Mỹ lấy đại bác giết “muỗi” ở Iraq

Mỹ đang điều những chiếc máy bay trị giá hàng chục triệu USD để phá hủy các xe Humvee do chính nước này trao cho quân đội Iraq nhưng nay lại lọt vào tay Tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Tổng thống Mỹ Barack Obama tối 10-9 đã vạch ra chiến lược nhằm làm suy yếu và tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), bật đèn xanh cho quân đội không kích IS không chỉ ở Iraq mà cả Syria.

Tiêu tốn 7,5 triệu USD/ngày

Quân đội hùng mạnh nhất thế giới đang phái đi những chiếc máy bay trị giá hàng chục triệu USD và cả phi công được đào tạo bài bản nhằm phá hủy các xe Humvee do Mỹ sản xuất (giá ban đầu là 70.000 USD nhưng đã tăng lên 160.000-220.000 USD/chiếc).

Với sự giúp sức của binh sĩ người Kurd và Iraq dưới mặt đất, các cuộc không kích kể từ ngày 8-8 đã đạt được một số thành công nhất định khi đẩy lùi các tay súng IS ra khỏi đập Mosul (Iraq). Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ xác nhận các vụ không kích từ ngày 22-8 đã phá hủy 5 xe bọc thép đa dụng và lưu động Humvee.

Mỉa mai thay, những chiếc xe này do chính Mỹ trao cho quân đội Iraq. IS đã tràn vào Mosul, cướp bóc các kho vũ khí của Iraq, trong đó có xe Humvee, cách đây 2 tháng.

Loại máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet tham gia không kích ở Iraq có giá từ 30-50 triệu USD tùy theo phiên bản Ảnh: US NAVY
Loại máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet tham gia không kích ở Iraq có giá từ 30-50 triệu USD tùy theo phiên bản Ảnh: US NAVY

Trong khi hầu hết người dân Mỹ không muốn chính phủ can thiệp quân sự nhiều hơn ở Trung Đông thì người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby hồi cuối tháng 8 đã tung tin sốc. Chuẩn đô đốc này tiết lộ trung bình mỗi ngày, Mỹ tiêu tốn 7,5 triệu USD cho các hoạt động chống IS ở Iraq. Còn tại Afghanistan, Lầu Năm Góc đã “đốt” 1,3 tỉ USD chỉ trong 1 tuần.

Hãng tin Reuters ước tính đó là các khoản như nhiên liệu cho máy bay thực hiện sứ mệnh do thám và không kích, chi phí tên lửa và các loại bom đạn cũng như tiền chi cho nhân lực.

Đến nay, quân đội Mỹ đã thực hiện khoảng 160 vụ không kích ở Iraq trong khi tiến hành khoảng 60 lần do thám mỗi ngày. Chi phí này trích từ ngân sách chiến tranh khoảng 80 tỉ USD trong năm 2014 của Lầu Năm Góc.

Ông Kirby nhấn mạnh: “Các khoản chi tiêu vẫn nằm trong giới hạn cần thiết cho năm 2014”. Đồng thời, ông lưu ý rằng Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel trước đây từng tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ không cần bổ sung ngân sách cho chi phí ở Iraq trong năm nay nhưng có thể yêu cầu quốc hội chuẩn chi thêm trong năm tài khóa 2015 bắt đầu từ tháng 10 tới.

Lầu Năm Góc đang đối mặt với vấn đề ngân sách lớn hơn vào năm 2016 nếu ngân sách tự động bị cắt giảm trong khi quân đội đang được lệnh cắt giảm dự toán chi tiêu gần 1.000 tỉ USD trong vòng 10 năm.

Không nhằm nhò gì với IS

Dù đang phải tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ cho chiến dịch quân sự ở Iraq, một quan chức cao cấp Lầu Năm Góc dự kiến các cuộc không kích hiện nay của Mỹ ở Iraq chỉ có tác động tối thiểu và thoáng qua đối với IS. Thậm chí, tạp chí Time ví von Mỹ đang sử dụng đại bác để giết muỗi ở Iraq.

Trung tướng William Mayville, tư lệnh các chiến dịch của Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ, thừa nhận: “Ở các khu vực tập trung không kích, chúng tôi đạt được hiệu quả rất tạm thời”. Ngoài ra, tướng Mayville - từng chỉ huy một lữ đoàn trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003 - nhận định các vụ không kích ít có khả năng ảnh hưởng đến năng lực nói chung hoặc các hoạt động của IS tại các khu vực khác ở Iraq, Syria.

Thêm vào đó, theo tạp chí Newsweek, trong khi Mỹ tiếp tục không kích ở Iraq và dự kiến tiến hành trên lãnh thổ Syria, các vụ không kích tỏ ra không hiệu quả khi chống lại mìn, các thiết bị gây nổ (IED) và bom cài bên đường của các phần tử nổi dậy Hồi giáo.

Hay nói cách khác, chỉ với các phi vụ không kích, Mỹ không thể giúp các lực lượng Iraq và người Kurd đánh bại IS. Việc sử dụng mìn và IED của IS tỏ ra hiệu quả khi giúp phiến quân chiếm thành phố Tikrit, miền Bắc Iraq, bằng cách cầm chân bước tiến của các lực lượng chính phủ Iraq.

“Điều quan trọng là chặn đứng đà tiến của IS. Nếu như chúng ta đến Iraq, đuổi IS ra khỏi đập Mosul và ở lại đó, tôi cam đoan rằng IS sẽ có lúc quay lại. Các cuộc không kích quan trọng và có thể hữu ích nhưng chúng không đạt hiệu quả về lâu về dài” - ông Janine Davidson, quan chức cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nhận định.

Bom Mỹ giá bao nhiêu?

Theo trang web Defense Update, các loại bom có tia laser dẫn đường giá thấp nhất 15.000 USD/quả, còn loại bom tinh vi đa năng nhất có giá đến 250.000 USD/quả. Cách đây hơn 10 năm, Lầu Năm Góc trả khoảng 40.000 USD/quả cho bom GBU-31 JDAM - loại bom thông minh có bộ điều khiển quỹ đạo gắn ở phần đuôi bom. Tuy nhiên, sau khi sản xuất khoảng 250.000 quả bom, hãng Boeing giảm xuống còn khoảng 25.000 USD/đơn vị vũ khí.

Khi vũ khí trở nên tinh vi hơn, giá của chúng cũng tăng lên. Chẳng hạn như loại bom GBU-12 Paveway II được laser dẫn đường được bán 12.000 USD/quả cách đây hơn 10 năm nhưng sau này đã tăng lên từ 4-7 lần khi được trang bị bộ dò tìm, hệ thống điện tử và hệ thống định vị toàn cầu cải tiến kết hợp với phiên bản Paveway III. Ngoài ra, giá cả còn tùy thuộc vào trọng lượng của từng quả bom - 40.000 USD đối với loại 1.000 pound (453,5 kg) và 70.000 USD đối với đầu đạn 2.000 pound (907 kg). GBU-39, loại bom nhỏ hơn nhưng độ chính xác tương đương, được bán với giá 40.000 USD/quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại