thuật xe tăng lội nước Type-63

Kíp lái: 4 người

Trọng lượng: 19,83 tấn

Dài: 7,15 m (8,44 m với pháo quay về phía trước)

Rộng: 3,2 m

Cao: 2, 522 m

Giáp dày nhất: 14 mm

Vũ khí: 1 pháo nòng xoắn 85 mm (47 viên đạn) ; 1 súng máy phòng không 12,7 mm (500 viên đạn); 1 súng máy đồng trục 7,62 mm (2.000 viên đạn)

Động cơ: diesel V-12 12150 L-2 công suất 402 mã lực tại vòng tua máy 2.000 vòng/phút

Tốc độ tối đa: 64 km/h trên đường tốt; 30 km/h trên đường xấu; 12 km/h khi bơi

Tầm hoạt động: 370 km trên đường tốt; 340 km trên đường xấu; 120 km khi bơi

Trung Quốc được Liên Xô viện trợ một lượng nhỏ xe tăng lội nước PT-76 từ giữa những năm 1950. Đến tháng 10/1958, Trung Quốc quyết định sẽ chế tạo một phiên bản xe tăng lội nước của riêng mình dựa trên thiết kế của PT-76.

Xe tăng lội nước PT-76

Chương trình nghiên cứu được thực hiện bởi Viện 201 và Nhà máy 615 đã cho kết quả là sự ra đời mẫu xe tăng Type-60 (WZ-221) vào năm 1959. Tuy nhiên mẫu thử nghiệm này gặp phải một số vấn đề liên quan đến hiệu suất, đặc biệt là việc động cơ quá nóng khiến cho quân đội Trung Quốc không cảm thấy hài lòng.

Sau đó Viện Kỹ thuật quân sự (MEI) và Viện nghiên cứu số 60 nhận trách nhiệm cải tiến WZ-221. Đến năm 1962 công việc nâng cấp đã hoàn thành, mẫu xe mới được gửi đến Nhà máy 615 của NORINCO để tiếp tục thử nghiệm và đến tháng 4/1963 nó được chấp nhận đưa vào trang bị với tên định danh Type-63.

Type-63 có thiết kế truyền thống với khoang lái bố trí phía trước, khoang chiến đấu ở giữa và khoang động cơ ở phía sau. Phần thân xe có hình dáng khá giống với PT-76 nhưng dài hơn và rộng hơn, tháp pháo của Type-63 hình nửa quả trứng giống với xe tăng T-54, đặt ở chính giữa thân xe thay vì lệch hẳn lên phía trước như PT-76. Kíp xe cũng được tăng lên 4 người (nhiều hơn 1 người so với PT-76) nhằm phân chia nhiệm vụ chuyên biệt để tạo ra hiệu quả tác chiến tốt hơn.

Xe tăng lội nước Type-63 nhìn từ bên phải

Vũ khí chính của xe tăng Type-63 và pháo nòng xoắn 62-85TC cỡ 85 mm có góc nâng hạ từ -40 - +220, đây cũng là loại pháo trang bị cho xe tăng hạng nhẹ Type-62, nó có thể bắn tất cả các loại đạn gồm: đạn nổ phá mảnh, đạn xuyên lõm, đạn xuyên động năng, đạn khói… Pháo 62-85TC có tầm bắn tối đa 12.200 m, tầm bắn hiệu quả 1.870 m, tốc độ bắn 8 phát/phút. Đạn xuyên lõm của Type-63 có thể xuyên thủng 495 mm giáp đồng nhất còn đạn xuyên động năng xuyên được 360 mm khi bắn từ cự ly 1.000 m.

Pháo chính của Type-63 không có bộ ổn định tầm hướng, thiếu hệ thống kiểm soát hỏa lực và thiết bị nhìn đêm hiệu quả nên độ chính xác khi tác xạ khá kém, ngoài ra xe còn không thể bắn khi đang bơi. Vũ khí phụ của Type-63 gồm 1 súng máy phòng không 12,7 mm (sao chép DShK của Liên Xô) và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm Type-59T.

Thân xe Type-63 làm bằng thép hàn, để tối ưu hóa tính năng bơi nên độ dày của giáp khá thấp, từ 10 - 14 mm, chỉ cho phép chống lại các loại vũ khí bộ binh nhẹ. Hệ thống treo của xe gồm hàng 6 bánh chịu lực mỗi bên. Mẫu xe tăng lội nước này đã cho thấy khả năng cơ động tuyệt vời trên các địa hình khó khăn như vượt được hào rộng 2,9 m, vượt chướng ngại vật cao 0,87 m, leo dốc 60%. Type-63 trang bị hệ thống truyền động hành tinh với 5 số tiến và 1 số lùi, thùng nhiên liệu bổ sung có thể được gắn phía sau xe để tăng phạm vi hoạt động.

Giống như PT-76, Type-63 là loại xe tăng lội nước điển hình với thân xe được thiết kế giống như một chiếc thuyền máy gắn pháo. Khi chuyển chế độ bơi, xe được đẩy đi nhờ 2 động cơ phản lực nước bố trí 2 bên phía sau, Type-63 có thể bơi với vận tốc 12 km/h trên quãng đường dài 120 km.

Xe tăng Type-63 được Trung Quốc viện trợ và xuất khẩu tới 10 quốc gia ở châu Á, châu Phi và 1 quốc gia châu Âu là Albani, tham dự một số cuộc chiến như chiến tranh Việt Nam, nội chiến Sri Lanka… Hiện tại loại xe tăng lội nước hạng nhẹ này vẫn còn trong biên chế tại đa số các quốc gia tiếp nhận (trừ Albani đã loại biên). Trong quân đội Trung Quốc, các phiên bản Type-63 đang được thay thế bởi loại xe tăng lội nước hiện đại hơn là ZTD-05.

Xe tăng lội nước Type-63 nhìn từ phía trước

Theo thông tin từ nước ngoài, Việt Nam đã nhận được 150 xe tăng lội nước Type-63 từ trung Quốc trong giai đoạn 1970 - 1972. Tại Việt Nam, loại xe tăng này được Việt hóa với tên gọi K-63-85 để phân biệt với xe thiết giáp chở quân Type-63 (K-63), đôi khi nó còn được gọi là PT-85.

Trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam, xe tăng K-63-85 đã đóng góp vào việc làm nên chiến thắng 30/4/1975. Sau ngày thống nhất đất nước, loại xe tăng này còn tham gia vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Xe tăng Type-63 trên đường phố Sài Gòn

Xe tăng Type-63 trên đường phố thủ đô Phnom Penh

Hiện nay, phần lớn số xe tăng Type-63 của Việt Nam thuộc biên chế Hải quân đánh bộ. Mặc dù không được triển khai với số lượng nhiều như PT-76 nhưng loại xe tăng lội nước này vẫn có một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Xe tăng lội nước Type-63 của Hải quân đánh bộ Việt Nam triển khai sẵn sàng chiến đấu

Xe tăng lội nước Type-63 được niêm cất bảo quản trong kho

Xe tăng Type-63 của Myanmar bắn đạn thật

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại